Những bức họa khắc họa nỗi nhớ quê hương
Vua Hàm Nghi (1871 - 1944), tên thật Nguyễn Phúc Ưng Lịch, là vị hoàng đế thứ 8 của nhà Nguyễn - triều đại phong kiến cuối cùng trong lịch sử Việt Nam. Ông là em trai của 2 vị vua triều Nguyễn khác là Đồng Khánh và Kiến Phúc. Năm 1884, Nguyễn Phúc Ưng Lịch được các phụ chính đại thần Nguyễn Văn Tường và Tôn Thất Thuyết đưa lên ngôi ở tuổi 13, lấy niên hiệu Hàm Nghi.
Sau khi kinh đô Huế thất thủ năm 1885, Tôn Thất Thuyết đưa Vua Hàm Nghi ra vùng núi Tân Sở (nay thuộc huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị) và phát chiếu Cần Vương kêu gọi hào kiệt, sĩ phu và Nhân dân yêu nước đứng lên chống thực dân Pháp.
Vua Hàm Nghi bị bắt ngày 30/10/1888, rồi bị đày sang Algeria (châu Phi). Ông sống tại một biệt thự trên khu đồi El Biar, cách Thủ đô Alger khoảng 12km cùng vợ con. Xa quê hương nhưng ông vẫn giữ nếp sống theo phong tục nước nhà cho đến khi qua đời vào đầu năm 1944 vì bạo bệnh.
Khi bị lưu đày sang Algeria lúc mới 18 tuổi, dù mang thân phận tù nhân chính trị, Vua Hàm Nghi vẫn dành cả cuộc đời cho nghệ thuật. Vua Hàm Nghi có tài năng hội họa. Khi ở Algerie, Vua học vẽ ở xưởng của họa sĩ Maurius Reynaud. Sau này qua Pháp, ông học điêu khắc với nghệ sĩ Rodin. Vua theo đuổi trường phái chủ nghĩa hiện thực. Nhiều tác phẩm nổi tiếng của ông như Không đề (1889), Algerie (1900), Phong cảnh (1903), Cây ô liu cổ (1905), Chiều tà (1915)... Năm 2010, bức Chiều tà của Vua được bán trong phiên của nhà đấu giá Millon với giá 8.800 euro (221 triệu đồng). Vua Hàm Nghi đã trở thành họa sĩ và nhà điêu khắc trong suốt thời gian lưu đày tại Alger (hay còn gọi là Algiers, Thủ đô Algeria).
Theo TS. Nhà nghiên cứu lịch sử nghệ thuật Amandine Dabat, là chắt gái của Công chúa Như Lý - con gái Vua Hàm Nghi, trước khi sang Algiers, Vua Hàm Nghi chưa am hiểu về hội họa phương Tây. Sau khi bị lưu đày, ông mới bắt đầu theo học nhiều bậc thầy về mỹ thuật. Có lẽ, Vua Hàm Nghi đến với nghệ thuật, sáng tác như một cách để khỏa lấp nỗi buồn đau vì bị lưu đày, xa quê hương, tổ tiên. Ông đã tìm thấy trong nghệ thuật một không gian tự do mà ông không có được trong cuộc sống hàng ngày.
Bát và đũa ăn cơm và ống đựng tăm vua Hàm Nghi từng sử dụng. (Ảnh: Đức Tài) |
Vua Hàm Nghi vẽ thiên nhiên và tìm cách thể hiện ánh sáng trong những rung động tinh tế nhất của nó. Chính việc tìm kiếm sự tinh tế này đã thúc đẩy ông không ngừng hoàn thiện kỹ thuật vẽ.
Ông đặc biệt yêu thích thử thách bắt được khoảnh khắc hoàng hôn, một khoảnh khắc rất ngắn ngủi, với những gam màu đầy hoài niệm, cho phép ông thể hiện, qua mọi sắc thái màu sắc và bầu không khí, cảm xúc và khát vọng vươn lên trên hoàn cảnh lưu đày của mình.
Ông sáng tác nhưng không bán tác phẩm mà chỉ dành tặng người thân, bạn bè, thường không ký tên lên tác phẩm. “Chỉ khi nào người được tặng đề nghị tác giả ký tặng thì ông mới ký tên. Vì vậy, hiện nay có những tác phẩm của Vua Hàm Nghi nhưng không để tên tác giả, có tác phẩm lại ký tên ông”, bà Amandine Dabat chia sẻ.
Ngày 12/11/2024, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đã tổ chức Lễ tiếp nhận tác phẩm hội họa của Vua Hàm Nghi gồm “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” của Tiến sĩ Amandine Dabat - hậu duệ thứ 5 của Vua Hàm Nghi. Bức tranh sơn dầu “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” do Vua Hàm Nghi sáng tác năm 1908, thể hiện quang cảnh đồng quê gần nhà ông ở Algiers. Phong cảnh hoàng hôn dưới góc nhìn ngược sáng là một trong những tác phẩm mang tính biểu tượng nhất của ông. Sử dụng phong cách chấm họa ảnh hưởng từ các họa sĩ Pháp vào cuối thế kỷ XIX, tác giả đã làm cho màu sắc rực rỡ của buổi chiều tà trở nên rung động.
Bức họa Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers) của vua Hàm Nghi. |
Năm 1926, bức tranh được triển lãm tại phòng trưng bày Mantelet-Colette Weil ở Paris, với tựa đề “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” và ký tên Tử Xuân. Đây là một trong những tác phẩm quan trọng của Vua Hàm Nghi. Đây là một bức tranh tiêu biểu cho những nghiên cứu hội họa của Vua Hàm Nghi, trong đó có ảnh hưởng của chủ nghĩa hậu ấn tượng, với kỹ thuật gần như là chấm điểm.
