Như PLVN đã phản ánh, trong bài viết Dùng xi măng kém chất lượng để xây dựng nông thôn mới? về việc người dân thôn Đại Liên, Đại Lợi (xã Đức Thanh, huyện Đức Thọ, Hà Tĩnh) đã “bỏ công, bỏ của” ra làm đường nông thôn mới, để rồi thất vọng khi các tuyến đường vừa làm xong đã có dấu hiệu bất thường. Người dân nghi ngờ nguyên nhân là do xi măng PCB30 – Sản phẩm của Công ty Vicem Hoàng Mai (trên bao bì có ghi dòng chữ “Thách thức thời gian”, “Xi măng xây dựng chương trình nông thôn mới” - kém chất lượng. Nghi ngờ này càng được củng cố khi phát hiện có thêm nhiều tuyến đường cũng xảy ra hiện tượng bong tróc mặt đường.
Đường mới làm bê tông “bở như bánh quy”?
Quay trở lại thôn Đại Lợi, gặp phóng viên người dân vẫn bày tỏ bức xúc về việc con đường mới làm xong đã có dấu hiệu “lạ”. Tuyến đường dài hơn 400m còn đó những đoạn lòi đá 2x4, bị bong tróc bề mặt, mỗi khi xe cộ chạy qua, đường mịt mờ bụi xi măng…
Bao bì xi măng Hoàng Mai |
Để chứng tỏ chất lượng con đường, ông Phan Ngọc Bích đã dùng tay, một thanh sắt nhỏ để thử độ bền của bê tông và cho biết: “Đường làm từ 10/2013, thế mà bây giờ tôi dùng ngón tay “khui” cái là lên cả đá 2x4 một cách dễ dàng. Càng ấn tay xuống “móc” từng nào thì đá càng nhô lên từng ấy, xi măng và các viên đá 2x4 không hề được liên kết với nhau bởi xi măng dùng tay bóp là vỡ vụn kiểu “bở như bánh quy” vậy.
Còn khi tôi thử dùng 1 thanh sắt nhỏ thì có thể bới được cả một đoạn bê tông lớn ra để lấy đá, điều đặc biệt là đá trông rất sạch ít có xi măng dính vao, chứng tỏ xi măng không hề có sự kết dính. Có đoạn chúng tôi lấy búa gõ thì bề tông vỡ ra dễ dàng, vụn như bánh quy chứ không dính nhau. Theo kinh nghiệm của tôi nếu xi măng tốt khi dùng búa đập thì bê tông sẽ vỡ thành miếng, cứng như sành sứ bị vỡ và liên kết rất chắc…”.
Người dân dùng tay thử độ bền của đường |
Tiếp tục tìm hiểu phóng viên được biết, đến nay có thêm 5 - 6 đoạn đường khác của xã Đức Thanh cũng xảy ra tình trạng tương tự như thôn Đại Lợi, Đại Liên. Dùng chiếc khóa xe máy để thử độ bền của đường xong, ông Đặng Quang Tiến, Trưởng thôn Thanh Đình, cho biết:
"Chú thấy đó, tôi chỉ dùng chiếc chìa khóa cà đi cà lại nhè nhẹ là là bụi bay vù, đường “trơ” đá lên bề mặt liền. Thôn chúng tôi có 4 đoạn dài 300m vừa làm, cũng được cấp xi măng Vicem Hoàng Mai. Để làm đường các hộ dân đã bỏ “mồ hôi nước mắt” ra để đóng góp 1 triệu đồng/khẩu, nhà 2 khẩu thì 2 triệu nhà 10 khẩu thì 10 triệu. Ngoài ra, nhà nào có trâu bò phải đóng 50 ngàn đồng/con. Nhân dân đã rất kỳ vọng vào đường mới, khi làm rất cẩn thận nhưng làm xong giờ lại ra như thế…”.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Sơn, Trưởng thôn Thanh Trung cho biết, thôn có 220m đường bê tông vừa làm xong cũng xảy tình trạng trên, khiến người dân bức xúc.
Chưa kiểm tra kỹ, đừng đổ lỗi cho dân!
