Vì sao người dân thờ ơ với công tác chữa cháy?

Vì sao người dân thờ ơ với công tác chữa cháy?
(PLO) - Hậu những vụ cháy lớn xảy ra, PV nhận thấy người dân nơi đây vẫn sống trong cảnh nguy cơ cháy có thể bùng phát bất cứ lúc nào. Trong khi đó, kiến thức về PCCC của người dẫn cũng là con số không tròn chĩnh.
Biết rồi, nhưng vẫn thế
Riêng về cháy nổ quy mô lớn, điển hình có thể kể đến vụ cháy chiều 13/5 tại “khu ổ chuột” nằm khuất nẻo sau ngõ Văn Chương, quận Đống Đa. Vụ cháy này đã thiêu rụi hàng chục căn nhà trọ những lao động nghèo ngoại tỉnh đang trú ngụ. Hay mới đây nhất, ngày 18/6 tại khu lán tạm công nhân Công trường HH4 thuộc dự án CC6 Linh Đàm (Hoàng Mai) đã xảy ra cháy nổ dữ dội. Cảnh sát Phòng cháy chữa cháy (PCCC) Hà Nội đã phải gấp rút điều động 7 xe triển khai công tác chữa cháy cứu nạn, cứu hộ. Vụ cháy tuy không có thiệt hại về người nhưng toàn bộ nhà tạm trong khu lán đã bị biến dạng. 
Ở hai vụ cháy trên, có thể dễ dàng thấy được điểm chung đó là cơ sở hạ tầng được thiết kế hết sức tạm bợ, kiến thức PCCC của người trong cuộc gần như không có. Thậm chí, khi người viết trở lại khu nhà tạm ven hồ Linh Quang ngày 23/6, nơi mà cháy lớn mới xảy ra cách đây ít ngày, từ trong nếp sinh hoạt đến quan niệm, ý thức PCCC của người dân vẫn không mấy được cải thiện. 
Nhớ lại ký ức hãi hùng sau vụ cháy, chị Tạ Thị Ban, 54 tuổi, quê Hà Nam kể: “Cả một dãy nhà bị cháy rụi, bao nhiêu tài sản tích cóp đều đã tan thành tro sau vụ cháy mất rồi. Lúc ấy cháy to quá, bén vào nhà nên tôi chẳng kịp làm gì nữa. Sau vụ cháy, người thì chuyển đi, những ai ở lại đều cố gắng cẩn thận hơn trong việc đun nấu, củi lửa”.
Nói là vậy nhưng theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn người dân vẫn sử dụng bếp củi và chất các vật dễ cháy, dễ bắt lửa quanh khu bếp. Đáng ngại nhất, việc đun nấu lại do chính các em nhỏ chỉ khoảng từ 6 – 12 tuổi đảm nhiệm, không có sự giám sát của phụ huynh. Chưa hết, cạnh những căn lều tạm lụp xụp là vô vàn rác thải, phế liệu dễ cháy như túi nylon, tấm gỗ, bàn ghế hỏng... chúng được quẳng ngổn ngang, vây kín các lối đi. 
Hệ thống đường điện dẫn đến các xóm trọ này cũng hết sức tạm bợ. Trong căn phòng trọ diện tích chưa đầy 15m2 trên phố Định Công Hạ, sách vở và bếp nấu ăn quẳng ngổn ngang một góc nhà, Hoàng Văn Nam, sinh viên Trường ĐH Mở hồn nhiên cho biết: “Ở đây ai cũng nấu ăn như thế này cả, chỉ cần cẩn thận là không sao đâu. Việc trang bị các thiết bị PCCC là của chủ nhà, nếu họ không quan tâm thì mình để ý làm gì”. 
Người viết đã khảo sát nhiều dãy trọ, nơi tập trung đông sinh viên trên địa bàn Hà Nội như: Cầu Giấy, Thanh Xuân, Định Công, Gia Lâm... không ít người đã ví von phòng trọ của họ như một điểm sinh hoạt đa năng. Hay nói cách khác, với diện tích nhỏ, hẹp, người ở trọ phải sử dụng cho mọi sinh hoạt như: nấu ăn, nghỉ ngơi, vệ sinh... Để tiết kiệm chi phí, hầu hết sau giờ học, giờ lao động, sinh viên, công nhân về tự nấu ăn tại nhà trọ bằng bếp gas mini với các bình gas được tái sử dụng nhiều lần. Cùng với đó, hệ thống điện  phần lớn được đấu nối rất tạm bợ, các dây dẫn, bảng điện, thiết bị bảo vệ lắp đặt không đúng tiêu chuẩn, dễ xảy ra cháy, chập.
