Lỗi tại ông cán bộ lãng tai
Bà Đinh Thị Toàn (68 tuổi, ngụ tổ 7, Thị trấn Đắk Mâm, huyện Krông Nô, tỉnh Đắk Nông) đã bán cho anh Nguyễn Văn Định (SN 1971, ngụ thôn Đắk Vượng, cùng thị trấn) một cây cảnh. Hai bên vốn là chỗ quen biết. Anh Định làm nghề tạo dáng cây cảnh, thấy bà Toàn có cây đa búp đỏ trồng trước sân, có dáng tương đối đẹp nên hỏi mua với giá 7 triệu đồng.
Ngày 10/8/2012, bà Toàn bán cây đa búp đỏ này cho anh Định với giá như trên, đồng ý cho trả trước 3 triệu đồng, số còn lại khi nào đến đánh cây sẽ trả hết. Hai bên cùng ký kết một “hợp đồng mua bán cây cảnh” có sự chứng kiến của chồng và con trai người bán.
Trong hợp đồng có ghi rõ, khi anh Định chưa đánh cây về, gia đình bà Toàn phải có trách nhiệm trông nom, nếu mất phải bồi thường gấp ba lần số tiền đã mua là 21 triệu đồng.
Vài ngày sau, anh Định đã đem tiền trả nốt, cũng có chồng con bà Toàn chứng kiến. Mua bán xong xuôi nhưng anh Định lại chưa có điều kiện chở cây về nên tạm thời để lại nhờ bà Toàn bảo quản giúp, trong lúc chờ thuê được máy múc cây và xe chở.
Cùng thời gian này, thị trấn đang phát động phong trào hiến tặng cây xanh. Khoảng 15h ngày 18/8/2012, khi gia đình bà Toàn không có ai ở nhà, ông Huỳnh Long Quốc, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Đắk Mâm, đi cùng một số cán bộ thị trấn mang theo xe chở và máy vào múc cây đa ở sân bà Toàn, mang về trồng ở bờ hồ công cộng của huyện, trước đó không hề hỏi ý kiến gia đình.
Khi về nhà thấy cây đã nằm ngay ngắn trên xe, chủ nhà tưởng người mua cây đã cho phép múc cây nên không hỏi gì thêm.
Ngày hôm sau khi đi ngang không thấy cây đâu, anh Định chạy vào hỏi, lúc này bà Toàn mới tá hỏa là bị mất cây, liền điện thoại hỏi ông Phó Chủ tịch thị trấn. Ông này trả lời: “Bà Toàn cho thì tôi đánh”, rồi cúp máy. Lần thứ hai vị này nói: “Do lệnh của chính quyền tổ 7 cho đánh cây”.
Hỏi tại sao không hỏi ý kiến chủ nhà, ông này trả lời do cán bộ văn hóa thị trấn nói bà Toàn đã đồng ý. Khổ nỗi, ông cán bộ văn hóa này bị nghễnh ngãng nên “nghe gà hóa vịt”, nghe bà Toàn nói đã bán cây cho anh Định rồi, lại tưởng bà đồng ý hiến cây nên báo tin cấp trên.
Dọa kỷ luật, cắt thi đua vì… đòi cây
Ngay ngày hôm sau, 19/8/2012, bà Toàn và anh Định cùng viết đơn phản ánh ủy ban thị trấn nhưng sự việc không được giải quyết. Sau đó nhiều ngày, hai người thường xuyên lên gặp cán bộ thị trấn yêu cầu giải quyết. Vẫn chưa xong.
Bà Toàn kiên quyết không nhận lại cây vì như thế là phá vỡ hợp đồng với anh Định. |
Ngày 5/9/2012, trong lần hòa giải thứ nhất, lãnh đạo thị trấn nêu quan điểm “không phải cây của anh Định, cây đang nằm trên đất của bà Toàn thì là cây của bà Toàn”. Hơn nữa, cây không được cấp giấy phép của Kiểm lâm và hợp đồng mua bán cây không có xác nhận của Ủy ban thị trấn nên không chấp nhận.
Bà Toàn phản đối vì cây đa do bà trồng từ khi còn bằng ngón tay, chăm bẵm mấy năm trời mới lớn được như vậy.
Lần thứ hai hòa giải vào ngày 15/10/2012, lãnh đạo thị trấn còn dọa sẽ kỷ luật Đảng anh Định vì “tội” viết đơn sai sự thật, có ý đồ bôi nhọ cán bộ, yêu cầu thành khẩn nhận lỗi. Còn bà Toàn, nếu không chịu nhận cây sẽ xét trừ điểm gia đình văn hóa; đồng thời cắt khen thưởng Chi hội Người cao tuổi do bà làm Chi hội trưởng; bản thân bà cho dù phấn đấu thành tích tốt cũng sẽ không được khen thưởng.
Lần giải quyết thứ ba, ngày 7/11/2012, lãnh đạo thị trấn lại nêu ba phương án, buộc bà Toàn phải đồng ý một trong ba. Thứ nhất, sẽ trả cây về vị trí cũ cho bà, nhờ bà chăm sóc trong mùa khô và trả tiền công chăm sóc; thứ hai, đầu mùa mưa sẽ trả về vị trí cũ; thứ ba, mua lại cây của bà với giá 3 triệu đồng. Bà Toàn nhất quyết không đồng ý cả ba phương án.
Sau đó một tháng, bà được mời riêng lên thị trấn làm việc. Nội dung cũng đề nghị bà suy nghĩ, lựa chọn lại một trong ba cách trên. Bà này vẫn lắc đầu, lý do: Nếu đồng ý nhận cây thì hiển nhiên hợp đồng mua bán giữa bà và anh Định không tồn tại. Rắc rối ở chỗ, như thế, bà và anh Định sẽ mắc tội vu khống cán bộ, vì trước đó hai người đã gửi đơn kiện lên cấp huyện.
