Đưa máy móc vào sản xuất
Làng nghề mộc ở thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc có truyền thống lâu đời hàng trăm năm, được duy trì và phát triển theo hướng cha truyền con nối. Trải qua bao thăng trầm của thời gian, để thích ứng với sự phát triển của thị trường ngày nay, làng nghề Thanh Lãng đã tiến hành chuyển đổi công cụ làm mộc mang tính chuyên môn hóa, hiện đại.
Nhận thấy cần phải cải tiến mẫu mã, chất lượng sản phẩm mộc, năm 2020, anh Lưu Trung Kiên, thị trấn Thanh Lãng, huyện Bình Xuyên đã đầu tư gần 300 triệu đồng để mua 2 máy xẻ, 1 máy rửa cưa. Anh Kiên chia sẻ: Với sự trợ giúp của hệ thống máy móc hiện đại, các sản phẩm mộc làm ra nhanh và đẹp hơn, được nhiều khách hàng ưa chuộng. Hiện nay cơ sở sản xuất của Kiên đạt doanh thu 1 tỷ đồng/ năm, giải quyết 3 lao động, thu nhập người lao động ổn định ở mức 7 triệu đồng/người/tháng.
Nghề rèn Bàn Mạch, xã Lý Nhân, huyện Vĩnh Tường đã được UBND tỉnh Vĩnh Phúc công nhận là làng nghề từ năm 2006. Làng rèn Bàn Mạch có khoảng 700 hộ làm nghề. Nắm bắt nhu cầu thị trường, làng rèn Bàn Mạch đã đổi mới công nghệ, thay đổi mẫu mã ngày càng đa dạng. Các sản phẩm rèn Bàn Mạch không chỉ phục vụ thị trường trong nước mà còn bắt đầu có sản phẩm xuất khẩu ra nước ngoài.
Ông Phùng Văn Đô, Giám đốc Hợp tác xã Rèn Thanh niên xã Lý Nhân cho biết, vừa qua, hợp tác xã đã cho ra mắt bộ dao nhà bếp 8 sản phẩm, mẫu mã đẹp cùng chất lượng tốt và tính ứng dụng cao, bộ sản phẩm liên tiếp được công nhận là sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp tỉnh vào năm 2021, cấp khu vực phía Bắc năm 2022 và đạt sản phẩm công nghiệp nông thôn tiêu biểu cấp Quốc gia năm 2023. Trung bình, mỗi tháng hợp tác xã sản xuất và tiêu thụ từ 4.000 - 5.000 sản phẩm dao, cuốc, xẻng,... tạo việc làm cho 10 lao động, thu nhập 7 - 9 triệu đồng/người/tháng.
Thích ứng để phát triển
Làng gốm Hương Canh, huyện Bình Xuyên có lịch sử hơn 300 năm và nổi tiếng với những sản phẩm như chum vại, nồi niêu, ấm chén… Cuộc sống hiện đại, các sản phẩm truyền thống của gốm Hương Canh vẫn bị cạnh tranh bởi các sản phẩm gốm, sứ hiện đại, có mẫu mã đẹp. Gốm Hương Canh đứng trước nguy cơ “xóa sổ”. Do đó, những người thợ làm gốm ở Hương Canh đã luôn trăn trở tìm hướng đi mới để giữ nghề truyền thống.
Anh Nguyễn Hồng Quang, chủ cơ sở gốm Hương Canh cho biết: Ngoài việc áp dụng khoa học kỹ thuật vào nung gốm để được màu sắc như ý, anh còn trang trí, tạo những cánh hoa sen, hoa mai, lá tre, lá trúc cho các sản phẩm gốm. Các sản phẩm gốm của anh Quang đang hướng mạnh đến thị trường xuất khẩu, có nhiều khách hàng, đơn hàng từ Hàn Quốc, Đức, Canada... tìm đến đặt mua. Các sản phẩm gốm mỹ thuật của anh Quang thường xuyên được tham dự các triển lãm mỹ thuật.
Hiện, toàn tỉnh Vĩnh Phúc có 25 làng nghề, trong đó có 19 làng nghề truyền thống và 6 làng nghề mới. Các làng nghề đang tạo việc làm cho hơn 55.000 lao động nông thôn với mức thu nhập bình quân 4 - 5 triệu đồng/người/tháng. Để các làng nghề phát triển bền vững, thời gian qua, tỉnh Vĩnh Phúc đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các làng nghề phát triển.
Cùng với đó, tỉnh Vĩnh Phúc đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ về vốn, công nghệ, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường. Vĩnh Phúc tăng cường đầu tư phát triển hạ tầng các cụm công nghiệp - làng nghề, đưa các cơ sở sản xuất, các doanh nghiệp vào hoạt động, giải quyết “bài toán” ô nhiễm môi trường trong các khu dân cư.
Mặt khác, tỉnh cũng đẩy mạnh phát triển các mô hình làng nghề truyền thống gắn với phát triển du lịch làng nghề, tập trung hỗ trợ doanh nghiệp xúc tiến thương mại và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm, hình thành hệ thống phân phối lớn trong và ngoài nước.