Dừng khuyến mãi 50% thẻ nạp
Cụ thể, tổng giá trị tối đa dùng để khuyến mại trong một chương trình khuyến mại cho thuê bao dịch vụ thông tin di động trả trước không được vượt quá 20% tổng giá trị của dịch vụ thông tin di động, hàng hóa viễn thông chuyên dùng đối với dịch vụ thông tin di động được khuyến mại. Nhưng với thuê bao dịch vụ thông tin di động trả sau thì không được vượt quá 50%.
Như vậy, mức khuyến mại đối với thuê bao di động trả trước giảm tới 30% so với quy định cũ; còn với thuê bao di động trả sau, mức khuyến mãi được giữ nguyên.
Đại diện Bộ TT&TT giải thích, các nội dung trong Thông tư 47 nhằm mục đích bảo đảm cạnh tranh lành mạnh trên thị trường dịch vụ viễn thông di động. Cùng với đó là việc đảm bảo an toàn, an ninh xã hội, bảo đảm quyền lợi cho người sử dụng và thúc đẩy, khuyến khích khách hàng sử dụng thuê bao trả sau, hạn chế các cuộc gọi rác, tin nhắn rác.
Cũng theo Bộ TT&TT, thuê bao trả sau là nhóm khách hàng trung thành, cung cấp chính xác, đầy đủ thông tin cho nhà mạng khi đăng ký dịch vụ nhưng lại ít được hưởng chính sách khuyến mãi.
Tại Thông tư 47, cơ quan này cũng yêu cầu các doanh nghiệp viễn thông phải lên kế hoạch hướng dẫn khách hàng chuyển đổi từ thuê bao trả trước sang trả sau nhanh gọn, đơn giản nhất có thể đồng thời thực hiện quy định về hạn mức khuyến mại.
Thực tế nhiều năm trở lại đây, loại hình thuê bao trả trước nhận được nhiều ưu đãi từ nhà mạng, dẫn tới phát sinh tình trạng sim rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác. Trong khi các thuê bao trả sau chịu nhiều thua thiệt do điều kiện ràng buộc phức tạp hơn. Quy định hạn mức khuyến mãi như đã nêu còn nhằm hạn chế tình trạng các nhà mạng đua nhau thu hút thuê bao trả trước đăng ký mới, khuyến mãi lớn cho thuê bao trả trước để cạnh tranh không lành mạnh.
Ngày 28/2 - một ngày trước thời điểm “khống chế” mức khuyến mại trên - cả 3 nhà mạng đã cùng khuyến mãi lần cuối 50% giá trị thẻ cào cho đại đa số thuê bao trả trước (riêng Vinaphone chỉ khuyến mại cho thuê bao nhận được tin nhắn).
Điều này đã dẫn đến lượng thẻ nạp bán ra tăng 4 – 6 lần so với ngày thường, nhiều nơi “cháy” thẻ nạp. Hàng nghìn người đã đổ xô đi mua thẻ nạp điện thoại, khiến các địa điểm bán thẻ cào gần như ở mức quá tải, một số điểm thậm chí còn cạn thẻ cào và phải đặt hàng thêm số lượng lớn thẻ cào.
Bất cập, có dấu hiệu trái luật
Có thể nói, đây không phải là lần đầu mức khuyến mãi tối đa cho thuê bao trả trước bị siết chặt. Đã có thời điểm bùng nổ của viễn thông di động, mức khuyến mãi cho thuê bao trả trước được thả nổi và từng lên tới 200% tại nhiều nhà mạng, sau đó bị siết về 50% để tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, nhưng tình trạng sim rác, tin nhắn rác và cuộc gọi rác vẫn còn. Với lý do này, mức khuyến mãi cho thuê bao trả trước tiếp tục giảm xuống còn 20%.
