Nguồn nước bị đầu độc vì bãi rác
“Kể từ khi bãi rác Phượng Thành hình thành được 10 năm và do huyện quản lý thì nó đã trở thành nỗi ám ảnh lớn nhất trong cuộc sống của nhân dân địa phương ở các làng, xã sinh sống gần bãi rác này ” – Tình cờ nghe được những phản ánh buốt ruột này, người viết quyết định đi tìm hiểu thực hư bãi rác Phượng Thành đang ngày đêm “đầu độc” những người dân sống trên địa bàn này ra sao.
Trong quá trình tìm hiểu, tôi gặp ông Lê Thanh Ngụ, cư trú tại xóm 1 Phượng Thành. Ông Ngụ là dân bản địa, chứng kiến khu tập kết rác thải này từ khi còn trong quy hoạch. Theo lời kể, điểm tập kết rác này có diện tích trên 3 hécta, nằm trong phạm vi ba xã: Đức Hòa, Đức Sơn, Đức Long thuộc huyện Đức Thọ. Rác thải đổ về đây chủ yếu được gom từ các vùng Đức Đồng, Đức Lạc, Đức Hòa, Đức Phong, Tùng Ảnh... Sẽ chẳng có gì đáng nói nếu như bãi rác không quy hoạch “nhầm”. Nghĩa là, thay vì nằm xa khu vực dân cư, nó lại được chính quyền sở tại bố trí ở ngay sát một trục đường giao thông đông đúc.
Để cảm nhận nỗi khổ của người dân, tôi đã trực tiếp đi vào sâu bên trong bãi rác Phượng Thành. Rác thải nơi đây phần lớn đổ không đúng nơi quy định, chúng nằm ngổn ngang khắp tuyến đường dù đã có treo bảng “cấm đổ rác”. Ngoài ra, bên trong khu tập kết hiện đang tồn đọng tới hàng chục tấn rác thải. Chúng chất thành những đống lớn, từ túi nilon, chai nhựa, chai thủy tinh đến rác thải y tế, xác súc vật chưa qua xử lý…
Bữa cơm bu đầy ruồi nhặng. |
Chị Dương Thị Nhỏ (SN 1951) bức xúc: “Mỗi lần người ta đốt rác là khói đen bay lên bao trùm cả thôn xóm, mùi hôi thối bốc lên nồng nặc. Ngoài ra, để xử lý rác người ta đưa máy ủi, máy múc vào bãi rác cào bằng và lấp đi nhằm che mắt mọi người chứ không có biện pháp nào cải thiện hơn, vệ sinh hơn để người dân an tâm cả”.
Cũng theo chị Nhỏ và những người dân sống trong khu vực trên phản ánh, hiện nguồn nước tưới tiêu trên toàn địa bàn đã bị ô nhiễm nặng. Nước ô nhiễm đến mức trâu bò ăn cỏ chỉ cần uống nước gần đó thì 100% sẽ bị tiêu chảy. Các hồ cá kế bên bãi rác cá chết nổi trắng mặt nước. Như để minh chứng điều vừa nói, một người dân đã đi lấy một “mẫu nước” cách xa bãi rác chừng 100m cho chúng tôi xem. Theo quan sát, “mẫu nước” này có màu vàng đen.
Một người dân lý giải: “Nước ở đây như thế đó chú ạ, rất tanh và khó uống lắm. Do bãi rác nằm ở trên cao còn mấy thôn này nằm ở dưới thấp nên mỗi khi mưa xuống hoặc lũ về là nước ở trên bãi rác cùng rác thải theo dòng chảy đổ về đây. Cứ thế nước thải ngấm vào lòng đất khiến cho nguồn nước sinh hoạt và tưới tiêu cho các cánh đồng trong thôn cũng bị ô nhiễm nặng nề”.
Suốt nhiều năm, người dân thôn Đông Xá phải học cách “sống chung” với ruồi.
|
Ô nhiễm như “xóm ruồi”
Người viết tìm đến thôn Đông Xá hay còn được gọi với cái tên khác là “xóm ruồi” thuộc Xã Đức Hòa - nơi mà cả vùng cho rằng chịu nhiều ảnh hưởng nhất từ bãi rác. Ban đầu, phần lớn người dân trong xóm tỏ ra bức xúc bởi họ đã “kêu” rất nhiều nhưng kết quả chỉ thấy “im hơi lặng tiếng”. Anh Nguyễn Văn Thảo kể: “Do ảnh hưởng từ bãi rác, không chỉ mùa mưa lũ mà ngay cả những ngày tiết trời bình thường nơi đây có rất nhiều ruồi bay đến. Ruồi nhiều đến mức mà tới bữa cơm nhiều nhà phải ngồi trên giường rồi bỏ màn xuống mới ăn được. Nếu không làm như vậy, ruồi sẽ đậu kín hết cả thức ăn. Để hạn chế “giặc ruồi”, hàng ngày mỗi gia đình trong xóm đều đặt giấy dính ruồi. Mỗi một “mẻ”, họ thu không dưới 5 cái dính đều ken đặc ruồi.
Thật đáng lo cho sức khỏe người dân nơi đây vì ruồi không chỉ gây bao nỗi phiền phức mà nó còn mang theo vô số vi trùng, vi khuẩn từ những nơi kém vệ sinh tới nguồn thức ăn. Những bệnh do ruồi gây ra thường là các bệnh truyền nhiễm qua đường tiêu hóa như ngộ độc thức ăn, kiết lỵ, tiêu chảy, tả, thương hàn...
Rác thải y tế chưa qua xử lý vẫn được xả trực tiếp ra môi trường |
Trở lại với câu chuyện ô nhiễm ở bãi rác Phượng Thành, theo tìm hiểu, mỗi tháng các hộ dân trên địa bàn phải nộp trực tiếp cho Ban quản lý 10.000 đồng. Nghịch lý ở chỗ, họ nộp phí vệ sinh môi trường nhưng chính họ lại là những người gánh chịu sự ô nhiễm kéo dài suốt nhiều năm đằng đẵng.
Bãi rác gây ô nhiễm, ảnh hưởng đến hàng trăm con người sống kề cận nó nên đã có không ít ý kiến đề nghị trong các cuộc họp xã, HĐND là di dời bãi rác đến nơi khác. Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Xuân Thành - Trưởng thôn Đông Xá bức xúc: “Tại các cuộc họp tiếp xúc cử tri, bà con nhân dân trong thôn đều đề xuất ý kiến lên cấp trên yêu cầu phải cấp bách di chuyển bãi rác tới nơi khác để trả lại cuộc sống trong sạch cho chúng tôi. Thế nhưng, HĐND huyện lại trả lời là “chúng tôi xin ghi nhận ý kiến của bà con nhân dân và sẽ sớm có biện pháp cho bà con nhưng hiện tại là bãi rác không thể di dời được...”.
Rời “xóm ruồi”, nhiều người dân nơi đây đã cố níu chúng tôi lại như để giãi bày. Một cụ ông than thở: “Chúng tôi mong muốn di chuyển bãi rác Phượng Thành đến nơi khác để chúng tôi có một cuộc sống bình yên, môi trường xanh - sạch - đẹp thực sự. Chúng tôi muốn có một khu xử lý rác thải để đảm bảo sức khỏe cho người dân chứ không muốn mang trong mình những căn bệnh nguy hiểm do tình trạng ô nhiễm kéo dài như hiện nay. Hãy cứu giúp để chúng tôi có lại cuộc sống bình yên !!!”./.