Hơn nữa, cây đa của bà khi bán cho anh Định thì cao và đẹp, khi rơi vào tay những người không có kiến thức về cây cảnh, họ đã cưa ngang cây làm mất giá trị. Mức giá 3 triệu đồng họ đề nghị chưa bằng một nửa số tiền thực tế bà bán cho anh Định. Nếu bị anh bắt đền 21 triệu đồng như trong hợp đồng thì bà không có tiền trả.
Vì vậy, bà nhất quyết cho rằng, cây này đã bán xong cho anh Định, nên yêu cầu ủy ban thị trấn giải quyết với anh này, giá cả bao nhiêu, tặng cho thế nào đều là quyền ở anh. Tuy nhiên, ủy ban thị trấn giữ nguyên quan điểm “múc cây ở nhà ai thì trả về nhà đó”.
Về phía anh Định, cho rằng đã trả xong tiền cho bà Toàn nên giờ cây đó thuộc quyền sở hữu của anh. Phía chính quyền chỉ cần nhận lỗi và nói “hợp tình, hợp lý”, có thể anh sẽ hiến tặng luôn cây này. Nhưng chính quyền lại nhất quyết không nhận sai.
Ai chịu trách nhiệm giải quyết chuyện cây đa?
Không thỏa mãn với cách giải quyết của thị trấn, hai người lại về làm đơn kiến nghị lên cấp huyện. Đến bây giờ sự việc vẫn chưa được giải quyết xong. Mỗi lần anh Định lên Huyện ủy huyện Krông Nô hỏi đều được trả lời “đã chuyển đơn của anh về Ủy ban thị trấn Đắk Mâm để giải quyết”. Nhưng phía Ủy ban thị trấn lại nói “vì anh đã chuyển đơn lên trên nên chúng tôi không có trách nhiệm nữa”.
Sự việc tưởng như đơn giản nhưng gần hai năm nay vẫn chưa được giải quyết. Cây đa búp đỏ giờ nằm ở bờ hồ công cộng, vẫn chưa được xác định thuộc quyền sở hữu của ai? Còn bà Toàn và anh Định thì khốn khổ, mất thời gian công sức khiếu nại, còn bị dọa kỷ luật Đảng, cắt thi đua…
Anh Định sẵn sàng tặng cây nếu thị trấn nhận lỗi. |
Anh Định tâm sự, số tiền 7 triệu đồng anh bỏ ra mua là có thật, điều đó đã được thể hiện trong hợp đồng và dưới sự chứng kiến của những người trong gia đình bà Toàn, nhưng lại không được chính quyền công nhận.
Anh là Đảng viên, làm công tác phong trào thôn, từ trước tới nay luôn gương mẫu, chấp hành các chủ trương, chính sách của chính quyền. Nhưng sự việc lần này không được giải quyết thỏa đáng khiến anh rất bất bình. “Bình thường thì không sao, mỗi lần đi ngang qua cây đa, tôi lại thấy bực mình”, anh nói.
Bà Toàn cũng có mấy chục năm làm công tác xã hội, nguyên là Chủ tịch Hội phụ nữ thị trấn Đắk Mâm. Nay tuổi đã cao nhưng bà vẫn luôn xông xáo trong công tác ở địa phương, hiện là Chi hội trưởng Chi hội người cao tuổi, Phó Ban công tác mặt trận xã. Hai năm qua, Chi hội của bà cũng không được khen thưởng gì chỉ vì chuyện cái cây đa.
Cuối cùng, “cuộc chiến” vẫn chưa ngã ngũ, những người liên quan đều ấm ức muốn được giải quyết nhưng không biết gõ cửa cơ quan chức năng nào?
Ý kiến luật sư
Vụ việc trên chỉ được giải quyết triệt để khi khởi kiện dân sự ra tòa án. Tại thời điểm cây bị mất thì cây vẫn thuộc quyền chiếm hữu hợp pháp của bà Toàn (Quyền chiếm hữu là quyền nắm giữ, quản lý tài sản theo quy định tại Điều 182 Bộ luật Dân sự). Việc UBND cho người đến lấy cây khi chưa có sự đồng ý của bà Toàn là hành vi trái luật.
Do đó, UBND phải có nghĩa vụ hoàn trả cho bà Toàn theo quy định tại Khoản 1 Điều 599 Bộ luật Dân sự: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp tài sản đó”.
Căn cứ diễn biến vụ việc, thì bà Toàn cần khởi kiện UBND ra tòa án vì hành vi chiếm hữu, sử dụng tài sản của người khác không có căn cứ pháp luật. Khi đó, tư cách tham gia vụ kiện của các bên như sau: Bà Toàn là nguyên đơn, UBND là bị đơn, ông Định là người có quyền, lợi ích liên quan.
Một tình tiết phát sinh là sau khi cây bị lấy đi mất thì giá trị của nó không còn nguyên vẹn do đã bị UBND cưa ngang. Trách nhiệm bồi thường cho ông Định trong trường hợp này trước tiên thuộc về bà Toàn theo thỏa thuận tại hợp đồng.
Nếu bị yêu cầu bồi thường, bà Tòa có quyền yêu cầu UBND hoàn lại số tiền mà bà phải bồi thường cho ông Định. Căn cứ bà Toàn yêu cầu UBND phải bồi thường được quy định tại Khoản 1 Điều 604 Bộ luật Dân sự: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khoẻ, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường”.