Chắt chiu từng hạt cà phê ngon
Có mặt tại cà phê Thu Hà vào một buổi sáng khi Pleiku còn đang mờ sương, nhìn từng giọt cà phê rơi trong ly, cảm giác thời gian như đang lắng đọng tại nơi này.
Quán cà phê Thu Hà nằm khiêm nhường trong một con phố cũ của TP Pleiku. Hơn 60 năm trước, những ly cà phê đầu tiên của cà phê Thu Hà được bán cho khách. Bằng giọng nhỏ nhẹ, bà Nguyễn Thị Thu Hà (SN 1960), người đồng sở hữu thương hiệu cà phê Thu Hà đã hồi tưởng về những ngày đầu tiên xây dựng thương hiệu cà phê Thu Hà, mang tới cho du khách một thức uống đặc sản của núi rừng Tây Nguyên.
Doanh nhân Thu Hà là một trong những người đồng sở hữu thương hiệu cà phê Thu Hà. |
Theo lời của bà chủ quán, cái tên Thu Hà được ra đời vào năm 1960, đó cũng chính là năm bà ra đời. "Có lẽ, vì yêu quý cô con gái nên bố mẹ đã lấy tên của Thu Hà đặt cho quán. Hay vì yêu quán mà lấy tên quán đặt cho tên con gái chăng?" bà tâm sự về cái tên "Thu Hà" của mình và cũng là thương hiệu cà phê của gia đình.
Bất ngờ hơn, khi ban đầu, Thu Hà là một quán ăn và cà phê chỉ là món phụ bán kèm. Ngày ấy, cà phê chưa phải là thức uống phổ biến.
"Những năm tháng từ Hưng Yên vào đây lập nghiệp với bàn tay trắng và đàn con thơ đã khiến bố mẹ tôi phải bươn chải làm đủ nghề để nuôi nấng chị em tôi. Có thể ban đầu cũng vì nhu cầu của khách mà bố tôi pha cà phê phục vụ cho khách vì kế mưu sinh. Nhưng rồi, dần dần từ mưu sinh, cà phê đã ngấm vào máu, vào hơi thở của bố tôi. Đến năm 1969, thương hiệu cà phê Thu Hà mới chính thức ra đời”. - Bà chủ quán hồi tưởng.
Bức ảnh chụp hai người con gái của ông chủ cà phê Thu Hà năm 1969. |
Trong câu chuyện của mình, bà Hà không quên nhắc đến người anh rể, người đã cùng với bố vợ định hình thương hiệu cà phê Thu Hà của ngày hôm nay:
"Đó là, vào những năm đầu thập kỷ 70 của thế kỷ trước, khi anh Ngô Tấn Giác (đã mất) về làm rể nhà tôi. Ngoài công việc của bản thân, anh đã bắt tay cùng gia đình để phát triển mạnh thương hiệu cà phê gia đình."
Có một buổi chiều đã đi vào lịch sử, mà những người trong gia đình của bà không thể quên, khi khách đã hết, cả gia đình bà ngồi lại với nhau, ông Giác nói: "Cà phê của nhà mình khách đến ai uống cũng khen ngon mà chỉ bán trong quán của mình thì uổng quá. Thế nên, con muốn phát triển mạnh để cho nhiều người cùng uống."
Từ lời đề nghị của chàng rể, năm 1971, cà phê Thu Hà chính thức mở rộng ra thị trường với một tình yêu cháy bỏng và sự khao khát thành công.
Hơn 6 thập niên khẳng định thương hiệu
Thế nhưng, con đường mở rộng thương hiệu cà phê Thu Hà không đơn giản như suy nghĩ ban đầu của gia đình bà Hà. Ở mảnh đất Tây Nguyên, nơi cà phê bạt ngàn khắp nơi, ai cũng có thể trở thành thợ rang xay cà phê nghiệp dư thì việc lập ra thương hiệu cà phê riêng, tồn tại được không phải là chuyện dễ.
Cà phê Thu Hà đông khách mỗi ngày. |
Động lực cho cà phê Thu Hà là chủ quán có một tình yêu bất tận với loại thức uống này. Bà Hà cười nói vui, nhưng rất thực rằng: “Muốn bán được cà phê phải hiểu về đặc tính của cà phê, về sở thích các vùng miền như kiểu muốn tán gái đẹp phải hiểu sở thích của họ”.
