Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, tại nhiều nơi vẫn còn tình trạng coi thường và đánh giá thấp phụ nữ, nhất là ở nông thôn. Do vậy, thời gian tới, Bộ LĐ-TB&XH sẽ ưu tiên thực hiện các giải pháp tạo việc làm mới, phù hợp trong bối cảnh kinh tế mới giúp lao động nữ nâng cao thu nhập, nâng cao vị thế.
Từ kết quả khảo sát, nghiên cứu, nhóm thực hiện đề tài “Thực trạng và đề xuất chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn” của Trung ương Hội LHPN Việt Nam cũng đưa ra một số kiến nghị, đề xuất ban đầu về chính sách thai sản cho phụ nữ nông thôn hiện nay. Trong đó đáng chú ý là đề xuất về một số hình thức hỗ trợ phụ nữ nông thôn khi sinh con đúng chính sách; hình thành Quỹ hỗ trợ thai sản dựa vào xã hội hoá. Việc xây dựng Quỹ hỗ trợ thai sản nên dựa vào cộng đồng, trong đó có một phần sự hỗ trợ của nhà nước và nên hướng tới tất cả các đối tượng phụ nữ trong độ tuổi sinh con, gắn với mô hình bảo hiểm vi mô, các mô hình hiện có của Hội LHPN Việt Nam.
Quỹ hỗ trợ thai sản dựa vào xã hội hoá là điều nên nghĩ tới. Nhưng cũng phải thẳng thắn nhìn nhận một thực tế rằng, để có được quỹ này còn cả một chặng đường dài phía trước. Do đó, trước hết cần phải đi những “chặng đường ngắn” để nhanh chóng xóa bỏ dần sự thiệt thòi cho phụ nữ nông thôn như: hỗ trợ phụ nữ mang thai tại nông thôn bằng cách miễn hoặc giảm một phần chi phí khi sinh con tại cơ sở y tế, hỗ trợ một khoản tiền cho mẹ và bé khi sinh, hỗ trợ chăm sóc y tế, bổ sung chính sách thai sản đối với các trường hợp tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện (hiện nay tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện mới chỉ có quy định về lương hưu và chế độ tử tuất).
Bên cạnh đó, đề xuất chính sách đối với một số đối tượng phụ nữ nông thôn hẹp hơn, khả thi hơn như hỗ trợ thai sản đối với phụ nữ nông thôn nghèo, cận nghèo cũng là điều nên làm và làm ngay./.