Tiến sĩ Lịch sử nghệ thuật người Mỹ Nora Taylor từng nhận xét phong cảnh của Algiers trong tranh Vua Hàm Nghi “được xem là sự kết nối đến nguồn cội với tư cách một người đang khao khát trở về quê hương”. Họa sĩ Lương Xuân Đoàn - Chủ tịch Hội Mỹ thuật Việt Nam - khẳng định, bức tranh “Những sườn đồi ở Deli Ibrahim (Algiers)” là tác phẩm vô giá của Vua Hàm Nghi. Bức tranh không phải chỉ vẽ phong cảnh đơn thuần mà cũng khắc họa nỗi nhớ thương của ông với quê hương, đất nước.
Ông Nguyễn Anh Minh - Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cho biết, các tác phẩm của Vua Hàm Nghi không chỉ bổ sung, làm giàu thêm cho bộ sưu tập của bảo tàng mà còn là nguồn tư liệu quý giá cho các nhà nghiên cứu lịch sử mỹ thuật cận - hiện đại Việt Nam cuối thế kỷ 19, đầu thế kỷ 20.
Trước đó, 26/12/2022, Thừa Thiên Huế đón nhận bức tranh Vua Hàm Nghi vẽ lúc bị lưu đày ở Algerie - do hậu duệ của Vua sống tại Pháp hiến tặng. Bức tranh cao khoảng 30cm, dài khoảng 45cm, vẽ phong cảnh vùng quê ở châu Âu với sông, núi. Tác phẩm đã được một bảo tàng nổi tiếng ở Pháp kiểm chứng.
Tiến sĩ Amandine Dabat hy vọng việc này mở đường cho hoạt động trao tặng bức vẽ khác của Vua Hàm Nghi, để công chúng Việt có thể hiểu rõ hơn về di sản nghệ thuật của ông.
Lòng tri ân của hậu duệ nhà vua với cội nguồn
Không chỉ trao tặng các tác phẩm nghệ thuật của Vua Hàm Nghi, ngày 5/11/2024, các hậu duệ của Vua Hàm Nghi đã trao tặng những kỷ vật quý mà ông từng sử dụng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế. Qua đó, góp phần đa dạng và phong phú cho không gian trưng bày về Vua Hàm Nghi tại Huế. Các kỷ vật gồm: Khay gỗ khảm xà cừ; Bộ sách chữ Hán với Ngự chế canh chức đồ, Đan đồ huyện chí, Tăng đính thi kinh thể chí diễn nghĩa. Các hiện vật này vốn thuộc Vua Hàm Nghi, chiếc khay gỗ được đem từ Việt Nam và ông luôn giữ bên mình như kỷ vật gợi nhớ về quê hương. Bộ sách chữ Hán là số ít trong những cuốn sách ông từng đọc và được lưu giữ đến nay. Những kỷ vật quý này được Công chúa Như Mai - Trưởng nữ của Vua Hàm Nghi lưu giữ cẩn thận để tưởng nhớ vua cha và được trao truyền lại cho các thế hệ sau này.
TS.Amandine Dabat, hậu duệ đời thứ 5 của vua Hàm Nghi trao tặng đến Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế kỷ vật Khay gỗ khảm xà cừ. (Ảnh: S. Thùy) |
Cùng với đó, ông Đặng Văn Luyện và ông Đặng Văn Giáp, hậu duệ đời thứ 4 của Vua Hàm Nghi cũng trao tặng các hiện vật liên quan đến vị vua yêu nước. Trong đó có: Đôi đũa cung đình bằng ngà hải mã, được nhận định rất quý hiếm. Đôi đũa này được cho là của Thái hậu Từ Dũ giao cho bà Phan Thị Hòa sử dụng trong bữa ăn của Vua Hàm Nghi, giai đoạn Cần Vương 1885 - 1889. Ngoài ra, Đôi tiềm bằng sứ được trao tặng cũng là vật dụng được sử dụng trong gia đình Vua Hàm Nghi.
Chiếc tẩu thuốc của Vua Hàm Nghi cũng được hậu duệ ở Pháp trao tặng cho huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị - là nơi Vua Hàm Nghi chọn làm “kinh đô kháng chiến” và ban chiếu Cần Vương.
Năm 2023, hậu duệ của Vua Hàm Nghi cũng đã hiến tặng cho Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế hiện vật chiếc ống điếu của Vua Hàm Nghi. Đây là hiện vật được Vua Hàm Nghi đem theo và sử dụng trong suốt thời gian bị lưu đày tại Algerie.
Ông Hoàng Việt Trung, Giám đốc Trung tâm Bảo tồn Di tích Cố đô Huế cho biết: “Các hậu duệ của Vua Hàm Nghi ở các quốc gia khác nhau đã có cơ duyên hội tụ về Huế và trao tặng những kỷ vật quý giá, thể hiện lòng tri ân của hậu duệ nhà vua với cội nguồn, đồng thời góp phần làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác, giao lưu văn hóa giữa Việt Nam và quốc tế”.
Hậu duệ của Vua Hàm Nghi là Tiến sĩ Amandine Dabat đã nghiên cứu, biên soạn và cho ra mắt cuốn sách Hàm Nghi: “Hoàng đế lưu vong - nghệ sỹ ở Alger”. Đây là công trình nghiên cứu về cuộc đời, sự nghiệp của Hàm Nghi, trong vai trò một vị vua yêu nước, một họa sĩ tài hoa trong thời gian ông lưu vong tại Pháp và Algeria. Cuốn sách này giải thích và làm rõ về cuộc đời nghệ thuật của Vua Hàm Nghi, những ảnh hưởng của ông, sự phát triển phong cách của ông và mối liên hệ của ông với các nghệ sĩ lớn của thời đại…