Để chinh phục khẩu vị từng nhóm khách, phải có một sự hiểu biết nhất định. Chẳng hạn như người Việt Nam không thích dùng cà phê có vị chua nhưng lại thích vị đắng ngọt ngào. Còn người Tây Phương thích dùng cà phê tinh khiết, thuần tuý, nhẹ nhàng, không đậm đặc.
Quảng bá thương hiệu cà phê Gia Lai tại TP.HCM. |
Rồi mỗi vùng miền trong nước cũng có “gu” cà phê khác nhau. Người dân Tây Nguyên thích uống cà phê đậm đặc, còn nguyên vị. Nhưng người vùng biển lại thích cà phê nhẹ hơn một chút, ngọt một chút, mang hương vị của cà phê giải khát…
Với phương châm sạch từ trang trại đến ly cà phê, nên cà phê Thu Hà được sử dụng hoàn toàn nguyên liệu từ trang trại 15 ha cà phê của gia đình. Trang trại được canh tác hữu cơ. Toàn bộ những hạt cà phê được thu hái chín 100%.
Cà phê Thu Hà cũng hợp tác, kết nối với những nông trường cà phê, những vườn cà phê của người dân ở những vùng có chất lượng hạt tốt rồi hướng dẫn người dân canh tác theo hướng nông nghiệp sạch, bền vững.
Nhờ hướng làm đúng đắn này, thương hiệu cà phê Thu Hà đã có một chỗ đứng vững chắc trên thị trường cà phê Tây Nguyên.
Nhà máy chế biến cà phê Thu Hà. |
Du khách đến Pleiku khi trở về trong túi xách của không ít người đều có một vài gói cà phê Thu Hà như là một phần không thể thiếu của phố núi.
Theo bà chủ của thương hiệu cà phê Thu Hà, để có sự phát triển của thương hiệu cà phê Thu Hà hôm nay là nhờ tính trung thực, uy tín, chất lượng và giá cả hợp lý của sản phẩm, không vì lợi nhuận quên đi cái tâm của người sản xuất. Từ quan niệm đó, dù bất cứ hoàn cảnh nào, cà phê Thu Hà cũng đảm bảo nguyên chất 100%, không dùng các chất phụ gia gây tác hại đến sức khoẻ của người tiêu dùng.
Để chứng minh cho những sự nỗ lực vì sự phát triển của cà phê Thu Hà, bà chủ tự hào chia sẻ: “Bây giờ bất cứ ai cũng có thể sản xuất được cà phê hoà tan, chỉ cần đầu tư dây chuyền sản xuất. Thế nhưng, từ những năm 80 sản xuất cà phê hoà tan là việc làm mạo hiểm, máy móc phải nhập từ nước ngoài và những thông tin tìm kiếm sản phẩm cũng không dễ dàng. Gia đình tôi đã lặn lội mày mò để đưa sản phẩm cà phê hoà tan đến với người tiêu dùng từ những năm đó.”
Doanh nhân Nguyễn Thị Thu Hà (đứng giữa) được Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Gia Lai tặng bằng khen nhân dịp ngày Doanh nhân Việt Nam năm 2024. |
Chút đắng đặc trưng đánh thức cảm giác, dư âm ngọt sâu hậu vị, mùi hương mộc mạc nhẹ nhàng len trong khứu giác, quyện thêm hơi lạnh se sắt của núi rừng... sản phẩm cà phê Thu Hà đã trở thành một phần của đô thị phố núi, trở thành một nỗi nhớ của du khách khi trở về từ Pleiku.
“Hãy cứ để cà phê là cà phê theo đúng vị của nó.”- đó là châm ngôn những người làm cà phê Thu Hà vẫn giữ vững bao năm.
Hiện tại Cà phê Thu Hà đã có 42 loại sản phẩm tiêu thụ trong nước với nhiều loại giá khác nhau để phù hợp với khẩu vị cũng như kinh tế của mọi người.
Cà phê Thu Hà tại Hội chợ giới thiệu sản phẩm nông nghiệp đặc trưng tỉnh Gia Lai năm 2023. |