Chợ… đàn bà
0h, khi nhà nhà, người người vẫn còn chìm say trong giấc ngủ sâu, thì ở đâu đấy xa xa trong những căn nhà Hội An vẫn thấy le lói những ánh đèn điện. Họ thức dậy để chuẩn bị hành trang cho một ngày mới mưu sinh. Một chiếc nón cời, mội cái đèn pin, một đôi dép lào, một bình nước chè và một cái cân là tất cả hành trang mà bất kể người phụ nữ nào cũng phải chuẩn bị trước khi rời nhà.
Chuông chùa điểm canh 1 cũng là lúc họ vội vã rời nhà với những giỏ hàng đầy ắp trên xe máy, nhanh chân kịp có mặt tại chợ sớm cầu Cẩm Nam. Chợ chỉ họp 3 - 4 tiếng đồng hồ, bắt đầu từ 1h đến 4 - 5h là tan. Thời điểm đông đúc và sầm uất nhất là khoảng 3h.
Những người phụ nữ buôn bán ở ngôi chợ này hầu hết là các bà, các mẹ, tuổi trung niên trở lên. Theo các bà quan niệm, nghề buôn bán thông thường phải “có tuổi một xíu” (lớn tuổi – PV) thì mới trụ lâu với nghề và mua may bán đắt được.
“Chợ bao nhiêu tuổi là già bấy nhiêu năm tuổi nghề. Nói hơi quá chứ già cũng 25 năm mưu sinh nơi đây rồi đấy. Ngày xưa chỉ là ngôi chợ cóc ra đời từ những năm cuối thập niên 80 của thế kỷ trước với những hàng quán nhỏ thôi. Về sau, do nhu cầu, chợ mới nhộn nhịp như nay…”, bà Tư, một tiểu thương bán rau nơi đây, tâm sự.
Anh Cường, thợ chụp ảnh ở Hội An, cho hay: “Chợ này lạ lắm. Chợ chỉ bán từ sáng sớm đến 5h là vắng tanh. Chợ chỉ toàn phụ nữ…. Và quán cà phê nhỏ này mọc lên ngay tại chợ chỉ phục vụ cho phiên chợ sớm, chợ tan thì quán cũng nghỉ. Đối tượng quán phục vụ chủ yếu là những ông chồng ngồi đợi vợ mà thôi”.
“Chợ quê chính hiệu”
Phiên chợ sớm cầu Cẩm Nam dành cho phụ nữ nằm án ngữ ngay trên ngã tư Phan Bội Châu - Hoàng Diệu. Ngôi chợ này chuyên mua bán những sản vật “chân quê” nhưng từ lâu đã trở thành thương hiệu của phố cổ Hội An. Chắc hẳn rau Trà Quế, bắp nếp Cẩm Nam, hến Cẩm Nam, tôm sông Hoài,… khi nhắc đến ai ai cũng nghĩ đến Hội An. Nhưng có ai biết rằng, những đặc sản lừng danh này đều có mặt tại chợ sớm cầu Cẩm Nam, và được mua bán trao đổi về bỏ cho các quán ăn, nhà hàng ở Hội An.
Không gian dành do rau xanh, củ quả của làng rau Trà Quế luôn được xem là mặt hàng “sốt” trong các buổi chợ sớm nơi đây. Mặt hàng này luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của không những lái buôn mà cả người dân địa phương vì thương hiệu “xanh - sạch - an toàn” của nó.
Rau xanh được người dân Trà Quế thu hoạch chiều ngày hôm trước. Sau công đoạn nhặt từng lá sâu úa, rửa sạch rồi mới bó thành từng bó vừa vặn. Không như các nông sản khác thường cân theo ký để bán, rau thường được bán theo chục, thành từng tá (12 bó rau). Một số thứ khác từ làng rau không bó được như rau bạc hà, rau thơm, củ hành, nén,… thì theo ký tính tiền.
Những người chồng ngồi quán cà phê đợi tan chợ để chở vợ về. |
Bắp nếp của người dân phường Cẩm Nam cũng được bày bán phổ biến trong một khu vực riêng. Bắp nếp Cẩm Nam được cho vào những bao tải lớn cân ký để bán. Bắp nếp Cẩm Nam không những mềm, trắng, chắc hột mà còn giữ được vị ngọt đặc trưng khó nhầm lẫn.
