Pháp luật Việt Nam đã có cuộc trao đổi với ông Vũ Văn Vệ, Phó Chủ tịch xã Kim Lũ, cũng là người chỉ đạo quá trình DĐĐT tại địa phương.
Nông dân nhầm tưởng có chuyện “lợi ích nhóm”?
Vì sao có chuyện khiếu kiện kéo dài ở địa phương quanh chủ trương DĐĐT, thưa ông?
- Đó chỉ là một bộ phận người dân do bất lợi cá nhân, đang có đất ruộng đẹp, sau đó gắp thăm vào ruộng xấu nên không muốn chia lại. Từ đó, họ hô hào cán bộ thiếu minh bạch, khiến nhiều người dân hiểu sai.
Mọi việc ban đầu diễn ra thuận lợi, chỉ đến khi bắt tay vào thực hiện, bất đồng mới nảy sinh. Cuộc họp dân ngày 31/5/2013 đã thống nhất phương án chia ruộng theo nghị quyết dân bàn. Tiểu ban DĐĐT(Tiểu ban) “chiều” theo cách làm của nhân dân là chia thành sáu đội sản xuất (có từ hồi hợp tác xã) để gắp phiếu nhận ruộng. Sáu đội này hoàn toàn là do nhân dân tự đăng ký rồi cử đại diện gắp phiếu.
Vấn đề phát sinh đầu tiên ở khâu giải phóng mặt ruộng. Trên một số ruộng tồn tại những búi tre chưa được xử lí nên một số người dân không đồng thuận. Tôi nói với người dân rằng công tác DĐĐT và việc xử lí sai phạm là khác nhau, việc nào đi việc đó, không thể cùng một lúc làm hai việc. Nguyên tắc bất di bất dịch trong DĐĐT là dồn từ nhiều thửa nhỏ lẻ thành ít thửa, phiếu gắp được ruộng xấu thì nhận xấu, mà được ruộng đẹp thì nhận đẹp. Người dân cứ nhận ruộng rồi chúng tôi giải quyết dần.
Một trong những vấn đề nông dân bức xúc là nghi vấn có một đội toàn là người nhà cán bộ?
- Đó là cách hiểu sai. Đội mới này là đội tập hợp những người không đồng thuận. Khi gắp phiếu, chính đội thứ bảy này lại gắp được phiếu nhận dải ruộng đẹp nhất. Đây là việc ngẫu nhiên, nhưng người dân lại cho rằng đội toàn người nhà cán bộ xã nên được ruộng đẹp, rồi nghi ngờ có sự không minh bạch. Trên thực tế quá trình gắp phiếu hoàn toàn công khai, có cả Ban giám sát cộng đồng. Việc ngẫu nhiên nhưng lại hóa thành to chuyện. Người dân cho rằng cán bộ đã sắp đặt, làm việc theo “lợi ích nhóm”. Suy nghĩ này làm ảnh hưởng đến toàn bộ quá trình DĐĐT về sau.
“Không có chuyện ép buộc dân nhận ruộng”?
Theo người dân phản ánh, trong quá trình giao đất, chính quyền đã chỉ thị buộc những gia đình thuộc hộ nghèo, thành phần Đảng viên, con em công chức trong địa phương... vận động gia đình ra nhận ruộng, nếu không sẽ cắt hộ nghèo, khai trừ khỏi Đảng, cách chức?
- Lại là người dân hiểu sai. Trường hợp nào nằm trong các thành phần trên không nhận ruộng, chúng tôi sẽ hỏi rõ lí do. Thực tế những người ra gắp thăm đều là vì quyền lợi của mình. Họ có nhất trí thì mới nhận đất để sử dụng cày cấy. Không có chuyện ép buộc nếu như dân không thích. Có lẽ trong chuyện này bên bí thư chi bộ đã không làm hết trách nhiệm truyền đạt cho Đảng viên hiểu thông.
Còn phản ánh Tiểu ban không hoạt động công khai?
- Không có điều đó. Chúng tôi đã công khai đến 25 cuộc họp dân. Tuy nhiên, những thành phần không chịu nhận ruộng vì bất lợi cá nhân đã gây rối, chửi bới khiến nhiều người dân khác đã nhận ruộng, vì ngại va chạm mà không đến dự.
Sau nhiều vụ gây rối như thế, nhận thấy việc họp dân công khai không hiệu quả, Tiểu ban đã đề ra phương án xây dựng lộ trình 16 hạng mục những vấn đề cần xin ý kiến của dân, viết thành dạng phiếu, đưa đến từng hộ gia đình.
Kết quả ra sao?
- Toàn thôn có 335 hộ thì có hơn 200 phiếu đồng ý nhận ruộng. Đây là một hình thức hiệu quả thay cho tổ chức họp, chứ không phải chính quyền không muốn họp công khai. Nhờ hình thức này, vòng hai bàn giao ruộng diễn ra nhanh chóng và thành công. Vì thế, chúng tôi tiếp tục áp dụng trong vòng ba.
Người dân Kim Trung bức xúc vì cho rằng quá trình dồn điền đổi thửa không minh bạch, thiếu công bằng |
Vậy ông giải thích sao về phản ánh cán bộ đã giao thừa 2.500m2 cho các hộ là người nhà cán bộ, ngoài ra còn cắt 7 mẫu đất ra khỏi bản đồ quy hoạch; vòng hai, giao thiếu 8.000m2 cho dân; còn vòng ba, tự ý cắt 1 mẫu đất rau ra khỏi phần ruộng được chia?
