Đồng dao - Đi tìm di sản tuổi thơ xưa trong thời hiện đại

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Trong ký ức của nhiều thế hệ, đồng dao gắn liền với tiếng cười hồn nhiên của trẻ thơ vang vọng khắp sân làng, những trò chơi tuổi thơ đơn sơ mà thú vị. Những bài đồng dao ấy không chỉ là những lời ca vui vẻ, mà còn chứa đựng trong mình cả nền văn hóa, lịch sử và giá trị truyền thống của dân tộc.

Những bài học đầu đời từ câu hát, bài thơ

Đồng dao là những câu hát, bài thơ dân gian được trẻ em truyền miệng qua bao thế hệ, trở thành một phần không thể thiếu của tuổi thơ người Việt. Trong xã hội Việt Nam xưa, đồng dao hiện diện như một phần không thể thiếu trong đời sống của trẻ em. Phần lớn các bài đồng dao đều có kết cấu ngắn gọn, nội dung gần gũi, dễ hiểu, đặc biệt là được gieo vần nên rất dễ thuộc, dễ nhớ.

Đồng dao bao gồm nhiều loại: các bài hát, câu hát trẻ em, lời hát trong các trò chơi, bài hát ru em… Thường gặp nhất là các bài đồng dao gắn liền với các trò chơi của trẻ. Tuy chỉ được lưu truyền qua các thế hệ bằng phương thức truyền miệng, nhưng đồng dao và các trò chơi gắn liền với đồng dao đã mang lại cho trẻ em đời sống tinh thần phong phú, những cảm xúc vui tươi, hồn nhiên, trong sáng cũng như một môi trường giáo dục mang tính học tập cộng đồng.

Không chỉ như thế, đồng dao còn chính là những bài học cuộc sống đầu đời của trẻ thơ. Qua những câu hát giản dị nhưng giàu ý nghĩa, trẻ em không chỉ học cách vui chơi mà còn được truyền dạy về thiên nhiên, con người, văn hóa, lịch sử và nhân sinh quan.

Các bài đồng dao như "Nu na nu nống", "Chi chi chành chành", "Rồng rắn lên mây" hay "Thả đỉa ba ba" đã từng gắn liền với những trò chơi tập thể, giúp trẻ hình thành kỹ năng giao tiếp, tinh thần đoàn kết, hiểu biết về cuộc sống qua những lời hát mộc mạc nhưng thấm đẫm chất liệu văn hóa Việt.

Những bài đồng dao gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ xưa. (Ảnh: Kim Đồng)

Những bài đồng dao gắn bó với tuổi thơ của nhiều thế hệ xưa. (Ảnh: Kim Đồng)

Ví dụ như, thông qua các bài đồng dao như “Con gà cục tác lá chanh/Con lợn ủn ỉn mua hành cho tôi…”, “Bắt được cua bấy đem về nấu canh/Băm tỏi băm hành, xương sông lá lốt”, các em hiểu về thường thức bữa ăn hàng ngày, hay “Ông thầy có sách/Thợ ngạnh có dao/Thợ rèn có búa…”, “Ai cày ruộng nuôi trâu/Ai trồng dâu nuôi tằm/Ai hay nằm nhịn đói” chính là những bài học đầu đời về nghề nghiệp trong cuộc sống, về tình yêu lao động.

Hoặc bài đồng dao “Nu na nu nống, cái bống nằm trong, con ong nằm ngoài/củ khoai chấm mật/Phật ngồi Phật khóc/Con cóc nhảy ra/Con gà cục tác/Nhà bác nấu xôi/Nhà tôi nấu chè”, kết hợp với trò chơi đập chân, đập tay vừa mang tính rèn luyện phản xạ, vận động đầy vui nhộn cho trẻ, mà còn lồng ghép hình ảnh dân dã, gần gũi, mang theo triết lý về sự hòa hợp giữa con người và thiên nhiên. Trong các bài đồng dao liên quan đến đếm số, trẻ còn được học cách đếm từ khi chưa đến trường học.

Qua những câu hát đồng dao, trẻ em học được nhiều giá trị văn hóa dân tộc. Các bài đồng dao thường sử dụng các hình ảnh quen thuộc từ cuộc sống nông thôn như cây đa, con diều, đồng ruộng, con cá, hay hình tượng các loài vật gần gũi như gà, chó, mèo. Những hình ảnh này không chỉ giúp trẻ nhận diện thế giới xung quanh mà còn tạo nên sự gắn kết sâu sắc với môi trường sống, lịch sử và văn hóa của dân tộc.

