Bộ Công Thương đã ban hành Thông tư số 32/2022/TT-BCT sửa đổi Thông tư số 05/2022/TT-BCT quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP).
Theo đó, Danh mục Quy tắc cụ thể mặt hàng (PSR) Phiên bản HS 2022 (thay cho Phiên bản HS 2012) và mặt sau sửa đổi giấy chứng nhận xuất xứ (C/O) mẫu RCEP được thực thi kể từ ngày 1/1/2023.
Hiệp định RCEP là Hiệp định thương mại tự do được 10 nước thành viên Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) và 5 nước đối tác của ASEAN là Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, Australia và New Zealand ký kết vào ngày 15/11/2020 và có hiệu lực chính thức kể từ đầu năm 2022.
Thực hiện cam kết quốc tế về Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP, ngày 18/2/2022, Bộ Công Thương ban hành Thông tư số 05/2022/TT-BCT của Bộ trưởng Bộ Công thương quy định Quy tắc xuất xứ hàng hóa trong Hiệp định RCEP.
RCEP là khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với quy mô 2,2 tỷ người, tương đương hơn 26.000 tỷ USD. RCEP tạo ra một khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới và được kỳ vọng xóa bỏ tới 90% thuế quan trong vòng 20 năm giữa các thành viên.
RCEP sẽ giúp Việt Nam tăng cường vị thế thương mại, đẩy mạnh xuất khẩu và tiếp cận tốt hơn với các thị trường tiêu dùng lớn như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc và Indonesia. Hiệp định này sẽ giúp các nhà sản xuất tại Việt Nam giảm thiểu chi phí và tiếp cận chuỗi cung ứng khắp khu vực châu Á - Thái Bình Dương.
Phần lớn nguyên liệu thô phục vụ cho xuất khẩu của Việt Nam được nhập từ các nước tham gia RCEP, đặc biệt là máy móc thiết bị phục vụ nhiều ngành sản xuất, xuất khẩu.
Năm 2021, Việt Nam xuất khẩu sang thị trường RCEP 132,32 tỷ USD hàng hóa, tăng khoảng 16% so với năm 2020 và nhập khẩu từ khối này 238,5 tỷ USD, nhập siêu hơn 106 tỷ USD.
Một điểm khác biệt của Hiệp định này là thay vì 5 hiệp định FTA giữa ASEAN với các đối tác trước đây ta phải áp dụng, tuân thủ 5 bộ quy tắc xuất xứ để hàng hóa khi xuất khẩu sang thị trường đó được hưởng ưu đãi thuế thì hiệp định này tạo nên một bộ quy tắc xuất xứ hài hòa.