Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình đã ký với ông Axel Van Trotsenburg, Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới các Hiệp định về 4 dự án vay vốn ưu đãi (IDA) của WB.
Sự kiện diễn ra nhân chuyến thăm lịch sử của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tới Hoa Kỳ thể hiện cam kết của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước đối với việc thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, xóa đói giảm nghèo, hợp tác và hội nhập quốc tế; đồng thời thể hiện sự ủng hộ của Ngân hàng Thế giới đối với công cuộc phát triển kinh tế và xóa đói giảm nghèo của Việt Nam.
Bốn dự án được ký kết gồm: Dự án Chuyển đổi Nông nghiệp bền vững tại Việt Nam trị giá 238 triệu USD nhằm góp phần triển khai thực hiện Đề án tái cơ cấu ngành nông nghiệp thông qua tăng cường năng lực thể chế ngành nông nghiệp, đổi mới phương thức canh tác bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho hai ngành sản xuất hàng hóa chủ lực là lúa gạo ở Đồng bằng sông Cửu Long và cà phê ở Tây Nguyên. Dự kiến sẽ có 140.000 hộ dân trồng lúa gạo và 63.000 hộ dân trồng cà phê được hỗ trợ trực tiếp từ dự án.
Khoản tài trợ bổ sung Dự án Cạnh tranh Chăn nuôi và an toàn thực phẩm trị giá 45 triệu USD sẽ tiếp nối thành quả của Dự án Cạnh tranh Chăn nuôi và an toàn thực phẩm đã thực hiện, nhằm tiếp tục nâng cao khả năng cạnh tranh của các hộ chăn nuôi thông qua nâng cao năng suất, chất lượng an toàn thực phẩm và giảm thiểu ô nhiễm môi trường trong chuỗi sản phẩm chăn nuôi theo hướng chăn nuôi sạch từ trang trại đến bàn ăn.
Dự án sẽ được thực hiện tại: Hà Nội, Thái Bình, Hưng Yên, Hải Dương, Hải Phòng, Cao Bằng, Thanh Hóa, Nghệ An, Thành phố Hồ Chí Minh, Long An, Đồng Nai và Lâm Đồng. Dự kiến khoảng 24.000 hộ chăn nuôi sẽ hưởng lợi trực tiếp từ dự án, đồng thời người tiêu dùng sẽ được sử dụng sản phẩm chăn nuôi sạch từ các hộ chăn nuôi nêu trên.
Khoản tài trợ bổ sung dự án Giảm nghèo miền núi phía Bắc giai đoạn II tiếp tục phát huy kết quả về giảm nghèo tại 6 tỉnh miền núi phía Bắc (gồm Hòa Bình, Lào Cai, Sơn La, Yên Bái, Lai Châu, Điện Biên) đã đạt được qua các giai đoạn 1 và 2 của Dự án trước đây thông qua việc cải thiện việc tiếp cận cơ sở hạ tầng phục vụ sản xuất; tăng cường năng lực thể chế của chính quyền cơ sở và năng lực sản xuất của cộng đồng địa phương; hỗ trợ công tác lập kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội cấp xã; tăng cường liên kết thị trường và sáng kiến kinh doanh. Theo dự kiến, khoảng 259 xã nghèo thuộc 6 tỉnh này sẽ được hưởng lợi trong giai đoạn tài trợ bổ sung.
Dự án Phát triển Giao thông xanh Thành phố Hồ Chí Minh trị giá 124 triệu USD sẽ góp phần nâng cao hiệu quả và phát triển hệ thống vận tải hành khách công cộng; đóng góp vào phát triển, chỉnh trang đô thị, bảo vệ môi trường và nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân Thành phố Hồ Chí Minh. Dự án sẽ đầu tư xây dựng tuyến xẽ buýt nhanh dài 23 km và các hạ tầng kỹ thuật đi kèm dọc tuyến đường được xây dựng trong thành phố.
Phó Chủ tịch Ngân hàng Thế giới Axel Van Trotsenburg nêu bật ý nghĩa các dự án vừa được ký kết; nhấn mạnh Ngân hàng Thế giới luôn tích cực hỗ trợ Việt Nam trong quá trình phát triển. Trong những năm qua, quan hệ đối tác giữa Ngân hàng Thế giới và Việt Nam đã đạt được những kết quả tích cực, góp phần phát triển kinh tế-xã hội, xóa đói giảm nghèo, bảo vệ môi trường sinh thái... ở Việt Nam.
Ông Axel Van Trotsenburg cho biết, Việt Nam là một trong những nước nhận sự hỗ trợ nhiều nhất của IDA; Ngân hàng Thế giới mong muốn tiếp tục đóng góp vào công cuộc xóa đói giảm nghèo, phát triển bền vững của Việt Nam và sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm với Việt Nam trong quá trình phát triển.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam Nguyễn Văn Bình bày tỏ cảm ơn sự hỗ trợ quý báu và hiệu quả của Ngân hàng Thế giới dành cho Việt Nam; mong muốn Ngân hàng Thế giới tiếp tục đồng hành và hỗ trợ công cuộc phát triển bền vững của Việt Nam.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Đoàn đại biểu cấp cao Việt Nam rời Thủ đô Washington, tiếp tục đi thăm thành phố New York.