Theo mục tiêu của Kế hoạch năm 2024 đề ra, khôi phục, bảo tồn và phát triển 7 làng nghề tỉnh Cà Mau. Trong đó phấn đấu công nhận ít nhất 4 làng nghề, gồm: Tôm khô, Bánh phồng tôm, sản xuất muối và trồng và làm dưa bồn bồn. Đồng thời, phải có 50% người lao động trong làng nghề được đào tạo, đào tạo lại, đào tạo nâng cao kỹ năng nghề, kỹ năng vệ sinh an toàn lao động và kiến thức công nghệ thông tin cơ bản; 100% cơ sở, hộ gia đình sản xuất trong làng nghề đáp ứng các quy định về bảo vệ môi trường.
Làng nghề làm bánh phồng tôm ở Cà Mau. |
Mục đích của Kế hoạch còn đề ra, bảo tồn và phát triển nghề, làng nghề Cà Mau nhằm giữ gìn và phát huy các giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống. Đặc biệt, chú trọng phát triển làng nghề phù hợp thế mạnh của tỉnh, nhằm thúc đẩy phát triển sản xuất, nâng cao năng lực cạnh tranh, nâng cao giá trị gia tăng cho các sản phẩm làng nghề, tạo việc làm, tăng thu nhập cho người dân nông thôn... Qua đó góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội nông thôn bền vững địa phương.
Để làm được những điều nói trên, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, UBND các huyện, thành phố Cà Mau căn cứ chức năng, nhiệm vụ và tình hình thực tế, bám sát nội dung nhiệm vụ của Kế hoạch, triển khai hiệu quả công tác bảo tồn và phát triển làng nghề trên địa bàn. Đồng thời, đề nghị UBMTTQVN tỉnh chủ trì phối hợp các Sở, ngành, đoàn thể liên quan và UBND các huyện, thành phố Cà Mau thực hiện các nội dung có liên quan tại Kế hoạch.
Người dân ở xã Tân Hưng Đông, huyện Cái Nước (tỉnh Cà Mau) thu hoạch bồn bồn. |
Ông Nguyễn Văn Quân - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh cho biết: “ Thời gian tới, các sở ban ngành và địa phương cần tuyên truyền, vận động người dân trong việc bảo tồn, giữ gìn nghề truyền thống của địa phương. Đặc biệt, ưu tiên đào tạo nguồn nhân lực trong các làng nghề và tiến hành truyền nghề truyền thống. Đồng thời, tổ chức lại hoạt động sản xuất, kinh doanh của các nghề, làng nghề truyền thống theo hướng liên kết chuỗi giá trị và gắn với bảo vệ môi trường, cảnh quan khu vực làng nghề... Ngoài ra, địa phương cần phát triển và xây dựng thương hiệu sản phẩm làng nghề, đổi mới và đa dạng mẫu mã các sản phẩm nhằm đáp ứng nhu cầu, thị hiếu của người tiêu dùng trong nước và xuất khẩu”.