Ngành đường sắt tăng cường kiểm soát sau tai nạn tàu SE5

Chiếc cẩu đến cứu hộ cũng bị lật ra đường
Chiếc cẩu đến cứu hộ cũng bị lật ra đường
(PLO) - Hai ngày qua, dư luận bàng hoàng trước vụ tai nạn đường sắt khi tàu hỏa đâm vào xe tải khiến lái tàu tử vong, nhiều người bị thương; đầu máy và 3 toa đầu bị văng ra khỏi đường sắt.
Đáng nói, theo Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGT) chỉ riêng 9 ngày tết Nguyên đán Ất Mùi đã xảy ra 10 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 9 người, bị thương 3 người. 
Tai nạn kinh hoàng
Khoảng 21h45 ngày 10/3, đoàn tàu SE5 do đầu máy mang số hiệu D19E – 968 kéo theo 14 toa tàu nặng 530 tấn chở 583 hành khách lưu thông theo hướng Bắc – Nam, đến Km 639+15 (thuộc địa phận huyện Hải Lăng, Quảng Trị) bất ngờ đâm mạnh xe tải BKS 75C – 03.199 do tài xế Nguyễn Gia Hải (trú đường Phan Bội Châu, TP.Huế, thuộc doanh nghiệp vận tải Tuyết Liêm) chở đá đang băng qua đường sắt.
Cú đâm mạnh khiến xe tải bị cắt làm đôi, đầu xe văng về bên phải, còn thùng xe văng về phía trái, sát quốc lộ 1A; đầu máy tàu SE5 bẹp dúm, 3 toa liền kề bị đổ nát, các toa khác bị lật móp méo cùng hàng chục hành khách trên các toa tàu một phen hoảng loạn. Có 4 hành khách bị thương nặng, lái tàu Lê Minh Phú (trú 40/2 Phan Chu Trinh, TP.Huế) tử vong trong ca bin, tài xế xe tải bị thương nặng.
Có mặt tại hiện trường ngay khi vụ tai nạn xảy ra, ghi nhận ghi nhận của phóng viên: phần đầu tàu bị đứt rời trôi về phía trước cách nơi xảy ra tai nạn gần 2km, cabin tàu bẹp dúm khiến lái tàu tử vong tại chỗ, phụ lái bay ra khỏi ca bin và may mắn thoát chết nhưng tinh thần hoảng loạn. Ba toa liền kề bị đổ bật ra quốc lộ 1A, nhiều hành khách đạp kính thoát ra ngoài, bị xây xát nhẹ. 
Chưa hết bàng hoàng, ông Lê Viết Thành (56 tuổi, một trong những người bị thương nhẹ ở đầu sau vụ tai nạn) cho biết, ông lên tàu từ Nghệ An đi TP.Hồ Chí Minh và ngồi ghế phụ số 48 toa số 1 (toa 1, 2 và 1 toa hàng ăn bị lật). 
“Khi đang mơ màng ngủ thì nghe tiếng rầm, rồi chúi đầu về phía trước, tôi sờ tay lên trán thì thấy máu me đầm đìa. Sau khi toa tàu lật, mất điện, trời tối đen, tiếng trẻ em và người lớn kêu la thảm thiết, nhiều người đập kính thoát ra ngoài... Tôi và hành khách ngồi bên cạnh không hiểu chuyện gì xảy ra, chỉ đến khi một số người ra ngoài trước thông báo tàu gặp tai nạn”, ông Thành run rẩy kể.
Anh Đinh Văn Tuân và Nguyễn Văn Cương (cùng 22 tuổi, quê Nghệ An, ngồi toa 2) chưa hết sợ hãi kể: “Hai đứa đang ngồi nói chuyện với nhau thì nghe tiếng va chạm mạnh, tàu chao đảo rồi dừng gấp và lật nghiêng. Bọn em đập kính trèo ra ngoài, sau đó một số hành khách khác cũng chui ra theo. Em vào kéo mấy người bị thương cùng ra”. 
Còn chị Đỗ Thuý Hằng, nhân viên phục vụ trên toa số 2 hoảng loạn kể: “Tàu đang chạy thì mọi người nghe tiếng va đập rất to, đồng thời giật mạnh khiến mọi thứ trong toa đổ nhào. Một số hành khách đã dùng vật cứng đập vỡ kính tàu để mọi người thoát ra ngoài”. 
