Thời gian gần đây, một số hộ dân ở xã Ân Hảo Tây (huyện Hoài Ân, Bình Định) ngang nhiên vào khu vực rừng thuộc “Dự án Khôi phục và quản lý rừng bền vững” do Chính phủ Đức hỗ trợ để chặt phá, phát dọn lấy đất trồng keo…
Một số hộ dân chặt phá, xâm lấn rừng lập rẫy trồng keo |
Lấn chiếm rừng được Nhà nước giao khoán
Năm 2010, khi Nhà nước triển khai “Dự án Khôi phục và quản lý rừng bền vững” do Chính phủ Đức hỗ trợ (Dự án KfW6, hay còn gọi Dự án rừng Việt - Đức), các ông Đoàn Thanh Phong, Trần Hải Quân, Phạm Công Trình, Nguyễn Văn Tự và bà Nguyễn Thị Thông (đồng trú thôn Vạn Trung, xã Ân Hảo Tây) được Ban quản lý Dự án KfW6 giao khoán 8,7 ha đất rừng tại khoảnh 4, 5 - tiểu khu 67 (thuộc thôn Vạn Trung) để trồng rừng và khoanh nuôi phục hồi rừng sản xuất.
Đến tháng 12/2011, UBND huyện Hoài Ân cấp Giấy chứng nhận Quyền sử dụng đất cho 5 người này với tổng diện tích đã giao khoán là 8,7 ha. Sau đó, các ông Phong, Quân, Trình, Tự và bà Thông ủy quyền lại cho ông Nguyễn Văn Thinh (SN 1985, trú cùng địa phương) quản lý, chăm sóc diện tích đất, rừng nói trên.
Sau khi nhận ủy quyền, ông Thinh thực hiện việc trồng rừng (trồng cây sao do Ban quản lý Dự án KfW6 cấp giống) và khoanh nuôi phục hồi rừng sản xuất tại diện tích đã được Nhà nước giao quyền. Trong lúc ông Thinh đang triển khai khá tốt việc này thì vào khoảng tháng 6/2012, một số hộ dân ở thôn Vạn Trung vào khu vực rừng Dự án chặt phá, đốt cháy, xâm lấn diện tích khá lớn.
Theo ông Thinh: “Việc nhiều hộ dân ở thôn Vạn Trung tự ý vào khu vực Dự án rừng Việt - Đức chặt cây, phát rẫy để trồng keo đã gây ảnh hưởng khoảng 0,4 - 0,5 ha rừng do tôi quản lý, canh tác. Tôi mong chính quyền địa phương và ngành chức năng sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm vụ việc, tránh thiệt hại quyền lợi của gia đình tôi và ảnh hưởng đến rừng Dự án đang triển khai tại đây”.
Cần ngăn chặn kịp thời, xử lý kiên quyết
Theo tìm hiểu của chúng tôi, năm 2010, khi triển khai dự án KfW6 tại xã Ân Hảo Tây, Nhà nước kêu gọi, khuyến khích người dân địa phương nhận giao khoán để trồng và khoanh nuôi rừng. Theo đó, khi nhận giao khoán, mỗi hộ dân sẽ được hỗ trợ 3 triệu đồng/ha trong vòng 6 năm đối với rừng khoanh nuôi tự nhiên; 6 triệu đồng/ha trong vòng 6 năm đối với rừng trồng mới.
Tuy nhiên, vào thời điểm đó, một số hộ dân cho rằng mức hỗ trợ thấp nên từ chối nhận giao khoán. Đến thời điểm hiện nay, khi giá gỗ keo tăng cao, nhiều hộ dân đã vào rừng Dự án chặt phá, xâm lấn, lập rẫy trồng keo.
Về vấn đề này, theo ông Huỳnh Công Khải, Phó Chủ tịch UBND xã Ân Hảo Tây: Qua kiểm tra, hiện một phần diện tích rừng giao khoán do ông Thinh quản lý, canh tác đang bị một số hộ dân chặt phá, lấn chiếm. UBND xã đã mời các hộ này tới làm việc, đề nghị không được tiếp tục vi phạm và giao trả lại diện tích đã lấn chiếm cho những hộ được Nhà nước giao khoán.
“Chúng tôi đang tiếp tục xác minh, củng cố hồ sơ để báo cáo vụ việc cho lãnh đạo UBND huyện và các ngành chức năng liên quan. Tùy theo mức độ vi phạm, chúng tôi sẽ đề nghị mức xử lý thích hợp. Thời gian tới, chúng tôi sẽ tăng cường tổ chức tuyên truyền, giáo dục để người dân không tiếp tục thực hiện hành vi xâm lấn rừng Dự án. Nếu hộ nào vẫn cố tình vi phạm, chúng tôi sẽ có hình thức xử lý thích đáng”, ông Khải cho biết thêm.
Hy vọng rằng, UBND xã Ân Hảo Tây và các ngành chức năng của huyện Hoài Ân sớm có biện pháp ngăn chặn, xử lý dứt điểm tình trạng một số hộ dân chặt phá, xâm lấn rừng Dự án để lập rẫy trồng keo một cách trái phép. Bởi nếu không, tình trạng này tiếp tục diễn ra sẽ ảnh hưởng đến quyền lợi của các hộ đã được Nhà nước giao khoán rừng Dự án để quản lý, chăm sóc; ảnh hưởng nghiêm trọng đến toàn bộ diện tích rừng Dự án KfW6 nơi đây.
C.Luận