Sau khi PLVN đăng tải loạt bài về quảng cáo của cà phê Trung Nguyên đã nhận được rất nhiều ý kiến của các chuyên gia bình luận, đánh giá về cách thức làm truyền thông, quảng cáo, marketing của một số thương hiệu cà phê của Việt Nam hiện nay. Theo ông Phạm Thành Minh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội quảng cáo Hà Nội, thì không chỉ Trung Nguyên mà nhiều thương hiệu cà phê khác của Việt Nam hiện nay đang đi sai hướng khi biến quảng cáo thành những thứ hào nhoáng, khó hiểu đối với công chúng.
- PV: Ông đánh giá như thế nào về cách quảng cáo của các thương hiệu cà phê Việt Nam hiện nay?
- Ông Phạm Thành Minh: Tôi thấy rằng gần đây các hãng cà phê của Việt Nam rất ít quảng cáo và cách thức đa phần nghe qua có vẻ rất hào nhoáng nhưng trên thực tế lại khó hiểu và xa rời mục tiêu của quảng cáo. Họ đã biến quảng cáo thành một tác phẩm nghệ thuật và gắn vào đó những thông điệp cao siêu, không phù hợp thay vì đi sâu vào đúng bản chất và mục tiêu của quảng cáo là truyền tải một thông điệp mang tính công cộng có sức thuyết phục. Thông điệp trong quảng cáo đó phải truyền tải các thông tin về sản phẩm, dịch vụ, thương hiệu,...và mục tiêu là tìm kiếm khách hàng tiềm năng. Chính việc đi sai hướng đó đã dẫn tới sự “xuống cấp” và đánh mất đi thương hiệu của mình trong lòng công chúng.
Ông Phạm Thành Minh – Phó Chủ tịch kiêm Tổng thư ký Hiệp Hội quảng cáo Hà Nội: "Nhiều thương hiệu cà phê khác của Việt Nam hiện nay đang đi sai hướng khi biến quảng cáo thành những thứ hào nhoáng, khó hiểu đối với công chúng". |
- PV: Theo ông, làm cách nào để các thương hiệu cà phê của Việt Nam có thể xác định đúng lại mục tiêu và lấy lại vị thế của mình trong thời điểm hiện nay?
- Ông Phạm Thành Minh: Để làm được việc này, trước tiên cần phải có sự quan tâm đúng đắn của người đứng đầu các thương hiệu lớn. Nếu họ thực sự quyết tâm muốn xây dựng lại (tái cấu trúc) thương hiệu của mình thì phải đánh giá lại sức khỏe của thương hiệu xem đang ở mức độ nào trên thị trường, đang nằm ở chỗ nào trong tâm trí người tiêu dùng? Sau khi nghiên cứu, đánh giá sức khỏe của thương hiệu một cách toàn diện và đầy đủ rồi thì mới sẽ có được một cái nhìn tổng thể để có thể thiết lập những chiến lược truyền thông phù hợp.
Về cụ thể, nên có những chuỗi bài viết thông qua báo chí, truyền thông để cải thiện niềm tin cho công chúng và khách hàng,… Và đặc biệt nhất là phải nghiên cứu kỹ về truyền thống văn hóa nơi mình sẽ quảng bá thương hiệu, sản phẩm của mình vì đây chính là bước đi quan trọng để đánh giá xem anh có thực sự hiểu và họ có chấp nhận anh hay không.
Có thể lấy một ví dụ là rất nhiều người Việt Nam thích uống trà, và cây chè cũng là cây trồng truyền thống nên từ cách thưởng thức cho đến cảm nhận đều mang phong cách truyền thống, trong khi đó cà phê là cây ngoại nhập, mang phong cách hiện đại và đa phần những người uống cà phê đều có sự hiểu biết nhất định mà anh lại quảng cáo là uống cà phê là để xây dựng nòi giống Tiên – Rồng thì thực sự nó chả ăn nhập gì với nhau cả và như vậy công chúng họ sẽ đánh giá là anh coi thường họ, cho họ là những người không biết gì.
Theo tôi, điều quan trọng nhất là lãnh đạo của các hãng cà phê có quan tâm đúng mức tới việc khuếch trương, quảng bá, phát triển tiếp thương hiệu hay không vì đây chính là yếu tố chính trong việc giữ vững vị thế của mình. Nhiều hãng cà phê đang tự đánh mất đi vị thế và thương hiệu của mình do không có sự đầu tư đúng mức. Nếu quan tâm thực sự thì phải có sự đầu tư về tài chính và nhân lực thì mới có thể tính đến chuyện gìn giữ và phát triển thương hiệu.
Nhiều thương hiệu cà phê nếu biết quan tâm đúng mức tới thị hiếu của công chúng, phong cách riêng, không gian độc đáo sẽ phát triển và thành công. |
- PV: Hiện nay tại một số thành phố lớn, quán cà phê mang tên của những thương hiệu lớn gần như là vắng bóng mà thay vào đó là sự “trỗi dậy” của các thương hiệu cà phê nhỏ, ông đánh giá sao về việc này?
- Ông Phạm Thành Minh: Tôi cho rằng khi đã đi sai đường thì việc đánh mất thương hiệu của mình là điều tất yếu. Những người đã làm kinh doanh phải hiểu một điều là thương hiệu không phải nằm trong công ty mà là nằm trong tâm trí của khách hàng, khi anh truyền tải thông điệp không hiệu quả thì chắc chắn thương hiệu và sản phẩm của anh sẽ bị lãng quên và không để lại một chút ấn tượng nào đối với công chúng cả. Trong khi đó, có rất nhiều quán hoặc thương hiệu cà phê trước đây có thể rất nhỏ thôi nhưng họ biết cách quan tâm đúng mức tới thị hiếu của công chúng, phong cách riêng, không gian độc đáo,… và tạo nên sự khác biệt thì họ sẽ có được một lượng khách hàng nhất định, từ đó gây dựng được tên tuổi và phát triển mạnh hơn.
- PV: Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!