Quan hệ mua bán “tay 3” bị “hình sự hóa”
Trong các năm 1999-2001, ông Hải (với cương vị là Chủ doanh nghiệp tư nhân (DNTN) chế biến thủy sản Bình Hưng, Phó Giám đốc Công ty TNHH Hải Bình) đã ký hợp đồng mua hải sản với một số doanh nghiệp dưới dạng “hợp đồng tay 3” (tức là có thêm sự tham gia của các cơ sở, đại lý có nguồn hải sản). Theo quy trình, bên mua hải sản sẽ đi cùng Cty “bên bán” xuống các cơ sở, đại lý để cùng kiểm tra hàng, thống nhất giá… rồi chuyển tiền (một phần tiền sẽ được trả ngay cho cơ sở, đại lý). Chủ cơ sở, đại lý sẽ lập bảng kê và nộp thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng (GTGT); còn bên bán có trách nhiệm xuất hóa đơn GTGT và giám sát việc vận chuyển hàng đến giao tại kho bên mua.
Quan hệ mua bán “tay 3” (hàng xuất thẳng, không qua kho bên bán) này đã được Hội đồng giám định (HĐGĐ) của Bộ Tài chính xác định là “phương thức mua bán, giao nhận mang tính phổ biến của các đơn vị kinh doanh hàng nông sản, hải sản xuất khẩu…”. Thế nhưng, Cơ quan điều tra (CQĐT) Công an TP.Hồ Chí Minh lại không thừa nhận quan hệ mua bán đặc thù này và khăng khăng rằng ông Hải mua hải sản của cơ sở, đại lý nhưng ký hợp đồng thông qua một Cty “bên bán” như trên là mua bán “khống” để có hóa đơn GTGT nhằm xin hoàn thuế (6,8 tỷ) và khấu trừ thuế (18,6 tỷ). Vì vậy, cơ quan này đã khởi tố, bắt giam ông Hải về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “Trốn thuế”.
Tuy nhiên, qua 6 lần điều tra bổ sung và 4 lần trưng cầu giám định về thuế, cơ quan tòa án vẫn không đủ cơ sở để kết tội ông Hải về hai tội danh trên. Đến tháng 5/2012, Cơ quan Cảnh sát điều tra (CSĐT) Công an TP.Hồ Chí Minh đã phải ra quyết định đình chỉ vụ án, đình chỉ bị can đối với ông Hải. Với chứng cứ trong vụ án thì lẽ ra ông Hải phải được đình chỉ bị can do “hành vi không cấu thành tội phạm” thì ông này lại bị CQĐT cho rằng “hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự (TNHS)” (đối với tội “Trốn thuế”).
Bất chấp Kết luận giám định
Trước việc đình chỉ này, một số chuyên gia pháp lý đều có quan điểm cho rằng thời gian tiến hành tố tụng không thể được trừ vào thời gian để tính thời hiệu truy cứu TNHS cho bị can; không thể đánh đồng giữa thời hạn tố tụng và thời hiệu truy cứu TNHS được. Điều này có nghĩa, phải coi thời điểm truy cứu TNHS đối với ông Hải là vào tháng 7/2004 (thời điểm khởi tố vụ án) chứ không thể lùi về sau được. Như vậy thì lúc đó, nếu có hành vi “trốn thuế” thì ông Hải vẫn chưa hết thời hiệu để có thể thoát khỏi việc xử lý của CQĐT. Điều này đồng nghĩa với việc Cơ quan CSĐT không thể lấy lý do “hết thời hiệu” để ra Quyết định đình chỉ vụ án trên.