Ngoài ra, đồng dao còn có vai trò giáo dục trẻ về đạo đức, nhân cách qua những bài học ẩn trong lời hát. Những câu hát đôi khi ngắn gọn nhưng lại thể hiện sự răn dạy, truyền tải triết lý sống giản dị, gần gũi, như cách đối xử với người lớn tuổi, cách sống lạc quan, hay những bài học về lòng dũng cảm, sự kiên nhẫn.

Chính vì thế, nhiều nhà nghiên cứu cho rằng, đồng dao chính là bài học văn hoá cơ bản đầu tiên cho trẻ, là những bài học không chính thức mà các bậc cha mẹ, ông bà truyền dạy cho con cháu thông qua các trò chơi dân gian. Nhờ cấu trúc vần điệu đơn giản, dễ thuộc, đồng dao khuyến khích trẻ tập nói, tập hát theo cách tự nhiên, giúp trẻ tiếp thu từ ngữ một cách nhanh chóng. Với sự đơn giản và lặp đi lặp lại, những câu hát đồng dao không chỉ dễ nhớ mà còn giúp trẻ làm phong phú vốn từ vựng, phát triển khả năng tư duy và làm giàu trí tưởng tượng, giúp phát triển ngôn ngữ và khả năng diễn đạt của trẻ.

Đi tìm câu hát đồng dao xưa giữa xã hội hiện đại

Mới đây, tại TP Hồ Chí Minh đã diễn ra buổi trò chuyện về chủ đề “Đồng dao và trò chơi dân gian Việt Nam” với sự có mặt của nhà nghiên cứu Huỳnh Ngọc Trảng. Theo ông Huỳnh Ngọc Trảng, đồng dao có nhiều giá trị trong đời sống tinh thần người Việt. Cuối thế kỷ XIX, Trương Vĩnh Ký đã từng đưa đồng dao vào chương trình giáo dục trẻ con.

Ông Huỳnh Ngọc Trảng cho biết: "Khi chơi, trẻ có cơ hội học hỏi trong nhóm bạn, phát triển tri thức về vần điệu, ngôn ngữ nói, cách đếm số học, khả năng xử lý các vấn đề gặp phải... Những bài đồng dao mang sự hồn nhiên, tinh thần rất vô tư của trẻ con. Chúng hấp dẫn, nuôi dưỡng nhiều thế hệ lớn lên, rồi đi vào ký ức của biết bao người dân Việt".

Đồng dao gắn liền với trò chơi tuổi thơ. (Ảnh: ST)

Đồng dao gắn liền với trò chơi tuổi thơ. (Ảnh: ST)

Tuy nhiên, khi cuộc sống thay đổi và công nghệ hiện đại dần chiếm ưu thế, đồng dao ngày nay đang dần mất đi vị thế vốn có trong đời sống của trẻ em. Ngày trước, khi đi qua các khoảng sân, ngôi nhà, các xóm nhỏ dù ở thành thị hay nông thôn, người ta dễ dàng nghe các bài đồng dao quen thuộc vang lên từ những cánh môi trẻ thơ, lẫn trong tiếng cười đùa ríu rít.

Xã hội ngày càng hiện đại, sự phát triển của công nghệ số mang lại nhiều tiện ích, nhưng đồng thời làm mai một đi một phần giá trị truyền thống của văn hóa dân gian. Trẻ em ngày nay ít có cơ hội trải nghiệm những trò chơi tập thể ngoài trời, thay vào đó là những giờ ngồi trước màn hình điện thoại, máy tính bảng.

Giờ đây, những trò chơi dân gian, những buổi tụ tập hát đồng dao đã dần bị thay thế bởi các thiết bị điện tử, các chương trình giải trí trên mạng xã hội hay các trò chơi điện tử. Trẻ em hiện nay không còn thuộc nhiều bài đồng dao như thế hệ trước và những giá trị văn hóa, giáo dục mà đồng dao mang lại dường như đang bị lãng quên. Những câu hát đồng dao đang có nguy cơ dần trở thành một ký ức xa xôi và những bài học giản dị từ tuổi thơ xưa cũng vì thế mà bị lu mờ.

Trước thực trạng này, câu hỏi đặt ra là liệu đồng dao có còn chỗ đứng trong cuộc sống hiện đại? Câu trả lời nằm ở chính những nỗ lực của cộng đồng và gia đình trong việc giữ gìn và truyền lại những giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ. Đồng dao không chỉ là những lời ca, tiếng hát đơn thuần, mà còn là một phần của bản sắc dân tộc, một di sản văn hóa quý báu cần được bảo tồn.

