- Theo ông, cổng làng có vai trò như thế nào trong đời sống làng xã xưa kia?
Ngoài chức năng cổng đóng then cài, mỗi cổng làng còn là một địa điểm, một vị trí để phô diễn bản sắc văn hóa từng nơi. Làng nào giàu có, làng nào có con em thi đỗ, làng nào có tục lệ tốt đẹp, sinh hoạt ra sao đều thể hiện rất rõ nét qua cổng làng và đôi câu đối ở cổng. Bởi đây chính là một cách tuyên ngôn về làng, một cách khoe với thiên hạ về cái bề chìm sâu sắc của văn hóa làng, để mỗi khi qua đó, con em trong làng nhìn thấy, phải đọc, phải thuộc mà giữ lấy nếp làng.
Mỗi một cổng làng là hồn làng vì cổng làng gắn bó mật thiết với mỗi con người, chứng kiến cả một đời người, là nơi mẹ đưa con đi lấy chồng, là nơi đón trẻ sơ sinh trở về nhà và là nơi tiễn đưa những người về với thiên cổ. Tôi đã từng nói chuyện với một cụ đại tá. Cụ bảo rằng, khi các cụ đi chiến đấu, lúc nằm trên võng ngả lưng hoặc lúc bị thương nằm trên chiếc cáng đều đau đáu nhớ về cái cổng làng mình. Nhìn thấy cổng làng là nhìn thấy quê hương, đi đến cổng làng là đi đến sự che chở ấm cúng bởi nơi đó là quê cha đất tổ, là nơi chôn nhau cắt rốn. Chính vì thế mà mỗi lần bị thương, cụ đều chỉ nhớ đến cổng làng, để nhỡ có về với tổ tiên cũng cảm giác mình được đi qua chiếc cổng ấy, được gặp lại những hình ảnh thân thương.
- Khoảng 10 năm nghiên cứu, tìm hiểu về cổng làng, ông thấy điều gì tạo nên sự đặc sắc, khác biệt giữa các cổng làng?
Kiến trúc cổng làng Hà Nội biến đổi theo thời gian. Trước thế kỷ XX, cổng làng làm theo kiến trúc “thượng gia, hạ môn”, trên là nhà, dưới là cổng. Nhà trên cổng có giá trị như cái vọng gác để canh giữ làng khỏi trộm cắp. Sau này, cổng làng đơn giản hơn, nhưng điểm chung là các cụ luôn đề những câu đối, đại tự để răn dạy con cháu. Cổng làng góp phần xây dựng giá trị đạo đức con người chính là ở đặc điểm này. Bởi có những cổng làng có câu đối thể hiện niềm tự hào, thể hiện nét văn hoá riêng biệt của làng. Đó chính là sự khác biệt lớn nhất giữa các cổng làng với nhau.
- Hẳn ông đã gặp nhiều câu chuyện đặc biệt, tạo nên sự khác biệt đặc thù ở các cổng làng Hà Nội?
Nhiều chứ, mỗi chiếc cổng làng là một câu chuyện mà nếu không ham mê, không yêu thích thì bạn không thể hiểu được vì sao trên cổng lại ghi những chữ ấy, sao cổng lại có cấu trúc như vậy. Ví như trên cổng làng khoa bảng Đông Ngạc, một làng có 25 người đỗ đại khoa, từ phó bảng trở lên, thì trên chiếc cổng làng, mỗi cổng vào ngõ ở làng đều có hai ngọn bút tháp vươn cao thể hiện tinh thần hiếu học.
Hoặc như câu đối cũ ở cổng làng An Thái: “Đống vũ phồn đa hứa đắc thiên khai thái vận/ Môn lư cao đại khả dung tứ mã an xa” (dịch nghĩa là Bậc lương đống nhiều giúp trời mở mang vận nước/ Cổng làng cao lớn để cho ân sủng đưa về).