Nhiều người sử dụng đã thể hiện bức xúc về sự thay đổi này và cho biết các nhà mạng không khuyến mãi họ vẫn sử dụng dịch vụ trả trước vì kiểm soát tốt chi phí, bởi dịch vụ trả sau dễ gặp rủi ro do phát sinh chi phí “bất ngờ” trong hóa đơn cuối tháng. Sim rác, tin nhắn rác hầu hết là của tổng đài nhà mạng. Khuyến mãi có lợi cho khách hàng, tại sao lại cấm? Và khi giảm còn 20% thì liệu sim rác, tin nhắn rác có hết không?
Thậm chí nhiều người còn cho rằng, các nhà mạng sẽ không được gì khi các đối tượng muốn nhắn tin rác dùng sử dụng điện thoại thông minh và nhắn bằng hình thức khác.
Đánh giá giải thích của Bộ TT&TT, một số chuyên gia pháp lý nhìn nhận những lý do này chưa thật sự thuyết phục bởi lẽ chủ thuê bao trả trước hay chủ thuê bao trả sau đều là khách hàng, là người tiêu dùng, người sử dụng dịch vụ của nhà mạng, đều phải đăng ký thông tin, đều phải trả tiền để sử dụng dịch vụ nên phải được đảm bảo quyền lợi công bằng theo quy định của pháp luật.
Mặt khác, theo khoản 4 Điều 94 Luật Thương mại, Chính phủ quy định cụ thể hạn mức tối đa về giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, mức giảm giá tối đa đối với hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại mà thương nhân được thực hiện trong hoạt động khuyến mại.
Hướng dẫn khoản 4 Điều 94 Luật Thương mại, Điều 5 Nghị định số 37/2006/NĐ-CP ngày 4/4/2006 của Chính phủ quy định chi tiết Luật Thương mại về hoạt động xúc tiến thương mại đã quy định về hạn mức tối đa về giá trị hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại.
Theo đó, giá trị vật chất dùng để khuyến mại cho một đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại không được vượt quá 50% giá của đơn vị hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại đó trước thời gian khuyến mại; tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại mà thương nhân thực hiện trong một chương trình khuyến mại không được vượt quá 50% tổng giá trị của hàng hóa, dịch vụ được khuyến mại.
Luật sư Kiều Anh Vũ (Đoàn Luật sư TP HCM) phân tích, hạn mức khuyến mại đã được quy định tại Luật Thương mại và Nghị định 37/2006/NĐ-CP với hạn mức là 50%. Hai văn bản quy phạm pháp luật này có hiệu lực pháp lý cao hơn so với Thông tư 47/2017/TT-BTTTT. Do đó, Thông tư 47/2017/TT-BTTTT đưa ra hạn mức khuyến mại đối với thuê bao di động trả trước chỉ đến 20% là có dấu hiệu trái Luật Thương mại, trái Nghị định 37.
“Việc xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật phải đảm bảo tính thống nhất, đồng bộ, hợp pháp. Thông tư không thể quy định “vượt rào” và “giảm thiểu” so với quy định của nghị định và của luật” - ông Vũ nêu quan điểm.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, theo Luật Viễn thông, Bộ TT&TT có thẩm quyền quản lý giá cước viễn thông nên việc khống chế hạn mức khuyến mãi cho các thuê bao di động nói chung là thuộc thẩm quyền của Bộ.
Có điều, việc khống chế khuyến mãi của các mạng đối với thuê bao trả trước thấp hơn nhiều so với thuê bao trả sau để gây sức ép người dùng chuyển qua sử dụng thuê bao trả sau không phải là cách quản lý tốt, mà nó đi ngược lại với cơ chế thị trường.
Bất luận thế nào, việc ban hành một chính sách phải được đánh giá tác động kỹ lưỡng, không chỉ bảo đảm tính hợp hiến, hợp pháp mà còn phải bảo đảm cả tính hợp lý, mang lại lợi ích thiết thực cho người dân.
Trước các ý kiến trái chiều, đại diện Cục Kiểm tra văn bản quy phạm pháp luật (Bộ Tư pháp) cho biết đã có buổi làm việc với đại diện một số bộ, ngành liên quan để xem xét Thông tư 47 và báo cáo Lãnh đạo Bộ Tư pháp.