Sơn Động là huyện miền núi nghèo của tỉnh Bắc Giang có nhiều bà con dân tộc thiểu số cư trú, đời sống kinh tế khó khăn, chăn nuôi tự phát. Với chủ trương phát triển kinh tế rừng, góp phần ổn định cuộc sống cho người dân, năm 2000 nhiều hộ dân xã An Lạc được Nhà nước giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Chính sách đúng đắn, tuy nhiên thực tế thì nhiều cánh rừng trên địa bàn An Lạc chỉ là rừng nghèo kiệt. Lác đác cây lim, trám, bạch đàn…, còn lại là gỗ tạp và cây bụi.
“Cán bộ đi trước, làng nước theo sau”
Sau hơn 10 năm bám rừng, với tiền hỗ trợ của Nhà nước cho mỗi hộ dân 200 nghìn đồng/ha/năm cho việc chăm sóc và bảo vệ rừng, việc trông vào rừng để phát triển kinh tế là vô cùng khó khăn. Nhiều người dân phải bốc vác, làm thuê cho các địa phương lân cận.
Thế rồi, tại địa phương nổi lên “phong trào” phát rừng để trồng cây keo “làm kinh tế”, mà đi đầu là các cán bộ, đảng viên trong xã như hộ ông Trần Văn Chung, con trai ông Trần Dìn - Chủ tịch UBND xã An Lạc, Bí thư Chi bộ; ông Trần Sơn - em trai ông Trần Dìn…. “Thấy cán bộ phát rừng nên người dân chúng tôi mới làm theo” - anh Lê Văn Vinh, thôn Đồng Bây cho biết.
Bám vào cái lý “cán bộ đi trước, làng nước theo sau”, tranh thủ thời điểm trước và sau Tết Nguyên đán 2014, hàng chục hộ dân rầm rộ phát, phá rừng trái phép. Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng chục héc ta rừng bị đốn hạ. Dù cơ quan chức năng đã ráo riết vào cuộc nhưng đến nay trên địa bàn xã An Lạc vẫn còn tình trạng khai phá trái phép.
Ông Nguyễn Văn Thủy - Hạt phó Hạt Kiểm lâm Sơn Động trần tình với phóng viên: “Rừng trên địa bàn xã An Lạc chủ yếu là rừng sản xuất, không phải rừng đặc dụng hay rừng phòng hộ và đã giao, cấp sổ đỏ cho người dân. Tuy nhiên, người dân muốn phát rừng để trồng keo thì phải làm tờ trình và được cơ quan chức năng cấp phép”.
“Nhất bên trọng, nhất bên khinh”?
Đánh giá về đời sống kinh tế xã An Lạc, ông Thủy thừa nhận người dân nhìn chung còn rất khó khăn. “Trước đây tiền hỗ trợ chăm sóc rừng cho mỗi hộ một năm chỉ được 100 nghìn đồng/ha, mấy năm trở lại đây mới được 200 nghìn đồng, cho nên người dân phát rừng nghèo kiệt để trồng rừng kinh tế thì cũng là vì sinh kế, nhưng cần phải được cấp phép trên cơ sở kế hoạch và quy hoạch. Tự phát như vậy là vi phạm” - Hạt phó Hạt Kiểm lâm chia sẻ.
Hàng chục trường hợp đã bị xử phạt hành chính với số tiền hàng trăm triệu đồng, 5 trường hợp đang hoàn thiện hồ sơ để khởi tố hình sự. “Điểm nóng” về khai thác rừng đã “nguội” nhưng xoay quanh câu chuyện xử phạt vẫn khiến cho nhiều hộ dân bức xúc.
Các trường hợp trong danh sách bị khởi tố như anh Lê Văn Vinh, thôn Đồng Bây; anh Châu Văn Định và Châu Văn Chung, thôn Biểng chua chát: “Chúng tôi vi phạm pháp luật, chúng tôi xin chấp hành, nhưng cần phải xử cho công bằng”.
Phá nhiều phạt ít, người bị khởi tố, người thì chỉ phạt hành chính, đó là nguyên nhân khiến các hộ dân này “không phục”. Họ phản ánh, người nhà ông Chủ tịch xã và hàng loạt các cán bộ, đảng viên khác khai phá rừng trước nhưng chỉ bị phạt hành chính, còn người dân lại bị khởi tố.
Anh Lê Văn Vinh bức xúc: “Cùng một loại rừng, diện tích như nhau mà tôi bị phạt 20 triệu đồng, nay lại bị khởi tố, trong khi nhà khác phát 3 ha chỉ bị phạt 12 triệu, có nhà chỉ bị phạt 7 triệu đồng…”.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Hiệu - Hạt trưởng Hạt Kiểm lâm Sơn Động lý giải: “Rừng của các hộ chủ yếu là gỗ tạp và cây bụi, gỗ lim, trám có rất ít và phân bố không đều. Không phải nhà nào cũng giống nhau, do vậy cùng một diện tích khai phá nhưng mức xử phạt lại khác nhau. Xã có 5 trường hợp bị khởi tố hình sự là có sự phối hợp của nhiều cơ quan cùng vào cuộc, chứ không phải riêng Hạt Kiểm lâm quyết định vấn đề này”.
Để người dân “tâm phục, khẩu phục”, ngoài việc tuyên truyền, phổ biến, giải thích rõ các quy định về bảo vệ rừng, cơ quan hữu quan tại huyện Sơn Động và tỉnh Bắc Giang cần thượng tôn tinh thần “luật pháp bất vị thân”./.