NNC Vũ Kiêm Ninh |
Đặc biệt xúc động là điển tích dẫn đến những câu đối, những chữ được khắc trên chiếc cổng làng. Ví như cổng làng Đại Từ có 4 chữ Đại Từ Nghĩa Dân. Tôi tò mò, tìm hiểu thì được biết một câu chuyện thực sự cảm động. Chuyện kể rằng, xưa kia dân làng Đại Từ nhặt được vú Tiên. Kể từ thời điểm đó, phụ nữ Đại Từ luôn thừa sữa nuôi con. Không muốn bỏ phí nguồn sữa quý giá, họ quyết định cho những đứa trẻ ở làng khác và nhận con nuôi.
Điều đáng quý và đáng ngưỡng mộ là họ luôn nhắc nhở nhau con mình có thể đói chứ con người không thể đói, con mình có thể lạnh nhưng con người không thể lạnh được, họ ôm ấp và nuôi dưỡng con nhà người còn hơn con nhà mình… Nhà vua nghe được câu chuyện đó đã đến thăm làng và tặng cho làng 4 chữ Đại Từ Nghĩa Dân.
Hoặc câu đối trên cổng làng Tứ Kỳ ở quận Hoàng Mai cũng là một câu chuyện xúc động. Đôi câu đối tiếng Việt là Đông khách tham quan há phải tìm nơi phong cảnh đẹp/Cả làng hâm mộ chỉ vì chuộng cửa nghĩa nhân cao. Tích của nó kể về Đức Bảo Linh thượng đẳng thần, một người dòng giống thủy tộc, vì mến mộ tài đức của thầy Chu Văn An đã hiện thành chàng Hú theo học, gặp đúng năm làng hạn hán, cả làng sắp sửa chết đói, chết khát.
Thấy thầy lo lắng cho vận mệnh người làng, chàng Hú đã quyết định xin mực trong nghiên của thầy, niệm chú rồi vẩy mực lên trời. Phút chốc mưa đổ xuống. Đó cũng là lúc chàng đã phạm lệnh trời. Chàng Hú bị sét đánh chết, hóa thành thuồng luồng, trôi trên sông Tô Lịch. Thầy Chu Văn An gần như hóa đá đứng nhìn, thương cậu học trò có nghĩa của mình mà không làm được gì. Chính từ điển tích này mà các làng trong tổng Hoàng Liệt đều thờ Bảo Linh.
- Với riêng ông, những cổng làng Hà Nội có ý nghĩa như thế nào?
Tôi sinh ra ở Bưởi, lớn lên dưới những chiếc cổng làng nên cổng làng có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với tôi. Tôi vẫn còn nhớ như in cảm giác phát hiện ra một chiếc cổng làng gắn với tuổi thơ của mình bị mất, cảm giác như mất đi một thứ gì đó thân thiết, thiêng liêng. Đấy chính là lúc tôi thấy mỗi chiếc cổng làng quan trọng đối với mình như thế nào. Điều này thôi thúc tôi phải lưu giữ những hình ảnh cổng làng, để sau này nhỡ cổng làng có bị phá đi thì nhìn vào đấy, tôi vẫn còn nhìn thấy hồn cốt kinh kỳ xưa kia.
- Tôi đọc được một quan điểm rằng, ngoài răn dạy đạo đức làm người, cổng làng còn có một ý nghĩa khác nữa?
Người xưa xây cổng làng đều gửi gắm vào đó nhân sinh quan nhất định nên cổng làng còn mang ý nghĩa nhân sinh. Hiểu theo cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng, cổng làng đều là cái ngưỡng đầu tiên mà mỗi con người chúng ta từ đó mà bước ra đường cái quan, từ ao làng vươn ra biển lớn để thi thố với đời. Dù họ có là ai, thành danh đến mức nào thì cũng đều bước ra từ một cái cổng làng, và cổng làng cũng là nơi họ mong muốn trở về để tri ân nguồn cội. Do đó, đặt một chiếc cổng làng không đơn giản là thích đặt đâu thì đặt. Người xưa phải tìm xem hướng nào mang lại no ấm, thịnh vượng cho làng mới đặt cổng làng. Ngoài ra cũng phải theo phong thủy, phải có ao để cân bằng phong thủy, phải có “tả thanh long, hữu bạch hổ” để giữ gìn bờ cõi, bình yên cho dân làng. Ngoài ra phải có gò, có chẩm để đỡ những tắc trách mà vì vô ý, người làng phạm phải./.