“Chúng tôi chưa bao giờ biết cái bình cứu hỏa như thế nào cả”
Trên thực tế, trong các khó khăn liên quan đến công tác PCCC đặc biệt nổi lên là vấn đề bất cập trong công tác quy hoạch đô thị. Hay nói cách khác, việc quy hoạch cơ sở hạ tầng hiện tại không đáp ứng được yêu cầu về PCCC. Minh chứng rõ nhất điều này, không ít khu dân cư hiện nay nằm trong các ngõ, hẻm sâu khiến xe chữa cháy không tiếp cận được. Nhiều khu điều kiện an toàn PCCC không đảm bảo, xập xệ, các cơ sở sản xuất, kinh doanh hàng hoá, nguyên vật liệu là chất dễ cháy như gas, xăng dầu nằm xen kẽ trong các khu dân cư, khi xảy ra cháy rất dễ cháy lan, cháy lớn gây thiệt hại nặng về người và tài sản. 
Thẳng thắn nhìn nhận vấn đề này, trả lời báo chí cách đây không lâu, Đại tá Nguyễn Đăng Sơn - Phó Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết: “Giao thông thường xuyên ùn tắc, đường nhỏ hẹp, nhiều ngõ ngách, hệ thống mặt đường, cầu cống, hè phố yếu, dây điện nhằng nhịt ảnh hưởng đến việc triển khai các phương tiện chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ. Nguồn nước chữa cháy thiếu, nếu theo quy chuẩn cứ 150m đường phải có 1 trụ nước chữa cháy thì Hà Nội còn thiếu khoảng 8.000 trụ. Để giảm thiểu cháy nổ, lực lượng PCCC đã kiểm tra gần 15.000 lượt đơn vị, cơ sở về công tác PCCC; phát hiện và yêu cầu các đơn vị khắc phục hơn 50.000 tồn tại, thiếu sót về PCCC”.
Trở lại với câu chuyện hỏa hoạn rình rập quanh các “khu ổ chuột”, những khu nhà tập thể, nhà tạm này luôn tiềm ẩn nguy cơ, là “miếng mồi ngon” cho thần lửa. Đáng nói hơn, tại đây công tác phòng chống cháy nổ tại chỗ dường như chưa được quan tâm đúng mức. Gần như không hộ gia đình nào chuẩn bị bình cứu hỏa cá nhân. Ở hành lang khu tập thể, xóm trọ sinh viên, các phương tiện PCCC cũng hoàn toàn vắng bóng.  Kỹ năng PCCC của người dân hoàn toàn không có. Một người dân trong “khu ổ chuột” gần cầu Long Biên hồn nhiên: “Chúng tôi chưa bao giờ biết cái bình cứu hỏa như thế nào cả, cũng không biết cách sử dụng vì chẳng có ai tập huấn, hướng dẫn. Nếu chẳng may có cháy thì chỉ biết dùng nước dập lửa thôi”./.

Đọc thêm

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện

'Hình hài' siêu dự án Sân bay Long Thành dần lộ diện
(PLVN) - Trên công trình xây dựng sân bay Long Thành (huyện Long Thành, Đồng Nai) hiện có gần 4.000 kỹ sư, công nhân trong nước và quốc tế, gần 2.000 máy móc, phương tiện, trang thiết bị thi công đang ngày đêm làm việc với mục tiêu cao nhất là đẩy nhanh tiến độ để hoàn hoàn thành trong năm 2025 theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính tại buổi làm việc mới đây.

Đề xuất hợp lý của Cục Cảnh sát giao thông

Ảnh minh họa
(PLVN) - Chạy xe trên đường, nếu xao nhãng chỉ 1 giây, là có thể tàn cả 1 đời. Nếu vượt đèn đỏ, hậu quả còn có thể nguy hại hơn, thảm khốc hơn. Thế nhưng mới đây, một camera giao thông tại Hà Nội ghi lại được cảnh 164 lượt phương tiện vượt đèn đỏ ở một ngã tư chỉ trong 2 phút. Đó là một thực tế vô cùng đáng báo động, không chỉ xảy ra ở Hà Nội, mà còn ở một số địa phương khác.