Cũng bởi vậy, “Hỗ trợ các nhóm dân số dễ bị tổn thương trong thiên tai” được lựa chọn là chủ đề của Ngày Dân số thế giới 11/7/2015. Chúng ta sẽ làm gì để cải thiện tình trạng này?
Phụ nữ, trẻ em gái và nỗi đau đè nặng sau thiên tai
“Trận động đất kinh hoàng tại Nepal ngày 25/4 vừa qua đã cướp đi sinh mạng của hơn 8.000 người và hàng ngàn người bị thương. Trong số những người bị ảnh hưởng, ước tính có 2 triệu phụ nữ và trẻ em gái trong độ tuổi sinh sản cần sự hỗ trợ ngay lập tức; có tới 126.000 phụ nữ mang thai có nhu cầu cấp thiết trong việc tiếp cận các dịch vụ y tế” là ám ảnh khôn nguôi đối với bà Ritsu Nacken - Quyền Trưởng đại diện Quỹ Dân số Liên Hợp quốc (UNFPA) tại Việt Nam.
Mang theo tâm trạng này, trong bài phát biểu tại Lễ mít tinh hưởng ứng Ngày Dân số thế giới (11/7) vừa được Bộ Y tế tổ chức hôm qua (10/7) tại Hà Nội, Quyền Trưởng đại diện UNFPA cho biết, ngay trong điều kiện bình thường, các biến chứng về sức khỏe sinh sản (SKSS) đã được coi là nguyên nhân hàng đầu gây ra tử vong và thương tật cho phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ.
Khi xảy ra xung đột và thiên tai, phụ nữ và trẻ em gái cũng phải đối mặt với nhiều nguy cơ khác như bị lạm dụng, bóc lột tình dục, bạo lực và cưỡng hôn. Không chỉ có vậy, nhiều phụ nữ sống sót sau các tình huống khủng hoảng sẽ buộc phải trở thành trụ cột trong gia đình, đồng thời gánh một trách nhiệm đặc biệt là chăm sóc con cái. “Đây là lý do tại sao chủ đề của Ngày Dân số thế giới năm nay nêu bật những nhu cầu đặc biệt của phụ nữ và trẻ em gái chưa thành niên trong thảm họa và thiên tai” - bà Ritsu Nacken cho hay.
Việt Nam cần phải nỗ lực nhiều hơn
Phát biểu tại cuộc họp báo sau Lễ mít tinh Ngày Dân số thế giới, PGS. TS. Nguyễn Viết Tiến - Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, Việt Nam là một trong 5 quốc gia trên thế giới chịu ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, thiên tai. Hiện, nước ta có trên 50% là nữ giới, vì thế các tác động của thiên tai, bão lũ sẽ ảnh hưởng rất lớn đối với chị em trong độ tuổi sinh sản, lao động.
Bộ Y tế đã có nhiều chính sách hỗ trợ nhóm đối tượng này, nhất là ở vùng sâu, vùng xa, miền núi (như: đào tạo cô đỡ thôn bản, cung cấp các phương tiện tránh thai, dụng cụ vệ sinh cho phụ nữ và trẻ em gái; đối với phụ nữ sinh con thuộc gia đình khó khăn được hỗ trợ tiền sinh đẻ…). Trong thời gian tới, Bộ Y tế cũng sẽ có những chương trình đưa dịch vụ chăm sóc sức khỏe đến vùng sâu, vùng xa nhằm kéo gần khoảng cách tiếp cận dịch vụ y tế giữa các khu vực với nhau.
Liên quan đến vấn đề này, ông Lê Cảnh Nhạc - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình (DS-KHHGĐ) cũng cho hay, chính vì quy mô phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ hiện rất cao và sẽ tăng lên rất cao trong thời gian tới, bởi vậy nhu cầu cung ứng các dịch vụ chăm sóc SKSS và KHHGĐ đối với phụ nữ nói chung và phụ nữ trong vùng thiên tai rất lớn. Vì thế, chúng ta không những cảnh báo về nguy cơ này mà nhu cầu thực tế cần đáp ứng của nhóm đối tượng này cũng phải được đặt ra.
Theo đại diện UNFPA tại Việt Nam, Việt Nam đang trong thời kỳ “dân số vàng”, bởi vậy Chính phủ Việt Nam cần phát huy lợi thế này, đồng thời chú trọng và quan tâm hơn nữa đến việc chăm sóc SKSS cho đối tượng nữ thanh niên trong độ tuổi sinh sản.
Với chức năng của mình, để hỗ trợ Việt Nam trong lĩnh vực này, bà Ritsu Nacken cho hay, UNFPA đang tiếp tục nỗ lực và phấn đấu cùng các cấp chính quyền Việt Nam tăng cường cung cấp, đáp ứng các nhu cầu về dịch vụ cho phụ nữ và trẻ em gái trong thời gian tới.
Theo nhận xét của bà Ritsu Nacken, Việt Nam là một mô hình tốt trong lĩnh vực chăm sóc SKSS. Tuy nhiên, việc cung ứng các điều kiện cho đối tượng bị tổn thương do thiên tai, trong đó có đối tượng phụ nữ và trẻ em gái chưa nhiều và Việt Nam phải cố gắng hơn nữa trong lĩnh vực này.
“Trong thời gian tới, để đảm bảo cung ứng dịch vụ SKSS - KHHGĐ cho người dân nói riêng và người dân ở khu vực thường xuyên bị ảnh hưởng bởi thiên tai nói riêng, Bộ Y tế cần tiến hành rà soát các chính sách liên quan tới việc chăm sóc SKSS – KHHGĐ để kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền, tạo hành lang pháp lý và môi trường xã hội thuận lợi thực hiện tốt công tác SKSS – KHHGĐ; tổ chức tốt công tác truyền thông cho các nhóm đối tượng, đặc biệt là phụ nữ, trẻ em và thanh thiếu niên về những hiểm họa và cách thức tự bảo vệ trước, trong và sau thiên tai; phối hợp với các Bộ, ban, ngành, đoàn thể, chính quyền địa phương triển khai có hiệu quả công tác chăm sóc SKSS – KHHGĐ cho người dân, nhất là người dân dễ bị tổn thương trong thiên tai” - ông Uông Chu Lưu, Phó Chủ tịch Quốc hội.