Khó khăn hàng đầu theo các địa phương chính là việc xác nhận hoàn cảnh gia đình, chỗ ở điều kiện kinh tế của người nhận nuôi con nuôi được quy định tại khoản 5 Điều 17 Luật Nuôi con nuôi. Việc xác định như thế nào là có hay không có khả năng nuôi dưỡng của người nhận nuôi là một việc làm rất khó, chưa có quy định rõ ràng.
Đặc biệt, đối với người nhận nuôi là cô, dì, chú, bác… thì không yêu cầu phải đáp ứng điều kiện này nhưng thực tiễn nếu những người này không có đủ điều kiện về kinh tế, sức khỏe hay chỗ ở sẽ khó có cơ hội từ chối thực hiện việc đăng ký, còn nếu có đăng ký thì điều kiện đối với trẻ em được nhận nuôi khó được đảm bảo.
Bên cạnh đó, việc theo dõi trẻ em sau khi được nhận nuôi chưa đạt hiệu quả mong muốn như không nộp báo cáo về tình hình phát triển của trẻ hay chuyển khỏi nơi cư trú không báo cáo… song lại chưa có chế tài xử lý đối với các trường hợp không gửi báo cáo về tình hình của trẻ em sau khi được nhận làm con nuôi. Ngoài ra, chưa có cơ chế phối hợp giữa cơ quan y tế, công an trong việc xác định trẻ bị bỏ rơi như việc cấp giấy chứng sinh, thẩm tra, xác minh trẻ bị bỏ rơi…
Từ những bất cập trên, đại diện Phòng Tư pháp quận Tây Hồ (Hà Nội) kiến nghị, cần có quy định chi tiết cụ thể hơn về việc xác định điều kiện kinh tế của người nhận nuôi con nuôi cũng như sớm có hướng dẫn về việc chi kinh phí cho việc đi xác minh, thẩm định hồ sơ, theo dõi tình hình phát triển của trẻ em sau khi được nhận nuôi.
Hơn nữa, khi làm thủ tục đăng ký nuôi con nuôi, cần có quy định chặt hơn đối với các đối tượng có hộ khẩu trên địa bàn nhưng thực tế không cư trú thường xuyên. Không những thế, nên sớm có chế tài xử lý các trường hợp không gửi báo cáo về tình hình của trẻ sau khi được nhận làm con nuôi và trường hợp đã nhận con nuôi thì sau bao lâu mới được chuyển khỏi nơi đã làm thủ tục đăng ký để có thể theo dõi được tình hình của trẻ được nhận làm con nuôi.
Đại diện Sở Tư pháp TP HCM thì đề xuất xây dựng cơ chế phối hợp giữa các ban, ngành tại địa phương trong công tác giải quyết việc nuôi con nuôi và các công tác khác có liên quan (đăng ký khai sinh, hộ khẩu cho trẻ em được nhận làm con nuôi…), đảm bảo sự kịp thời thông tin về các trường hợp trẻ em bị bỏ rơi để tiến hành các thủ tục liên quan. Đồng thời cần tăng cường kiểm tra trong tất cả các khâu nhằm bảo đảm việc giải quyết nuôi con nuôi đúng trình tự, thủ tục, tránh tình trạng mua bán trẻ em, xâm hại quyền và lợi ích của trẻ.