- Vòng một, cắt 7 mẫu đất khỏi bản đồ là nguyên tắc quy hoạch, bởi bao giờ cũng phải có 5% quỹ đất công để dành phục vụ mục đích chung, ví như xây dựng giao thông chẳng hạn. Còn về 2.500m2 đất giao thừa, không có chuyện đó. Khi nghi ngờ cán bộ Tiểu ban nhập nhèm, người dân đã góp tiền thuê một công ty về đo đạc. Sau đó, công ty này đưa ra số liệu 2.500m2 kể trên. Chúng tôi đã làm việc với công ty đo đạc này bằng văn bản. Họ có thể làm đúng chuyên môn nhưng sai về quy trình. Khi đo đạc, lãnh đạo địa phương, cán bộ địa chính và đặc biệt chính hộ dân sở hữu phần đất đó không có mặt chứng kiến. Vậy họ đặt mốc giới ở vị trí nào, ai biết mà công nhận, chỉ cần đặt lệch đi một chút là đã cho số liệu sai.
Như vậy là các ông đã làm việc chính xác, không có chuyện thừa hay thiếu?
- Có giao thừa đất cho một số hộ, nhưng vẫn trong “sai số cho phép”. “Sai số cho phép” này đã được thông qua trong toàn thôn. Bởi các thửa ruộng manh mún, nhỏ lẻ nên khi đo đạc, sự sai biệt là không thể tránh khỏi. Trước khi DĐĐT, trong quá trình họp, Tiểu ban và người dân đã thống nhất “sai số” ở vòng một là 1%, đến vòng hai nâng lên là 2%. Khi người dân kiến nghị, chính quyền đã cho đo đạc lại, thấy rằng có việc giao thừa, giao thiếu, nhưng đều không quá 1% này. Ví dụ có nhóm được giao 13.000m2, đo lại phát hiện thừa 100m2, vẫn trong sai số cho phép. Để làm minh bạch sự việc trên, một tổ phúc tra được chính quyền thành lập, đo đạc lại để công khai số liệu. Quá trình đo có Ban giám sát cộng đồng đi cùng, nhưng họ không chịu ký công nhận mà vẫn khăng khăng theo số liệu cũ, sau đó viết đơn kiện gửi đi các nơi.
Ở vòng hai thì sao, thưa ông?
- Ở vòng hai, việc chia thiếu 8.000m2 ruộng là bởi tính toán sai. Dự kiến ban đầu sẽ chia bình quân 185m2/khẩu, nhưng là chưa tính hệ số đất. Khi bắt tay thực hiện, có vùng ruộng phải nhân hệ số 1,1; cá biệt vì ruộng xấu, còn phải nhân hệ số 1,2. Vì thế, con số sau tính toán chính xác là 181,2m2/khẩu, Tiểu ban quyết định làm tròn 180m2, phần thừa sẽ gom lại để chia sau. Chính vì chênh lệch 5m2 này, người dân nhân với 1.601 khẩu mới thành con số “khủng” kể trên.
Cuối cùng, ở vòng 3, ở thôn Kim Trung tồn tại hai loại đất là đất nông nghiệp và đất rau xanh. Đất rau xanh này lẫn trong khu dân cư, được giao cho người dân từ năm 1987 theo chủ trương chung để làm kinh tế phụ. Giờ thực hiện DĐĐT, để giải quyết vấn đề này, Tiểu ban chủ trương ngoài 50m2/khẩu đất đồng đã được cân đối, sẽ cộng thêm cả diện tích đất rau xanh quy đổi cùng thời điểm.
Chính đất rau xanh này đã khiến xảy ra vụ xô xát giữa cán bộ với người dân và giữa người dân với nhau. Tháng 3/2013, một số người trước kia sở hữu diện tích đất rau xanh quay lại đòi đất và cày cấy. Vòng một chia ruộng, chính những người dân này cũng đã đồng ý nhận ruộng mới. Do đó, việc tự ý quay lại cày cấy trên đất rau xanh lúc này đã thuộc sở hữu của người khác là vi phạm pháp luật, khác gì hành vi chiếm đoạt tài sản. Nếu họ tiếp tục vi phạm, chắc chắn sẽ bị xử lý nghiêm khắc.
Nếu mọi việc đã rõ ràng như ông nói, sao còn có chuyện dân phản ánh cán bộ mờ ám?
- Đúng là có một số diện tích đất phải bỏ ra ngoài quy hoạch để phục vụ cái chung. Vậy mà bị dân nghi kỵ là giấu đất. Đất chứ có phải miếng bánh đâu mà đút túi được. Nếu làm sai, vi phạm pháp luật, chúng tôi đã không hiên ngang ngồi đây. Quá trình đo đạc và gắp phiếu chia ruộng luôn có sự giám sát của nhân dân và các Tiểu ban.
Nhưng thực tế vẫn còn hàng trăm hộ dân không đồng ý, chưa nhận ruộng?
- Hiện vẫn còn 111 hộ dân của thôn Kim Trung chưa nhận ruộng. Họ yêu cầu cân đối toàn bộ đất nông nghiệp và chia lại từ đầu. Điều đó là không thể. Đại đa số người dân đã đồng thuận nhận ruộng và gieo cấy. Còn các hộ chưa nhận ruộng, chúng tôi sẽ có hình thức tuyên truyền vận động cho họ hiểu chủ trương. Tôi nghĩ dần dần rồi họ cũng sẽ ra nhận vì quyền lợi của chính mình. Kiện mãi rồi người dân cũng sẽ ra nhận ruộng thôi.
Xin cảm ơn ông!
(Còn tiếp)