Anh ta chỉ là một thanh niên tỉnh lẻ nghèo tốt nghiệp trung cấp về nấu ăn, đi làm đầu bếp tại một nhà hàng với đồng lương khiêm tốn, trong khi con gái anh chị đã tu nghiệp thạc sĩ ở nước ngoài, lương tháng của cháu cả ngàn đô la. Dù cha mẹ ngăn cản nhưng con gái vẫn quyết tâm lấy anh ta làm chồng.
Đúng là “cá không ăn muối’, sau ngày cưới nửa năm thì nhà hàng nơi con rể làm bị cháy, anh ta bị thương phải nằm nhà điều trị. Khi lành bệnh thì anh ta thành thất nghiệp. Thương con gái, vợ chồng chị cũng tìm cách xin việc cho con rể nhưng anh ta cứ nằng nặc phải làm công việc đúng chuyên môn nên tự mở một quán ăn bình dân khiến gia đình chị phải “muối mặt”.
Nhưng cũng chỉ được ít hôm thì quán ăn sập tiệm vì thua lỗ, nợ nần, từ đó con rể ở nhà để vợ nuôi. Con gái phải nai lưng ra nuôi chồng bất tài, thế mà con rể không biết điều, ngày càng quá quắt, xét nét gây sự với vợ.
Chị đã nhiều lần khuyên con gái ly hôn, hoặc trước mắt cứ về nhà cha mẹ ở để tránh xa anh chồng “của nợ” nhưng con gái không nghe, nó bảo “chúng con vẫn ổn mà, mẹ đừng tự làm khổ mình vì lo lắng thái quá cho con nữa”.
Thương con đứt ruột mà chị không biết làm gì để “cứu” con, trường hợp này chị có thể yêu cầu tòa án giải quyết ly hôn cho con gái được không?
Về băn khoăn chị hỏi có quyền yêu cầu tòa án giải quyết cho con gái ly hôn hay không, Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam năm 2014 tại khoản 2 Điều 51 quy định:
“Cha, mẹ, người thân thích khác có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết ly hôn khi một bên vợ, chồng do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình, đồng thời là nạn nhân của bạo lực gia đình do chồng, vợ của họ gây ra làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tinh thần của họ.”
Đối chiếu với quy định trên thấy rằng con gái chị đang khỏe mạnh, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, cháu cũng không phải là nạn nhân của bạo lực gia đình ở mức nghiêm trọng nên vợ chồng chị không có quyền yêu cầu giải quyết ly hôn cho cháu.
Nghe tâm sự của chị, luật sư cảm nhận rõ tình yêu thương vô bờ bến, sự quan tâm hết mình của người mẹ với con gái. Trong mắt các bậc cha mẹ thì “Con dù lớn vẫn là con của mẹ/ Đi suốt đời tình mẹ vẫn theo con” như một nhà thơ từng viết. Nhưng dường như, sự quan tâm đã thái quá, lo lắng quá mức con nên nhầm tưởng rằng con gái đang gặp bi kịch hôn nhân cần phải “cứu”, trong khi thực tế con gái chị vẫn đang sống ổn và bằng lòng chấp nhận tình trạng hôn nhân hiện tại.
Thay vì nghĩ đến chuyện con gái phải ly hôn, chị hãy ủng hộ tình yêu và sự kiên định thủy chung của con gái khi “chớ thấy sóng cả mà ngã tay chèo”. Khó khăn trước mắt của các cháu chỉ là tạm thời thôi, rồi con rể sẽ tìm được việc làm, ổn định cuộc sống bằng tình yêu và sự nỗ lực của cả hai đứa. Chúc chị vui khỏe!.