Cho đến nay, bản thân ông Hải cũng không bằng lòng với việc đình chỉ vụ án này mà liên tục có đơn gửi đến các cơ quan tiến hành tố tụng và lãnh đạo Đảng, Nhà nước đề nghị được “phục hồi điều tra” theo Điều 165 Bộ luật Tố tụng Hình sự (bị can được yêu cầu điều tra lại trong trường hợp vụ án đã đình chỉ điều tra với lý do “hết thời hiệu truy cứu TNHS” hoặc “tội phạm được đại xá”). Ông Hải cho rằng bị khởi tố, bị bắt giam oan mà CQĐT không thừa nhận việc oan, sai này thì cần có cơ quan tòa án xem xét và phán quyết về sự oan sai này, đảm bảo công bằng, đảm bảo quyền công dân và đúng Hiến pháp.
Một trong những chứng cứ quan trọng thể hiện ông Hải không trốn thuế, bị oan sai trong vụ án này là Kết luận giám định (KLGĐ) của hàng loạt HĐGĐ khác nhau (do chính CQĐT trưng cầu) giám định. Đầu tiên là vào năm 2005, HĐGĐ kết luận: “DNTN Bình Hưng thực tế có hàng hóa thủy sản mua vào nhập kho và có bán xuất khẩu và bán nội địa (không phải mua khống, bán khống), thực hiện đầy đủ chế độ hóa đơn, chứng từ, áp dụng đúng thuế xuất GTGT, hạch toán đúng doanh thu bán ra, đã kê khai nộp thuế đầu vào, đầu ra theo quy định… DNTN Bình Hưng không có hành vi trốn thuế và là đối tượng được hoàn thuế GTGT”.
Tiếp đó, năm 2007, HĐGĐ của Bộ Tài chính cũng kết luận: “Việc mua bán hàng hóa của DNTN Bình Hưng là có hợp đồng mua bán, có hóa đơn GTGT, có biên bản thanh lý hợp đồng, có kê khai nộp thuế theo quy định…; chưa có đủ căn cứ xác định việc mua bán hàng hóa nêu trên giữa các đơn vị là mua bán hóa đơn GTGT không có hàng hóa đi kèm”; “chưa đủ cơ sở để xác định 223 hóa đơn GTGT của các đơn vị xuất cho Cty Hải Bình là hóa đơn xuất khống. Chưa có cơ sở để xác định ông Hải mua 216 hóa đơn khống để được khấu trừ thuế GTGT đầu vào”; “khi mua hàng, Cty Hải Bình đã trả đủ tiền hàng và tiền thuế theo hóa đơn. Các hóa đơn bán hàng đều được bên bán kê khai nộp thuế GTGT đúng quy định thì Cty Hải Bình được khấu trừ thuế đầu vào. Qua các khâu kê khai nộp thuế GTGT của cả hai bên (bên mua và bán) cho thấy Nhà nước chưa bị thất thu thuế GTGT…”.
Cho đến nay, đại diện Bộ Tài chính vẫn khẳng định những nội dung giám định trên là kết luận chính thức. Theo quy định của Bộ luật Tố tụng Hình sự thì KLGĐ là một nguồn chứng cứ quan trọng, cần được tôn trọng khi xem xét, đánh giá hành vi của ông Hải là tội phạm hay không phải tội phạm. Bản thân Điều tra viên cũng không phải là chuyên gia về thuế và chính vì điều này nên CQĐT mới phải trưng cầu giám định của các cơ quan chuyên môn. Vậy mà khi đã có KLGĐ thì CQĐT lại bất chấp và đi ngược lại nội dung KLGĐ mà khăng khăng rằng ông Hải đã “trốn thuế”. Chỉ đến khi cơ quan Tòa án không thể kết tội được đối với ông Hải thì CQĐT mới buộc phải “đình chỉ vụ án” và “lách” trách nhiệm của mình bằng lý do “hết thời hiệu” một cách vô lý như trên?
Được biết, ông Hải đã có đơn đề nghị Quốc hội đưa vụ án này vào nội dung giám sát tình hình oan, sai trong hoạt động tố tụng hình sự và việc bồi thường thiệt hại cho người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong năm 2015. PLVN sẽ theo dõi và thông tin tiếp vụ việc này.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com