Dưới đây là 5 Lễ hội Xuân đặc sắc nhất tại miền Bắc.
Trinh nữ rước kiệu xoay hội làng Thổ Khối
Những cô gái chân yếu tay mềm phải rất vất vả mới có thể giữ thăng bằng khi kiệu xoay |
Trong lễ hội làng Thổ Khối, để được chọn làm người rước kiệu Thánh Ông, Thánh Bà, các nam thanh, nữ tú được nhất định phải là đồng trinh.
Quãng đường rước "các ngài" từ đình làng Thổ Khối ra bến sông lấy nước rồi rước ngược về đình chỉ khoảng 2km, nhưng đoàn rước phải mất tới gần 2 giờ đồng hồ mới hoàn thành bởi cứ đi một đoạn ngắn kiệu lại xoay hoặc chạy ngược.
Trong trang phục truyền thống, những cô gái chân yếu tay mềm hay cả những chàng trai khỏe mạnh đã phải rất vất vả mới có thể giữ thăng bằng khi kiệu xoay theo một lộ trình đầy ngẫu hứng và không hề được báo trước. Những người già trong làng cho biết, khi kiệu xoay là "Thánh" đang vui.
Với người dân Thổ Khối, ngày hội làng có ý nghĩa chẳng kém gì ngày Tết nên những người con của làng, dù đi đâu, ở đâu, những ngày này đều cố gắng tề tựu đông đủ.
Hội rước “ông” lợn
“Ông” lợn của xóm nào to và đẹp nhất sẽ đạt giải nhất |
Lễ vật của mỗi xóm là một “ông” lợn to và đẹp nhất, được mổ và để nguyên con sau đó trang trí thật đẹp mắt, được đưa vào đình cúng tế và dự thi. Lễ cúng bắt đầu từ 20h30 cho đến đêm. “Ông” lợn của xóm nào to và đẹp nhất sẽ đạt giải nhất.
Như vậy là cả làng có đến hàng chục con lợn như thế lần lượt được rước ra đình, đi theo là các đội múa rồng, múa sư tử, đội nhạc lễ và nhiều các đội múa khác tháp tùng lễ vật.
Cướp chiếu cầu quý tử
Nhiều người tin vào lời tương truyền ai cướp được chiếc chiếu có gắn bó mạ xanh thì sẽ sinh con trai |
Lễ hội diễn lại các tích trò xưa, trong đó được quan tâm nhất là tích trò “Đúc Bụt”. Làng sẽ lựa chọn 3 thanh niên trai tráng tắm rửa sạch sẽ, trát bùn kín làm “Bụt”. Ông chủ tế dùng sợi dây buộc ngang chiếc chiếu cói để phần dưới chụp lên đầu mỗi ông “Bụt” một chiếc. Riêng “Bụt” đi giữa, trên đỉnh đầu, phần chiếu buộc phía trên có đặt một bó mạ xanh, sau đó, quan viên và dân làng làm lễ rước “Bụt” về đình.
Kết thúc trò diễn, nhân dân reo hò tranh cướp nhau 3 chiếc chiếu với hy vọng gặp nhiều may mắn. Lễ hội “Đúc Bụt” được tổ chức hàng năm, thể hiện khát vọng mưa thuận gió hòa, sinh sôi nảy nở. Nhiều người tin vào lời tương truyền ai cướp được chiếc chiếu có gắn bó mạ xanh thì sẽ sinh con trai nên những năm gần đây mới diễn ra cảnh tượng giằng co, tranh cướp nhau rất quyết liệt. Có lẽ vì thế mà người dân ở rất xa cũng lặn lội đến Phù Liễn dự hội cướp chiếu với hy vọng sinh được quý tử.
“Linh tinh tình phộc” – lễ hội có một không hai
Nghi thức mô tả lại sự giao hòa âm dương |
Đúng 0h, ngày 12 tháng Giêng, nghi lễ mật ở miếu Đụ Đị hay còn gọi là miếu Trò làng Trám, xã Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ chính thức được tiến hành. Trong nghi lễ mật này, đèn nến đều phải được tắt hết và một cặp vợ chồng sẽ hành thức mô tả lại sự giao hòa âm dương. Lễ hội Trám là lễ hội duy nhất mang đậm màu sắc phồn thực, đề cao tính dục của người dân đồng bằng Bắc bộ, nơi vốn là cái nôi của nền văn hóa lúa nước…
Điểm đặc biệt của lễ mật này đó là cặp vợ chồng được chọn phải là những người sống với nhau hòa thuận, có nếp sống văn hóa lành mạnh. Trong bóng tối, người chồng cầm dương vật gỗ, người vợ cầm âm vật gỗ đứng trước ban thờ, hành lễ theo lời hô của ông thủ từ. Ông thủ từ sẽ hô to: "Linh tinh tình phộc" 3 lần. Mỗi lần hô, người chồng lại cầm dương vật gỗ đâm vào lỗ âm vật gỗ trên tay người vợ. Nếu cả ba lần đều trúng thì năm đó cả làng mùa màng bội thu.
Trước đó, ông thủ từ ở trong miếu phải cầm cây đàn Giằng Xay, hát thờ để xin phép thực hiện nghi lễ.
Cuối cùng của nghi lễ Mật là màn tháo khoán. Ngày xưa, sau khi cặp vợ chồng hành thức xong “Linh tinh tình phộc”, ông thủ từ sẽ hô tiếp: “Tháo khoán”, ngay lập tức trai gái tân trong làng cũng lao vào nhau, kéo nhau ra vườn rậm quanh miếu chòng ghẹo, trước khi ánh đèn được bật sáng trở lại. Ngày nay, giới trẻ chỉ chạy đuổi nhau quanh miếu cho có lệ.
Hội “Con đĩ đánh bồng”
Tiết mục “Con đĩ đánh bồng” |
Hội làng Triều Khúc tưng bừng và nhộn nhịp từ mùng 9 đến 12/1 âm lịch với nhiều nghi lễ văn hóa truyền thống. Đây là nơi thờ Thành hoàng Phùng (tức Bố Cái Đại Vương Phùng Hưng). Trong đó nổi bật là tiết mục “Con đĩ đánh bồng”, đây là một trong 10 điệu múa dân gian vô giá của đất Thăng Long.
Điệu múa có cái tên gây tò mò này cách đây vài năm vừa được Hà Nội phục dựng lại sau nhiều năm vắng bóng. Với những động tác mô phỏng đời sống nông nghiệp của cư dân xưa, đây là điệu múa cổ có đời sống thực sự trong dân gian, vừa có chức năng nghi lễ, vừa là thú vui giải trí.
Nét độc đáo của điệu múa này là trai giả gái với mặt hoa da phấn, động tác uyển chuyển, mềm mại, xúng xính trong áo tứ thân, váy đụp, đeo bông tai, chít khăn mỏ quạ và mỗi người đeo một cái trống nhỏ sơn màu đỏ trước ngực.
Trong khi các chàng trai đang đánh bồng, bên trong các cụ bát, cụ cửu nam và nữ (trên 80 và 90 tuổi) ngồi chầu hai bên. Các mâm lễ vật dâng lên cúng tế được trải cánh hoa hồng. Xung quanh là các gươm trường (tức quân tiên phong) đứng uy nghiêm. Cùng với múa đánh bồng, múa sinh tiền, nghi lễ dâng tế, dâng trầu cũng được diễn ra kính cẩn. Sau các điệu múa đánh bồng, đông đảo cánh mày râu đổ ra ngoài chen chân xem cảnh chọi gà đầu xuân.