Nhiều trường mầm non hiện nay chú trọng đưa đồng dao kết hợp các trò chơi vào giáo trình dạy học cho trẻ nhỏ. (Nguồn: MN An Bình)

Nhiều trường mầm non hiện nay chú trọng đưa đồng dao kết hợp các trò chơi vào giáo trình dạy học cho trẻ nhỏ. (Nguồn: MN An Bình)

Hiện nay, nhiều trường mầm non đã đưa các bài hát, trò chơi đồng dao vào trong giáo dục trẻ. Tại các giáo trình giảng dạy, nhiều cô giáo mầm non cũng khá chú trọng đến việc áp dụng đồng dao làm trò chơi vận động, trò chơi kĩ năng cho trẻ nhỏ. Có thể nói, việc khuyến khích trẻ em tham gia vào các hoạt động ngoài trời, những trò chơi tập thể kết hợp với đồng dao là một cách để giúp trẻ phát triển cả về thể chất lẫn tinh thần.

Những buổi sinh hoạt cộng đồng, những giờ học ngoại khóa với chủ đề đồng dao sẽ giúp trẻ em tiếp cận và yêu thích những giá trị văn hóa truyền thống. Đồng thời, việc sử dụng đồng dao trong các chương trình giáo dục, giúp trẻ hiểu thêm về nguồn cội, về tình yêu quê hương, đất nước, cũng là cách để chúng ta bảo tồn và phát huy giá trị của đồng dao trong đời sống hiện đại.

Như thế, việc đồng dao còn tồn tại trong đời sống hay không, có luôn gắn liền với tuổi thơ trẻ nhỏ hay không còn phụ thuộc vào nỗ lực những bậc người lớn chúng ta. Hiểu biết, trân trọng giá trị của đồng dao, biết cách giữ gìn và bảo tồn cho thế hệ sau thì đồng dao sẽ còn sống mãi, như một nhịp cầu nối giữa quá khứ và hiện tại, như một công cụ vui chơi và học tập cho trẻ nhỏ, như một phần hành trang đẹp đẽ mà mỗi người mang theo trong cuộc đời.

Đọc thêm

Đặc sắc Lễ hội đua thuyền tứ linh ở đảo Lý Sơn

Trải qua gần 200 năm, Lễ hội đua thuyền tứ linh ở Lý Sơn vẫn được gìn giữ, phát huy. (Ảnh: Alex Cao)
(PLVN) - Lễ hội đua thuyền tứ linh là nét văn hóa truyền thống dân gian mang đậm bản sắc của cư dân huyện đảo Lý Sơn (tỉnh Quảng Ngãi). Người dân Lý Sơn tổ chức lễ hội nhằm tưởng nhớ cội nguồn tổ tiên, các vị tiền hiền buổi đầu khai sinh đất đảo và đội hùng binh Hoàng Sa đã có công bảo vệ biên cương Tổ quốc cũng như cầu cho mưa thuận gió hòa, làng xóm yên bình, mùa màng tươi tốt.

Yên Bái có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể

Yên Bái có thêm 2 di sản văn hóa phi vật thể
(PLVN) - Tập quán văn hóa và tín ngưỡng Lễ Cúng rừng của người Mông và Nghệ thuật trình diễn dân gian Khắp Cọi của người Tày ở Yên Bái được công nhận là Di sản Văn hóa phi vật thể Quốc gia.

Đưa hát xẩm đến gần hơn với công chúng

Nghệ sĩ Vũ Thùy Linh lựa chọn dân ca nguyên gốc được phối bởi dàn nhạc giao hưởng cho album mới có tên “Tơ đồng thánh thót”. (Ảnh: L.Thủy)
(PLVN) - Mang nét văn hóa, sử dụng chất liệu âm nhạc truyền thống kết hợp với âm nhạc hiện đại là cách mà nhiều nghệ sĩ trẻ đang hướng đến. Đây cũng là một trong những đóng góp của các nghệ sĩ cho đời sống âm nhạc, để nền âm nhạc đậm đà bản sắc Việt vươn ra với thế giới.

Sắc màu thổ cẩm của người H’rê ở Quảng Ngãi

 Cụ bà người H’rê ở làng Teng dệt thổ cẩm.
(PLVN) - Giá trị văn hóa truyền thống nghề dệt thổ cẩm của người H’rê ở làng Teng (xã Ba Thành, huyện Ba Tơ, tỉnh Quảng Ngãi) thể hiện trên từng sản phẩm gắn liền với trí thông minh, bàn tay khéo léo và kỹ thuật tinh xảo của người thợ dệt được lưu truyền từ lâu đời, bảo tồn và phát triển cho đến ngày nay.