Liên quan đến sự việc, ông Trần Đình Tài - Trưởng phòng Công Thương (huyện Đức Thọ) cho rằng nguyên nhân dẫn đến hiện trên đó là do công tác bảo dưỡng kém, người dân cho lưu thông sớm, khi thi công đã không tạo lớp phẳng trên bề mặt đường!?. Phát ngôn trên của ông Tài đã khiến nhiều người dân bức xúc và cho rằng “đá lỗi” như vậy là vô trách nhiệm.
Người dân chỉ tác động nhẹ là đường lồi đá |
Ông Đinh Hùng Vương, Trưởng thôn Đại Liên cho biết: "Tôi được biết sau khi có tin báo PLVN về tìm hiểu thì huyện đã cử đoàn xuống đi kiểm tra trong đó có Phòng Công Thương. Nhưng thực tế tôi là trưởng thôn nhưng không hề thấy cán bộ nào liên hệ để cùng đi kiểm tra, vì tôi là người sát sao với cơ sở nhất, chỉ nghe họ có về trên xã. Họ nói do bảo dưỡng hay dân cho đi sớm là không hề đúng bởi người dân như thôn chúng tôi bảo dưỡng rất tốt, công tác tưới nước được thực hiện định kỳ thường xuyên. Việc che chắn cũng được người dân rất quan tâm như chuyện xe tải, công nông phải 1 tháng dân mới cho lưu thông…”.
Còn ông Phan Ngọc Trinh một người dân được xem “đứng mũi chịu sào” trong việc làm đường tại thôn Đại Liên thì cho hay: "Đoàn của huyện xuống kiểm tra, tôi cũng chỉ nghe nói chứ không thấy liên lạc với chúng tôi để đi thực tế. Nếu như liên hệ với thôn chúng tôi sẽ chỉ cho những đoạn đường lồi đá 2x4, bê tông chỉ dùng tay là bóc được lên dễ dàng, cũng không thấy đoàn công tác đó của huyện lắng nghe ý kiến phản ánh của người dân chúng tôi.
Tôi là người trực tiếp chỉ đạo thuê máy móc, giám sát việc thi công tuyến đường, từ công tác chọn đá cát, đến bảo dưỡng chúng tôi đều rất chú trọng bởi đây là tuyến đường tâm huyết của người dân. Nếu đổ lỗi do dân bảo dưỡng kém, hay cho đi sớm thì sao có chuyện 4 - 5 tuyến của các thôn khác cũng xảy ra tình trạng tương tự chứ. Tôi cho rằng cán bộ huyện chưa kiểm tra kỹ mà nói thế là thiếu trách nhiệm, khi mà nguyên nhân chưa rõ thì đừng vội đổ lỗi cho dân. Việc xi măng Vicem Hoàng Mai có dấu hiệu kém chất lượng thì cần phải được kiểm tra làm rõ…”.
Trưởng thôn Thanh Đình dùng chìa khóa thử độ bền của đường |
Ngày 11/5, phóng viên tiếp tục liên hệ lãnh đạo huyện Đức Thọ, qua điện thoại ông Trần Đình Tài cho biết: ”Huyện ngày mai sẽ thành lập đoàn về kiểm tra có gì sẽ nhờ đến Sở Giao thông, Sở Xây dựng. Về việc làm đường toàn bộ giao quyền cho xã, toàn bộ do dân tự làm, huyện chỉ đóng vai trò phối hợp cùng các sở giám sát khối lượng.
Xi măng thì 100% là do tỉnh cấp, 6 huyện phía bắc là xi măng Hoàng Mai, còn đơn vị vận chuyển là Cty Hoành Sơn (Hà Tĩnh), xã kí trực tiếp thông qua quyết toàn là Sở Tài chính. Có 15 tuyến với 299, 5 tấn xi măng tất nhiên có thể cái lô đó như thế nào…”. Còn ông Nguyễn Văn Việt, Chủ tịch UBND huyện thì cho biết, hiện chưa kết luận được nguyên nhân phải kiểm tra để có kết luận, rồi mới có giải pháp cụ thể.
Trước những bức xúc của nhân rất mong các cơ quan chức năng sẽ sớm vào cuộc để làm rõ nguyên nhân sự việc, đồng thời sớm có giải pháp xử lý để những “con đương hy vọng” của người dân không trở thành “con đường thất vọng”.
PLVN sẽ tiếp tục thông tin về vụ này./.