Từ trái bắp nếp còn tươi, người dân có thể sáng tạo ra vài chục món ăn (thậm chí nhiều hơn nữa) khác nhau, như: bắp nấu, bắp luộc, bắp nướng, bắp rang, bắp ngồ, chè bắp, xôi bắp, sữa bắp, ram bắp…
Cùng với rau củ quả, bắp nếp, hến sông Hoài phố Hội luôn là mặt hàng không thể thiếu ở ngôi chợ này. Mặt hàng này luôn đến sớm hơn so với các mặt hàng khác bởi nét đặc thù riêng của nó. Ngoài hến con đã tinh lọc sẵn, những người phụ nữ này khi đến đây con phải múc nước hến chia vào những túi ni-lông để bỏ kèm cho khách khi mua hến. Khâu phân loại này phải tốn mất 1/3 thời gian họp chợ.
Và chợ sớm cầu Cẩm Nam sẽ không trọn vẹn khi thiếu món hàng cá, tôm sông Hoài. Đây cũng là sản vật luôn “hot” tại ngôi chợ này. Cá, tôm ở ngôi chợ này tươi rói. Người dân phố Hội phải trắng đêm khai thác. Sau khi khai thác xong họ đem ngay ra chợ bán. Vì vậy, mà sáng sớm, người dân từ khắp mọi nơi đổ về mua tôm cá sông Hoài…
Bà Hồ Thị Năm (72 tuổi, người dân khu phố Thạch Đông, phường Cẩm Nam, TP.Hội An) đã có hơn 20 năm mưu sinh tại ngôi chợ sớm Cẩm Nam vừa múc nước hến vào túi ni-lông vừa ngước mặt lên tếu táo nói: “Bao nhiêu năm à! Chắc cũng 20 năm rồi, mà có khi lâu hơn, bà không nhớ nữa. Cứ sáng sớm ra bán hến ở đây cũng kiếm được 50.000 -70.000 đồng, bữa nào “trúng mánh” (hên) lắm cũng kiếm được 100.000 đồng. Phải thức khuya dậy sớm miết cũng thấy quen rồi. Đó là những hoạt động thường nhật, nếu bữa nào nghỉ buồn lắm”.
Đồng tiền mồ hôi
Chợ lâu đời, đông đúc và chỉ dành cho phụ nữ nhưng mấy chục năm qua chưa có vụ cãi vã hay xô xát lớn nào xảy ra. Chị em sống với nhau bằng tình cảm, nhường cơm sẻ áo. Chợ đông hay vắng, ế ẩm hay bán đắt cũng đều hỏi thăm nhau đôi lời, thậm chí còn nói cười giòn tan.
Nhiều chị em còn tâm sự rằng, nghỉ một hai buổi không sao nhưng nghỉ nhiều quá cùng thấy chán, thấy buồn. “Vì dù sao đến chợ tuy buôn bán vất vả, giang sương, “đội mưa” nhưng được gặp chị em trò chuyện cũng thấy vui vẻ, phấn chấn hẳn lên”, cô Hồng tâm sự.
Khi chúng tôi đưa mắt nhìn những khuôn mặt phờ phạc, ngóng trông đợi khách của các bà, các mẹ, bà Hoa, một người đã có thâm niên nửa đời người ở chợ này mưu sinh bằng nghề bán cá tôm, miệng vừa mời khách vừa nói: “Rứa đó, chị em rứa đó, chớ không sao đâu. Dù sao nhờ chợ này mà hàng chục năm qua đã nuôi sống cả nhà. Không những các con có cái ăn, cái mặc mà còn được ăn học đàng hoàng. Nay thời buổi có khó khăn, thức khuya dậy sớm có vất vả, nhưng nghỉ cũng tiếc lắm...”.
Ngày xưa, cách đây chừng 25 năm, khi tuyến phố Hoàng Diệu - Phan Bội Châu chưa phát triển, chưa có điện đường chiếu sáng, người dân phố Hội phải thắp những cây đèn dầu, đèn cầy để họp chợ. Nhưng nay những ngày điện đường cúp, người dân vẫn họp chợ, dùng đèn cầy để thắp bán.
Nhìn những đồng tiền lẻ ít ỏi trên đôi tay run rẩy sau một đêm trắng mưu sinh của các chị em chợ này mà thấy quý giá biết chừng nào. Hơn ai hết, các chị em luôn biết trân trọng những đồng tiền mồ hôi nước mắt của mình vất vả kiếm được. Ngoảnh mặt quay đi mà lòng cứ bịn rịn, chợt thấy chạnh lòng trước những phận đời đàn bà mưu sinh nơi phố chợ đêm khuya này./.