Đình thần Đồng Nai – Lưu giữ những dấu chân mở cõi

Đình thần Đồng Nai – Lưu giữ những dấu chân mở cõi
(PLVN) -  Trong buổi đầu khẩn hoang, lập nghiệp tại phương Nam, những cư dân của đất Đồng Nai vẫn không quên tạo lập nên những cơ sở tín ngưỡng cộng đồng để đáp ứng nhu cầu tinh thần và tâm linh. Mỗi thôn, ấp đều có một ngôi đình, tọa lạc ở khu trung tâm, ở đầu làng - một dấu ấn xác định sự hình thành cộng đồng làng xã của người Việt từ hơn ba trăm năm trước.

Nghề gốm trang trí ở Biên Hòa – Dấu ấn trăm năm

Nghề gốm trang trí ở Biên Hòa – Dấu ấn trăm năm
(PLVN) - Sản phẩm gốm mỹ thuật Biên Hoà rất đa dạng và phong phú với góc độ nghệ thuật cao, đặc biệt là các tượng Phật hoặc hình tượng tranh Tứ Quý, Tứ Bình, Tứ Thời, Bát Tiên hoặc tranh dân gian. Hàng ra lò xuất cảng qua Pháp, Mỹ và không ít nước khác, bởi gốm mỹ nghệ Biên Hoà được nhiều nơi trên thế giới ưa chuộng, nhờ sắc thái men trầm lắng, đậm nét cổ kính phương Đông

Khát vọng vươn lên của Lâm Đồng qua lễ hội Festival Hoa lần thứ 10

Khát vọng vươn lên của Lâm Đồng qua lễ hội Festival Hoa lần thứ 10
(PLVN) - Không phụ lòng mong chờ, chương trình nghệ thuật đặc sắc đêm khai mạc lễ hội Festival Hoa Đà Lạt lần thứ 10- 2024 tối 5/12 đã mang đến cảm giác mãn nhãn cho của du khách, người dân xứ sở ngàn hoa. Theo Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Hoà Bình, lễ hội là cơ hội để du khách trong nước và quốc tế đến trải nghiệm những giá trị văn hóa - du lịch độc đáo, riêng có của Đà Lạt...

Nhà lầu ông Phủ hơn trăm năm bên dòng sông Đồng Nai

Nhà lầu ông Phủ hơn trăm năm bên dòng sông Đồng Nai
(PLVN) - Biệt thự cổ của đốc phủ Võ Thanh Hà được xây dựng cách đây hơn 102 năm là nơi lưu giữ những giá trị về lịch sử khẩn hoang của vùng đất Biên Hòa. Được coi là biệt thự cổ đẹp nhất Đồng Nai, đây không chỉ là di sản của dòng họ, căn nhà còn có giá trị văn hóa khi nằm trong cụm làng nghề truyền thống có tuổi đời trên 300 năm, đặc biệt là làng nghề đá Bửu Long.

Khai mạc Festival "Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản"

Chương trình nghệ thuật 'Đôi bờ Ví, Giặm' tái hiện không gian diễn xướng ví, giặm. Ảnh: PV
(PLVN) - Tối 27/11, tỉnh Hà Tĩnh phối hợp với tỉnh Nghệ An tổ chức Chương trình nghệ thuật cầu truyền hình trực tiếp "Đôi bờ ví, giặm" mở đầu chuỗi hoạt động Festival "Về miền ví, giặm - kết nối tinh hoa di sản" nhân kỷ niệm 10 năm Dân ca ví, giặm Nghệ Tĩnh được UNESCO ghi danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

Thừa Thiên Huế: Nhiều giải pháp bảo tồn nhà vườn, nhà rường cổ

Một số nhà vườn, nhà rường cổ ở Thừa Thiên Huế đang được trùng tu. (Ảnh: Thùy Nhung)
(PLVN) - Hệ thống nhà vườn, nhà rường cổ là tài sản quý giá góp phần tạo nên đặc trưng văn hóa Huế. Trải qua hàng trăm năm chịu tác động từ thời tiết, thiên tai; kiến trúc một số nhà vườn, nhà rường cổ xuống cấp nghiêm trọng. Trước thực trạng này, nhiều giải pháp bảo tồn đang được triển khai.