Ngay sau khi vụ tai nạn nghiêm trọng xảy ra, lực lượng chức năng huyện Hải Lăng và tỉnh Quảng Trị đã có mặt kịp thời, cùng người dân nhanh chóng đập kính cửa tàu và chuyển các hành khách bị thương đến Bệnh viện Đa khoa tỉnh Quảng Trị. 
Riêng lái tàu bị mắc kẹt trong đầu máy không thể dùng tay đưa thi thể ra ngoài nên lực lượng cứu hộ phải dùng các thiết bị khoan, cắt các thanh thép xung quanh khoang lái để tiếp cận. Sau hơn hai giờ đồng hồ khoan cắt, đến 0h15 ngày 11/3, các lực lượng chức năng mới đưa được thi thể lái tàu Lê Minh Phú ra khỏi khoang lái. 
Trong sáng qua (11/3), Ban An toàn giao thông tỉnh Quảng Trị cùng ngành chức năng cũng đã có mặt tại hiện trường. Tỉnh Quảng Trị quyết định hỗ trợ ban đầu 5 triệu đồng cho lái tàu tử vong. Ông Nguyễn Quang Sáng, nhân viên Đội quản lý đường sắt số 3 (Công ty Quản lý đường sắt Bình Trị Thiên) cho biết, 72 nhân công của đội có mặt từ đêm qua đến sáng nay. “Ngoài ra còn có nhân công của công ty từ Huế ra, lực lượng của hai ga, thông tin tín hiệu, toa xe... cùng tham gia khắc phục sự cố. Với mong muốn sớm đưa thi thể lái tàu ra nên anh em chúng tôi thay nhau làm việc liên tục”.
Về nguyên nhân xảy ra tai nạn nghiêm trọng trên, theo một thanh tra viên thuộc Thanh tra Đường sắt Việt Nam, tại đoạn đường ngang xảy ra tai nạn, khi xe tải lưu thông từ đường QL1A sang đường sắt vào thời điểm tàu SE5 chuẩn bị đi ngang qua, tín hiệu cảnh báo tàu đang tới vẫn hoạt động bình thường. Tuy nhiên, tài xế xe ô tô vẫn cố tình vượt đường sắt nên đã gây ra tai nạn.  
Thượng tá Trần Đức Triệu, Trưởng Công an huyện Hải Lăng, tỉnh Quảng Trị cho biết, hiện tài xế xe tải đang bị thương nặng và cấp cứu tại Bệnh viện Trung ương Huế nên cơ quan chức năng đã cử cán bộ theo dõi, chưa thể tiếp cận để điều tra làm rõ nguyên nhân tai nạn.
Ca bin đầu máy bị móp dúm nên lực lượng cứu hộ phải cắt để đưa thi thể lái tàu ra
Ca bin đầu máy bị móp dúm nên lực lượng cứu hộ
phải cắt để đưa thi thể lái tàu ra 
Liên tục xảy ra tai nạn
Ngay sau khi xảy ra tai nạn, chiều qua, UBATGT Quốc gia đã có công văn gửi Bộ GTVT, Bộ Thông tin và Truyền thông, UBND các địa phương có đường sắt đi qua và Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam. Theo đó, công văn nhấn mạnh thời gian qua, tình hình trật tự, an toàn giao thông đường sắt diễn biến phức tạp, tai nạn đường sắt có chiều hướng gia tăng. Chỉ riêng 9 ngày tết Nguyên đán Ất Mùi đã xảy ra 10 vụ tai nạn đường sắt, làm chết 09 người, bị thương 03 người. 
Các vụ tai nạn đường sắt xảy ra chủ yếu tại các điểm giao cắt giữa đường bộ và đường sắt (đường ngang), nhất là đường ngang dân sinh. Nguyên nhân gây tai nạn phần lớn do người tham gia giao thông đường bộ không chấp hành đúng các quy định về trật tự an toàn giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt. 
Để ngăn chặn tình trạng này, bảo đảm trật tự an toàn giao thông đường sắt, UBATGT Quốc gia đề nghị Bộ GTVT chỉ đạo Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường giám sát việc thực hiện quy trình, quy phạm an toàn giao thông đường sắt của đội ngũ nhân viên gác đường ngang; thường xuyên kiểm tra hoạt động của các thiết bị an toàn trên hệ thống đường ngang; bố trí cảnh giới tại các đường ngang có tiềm ẩn nguy cơ xảy ra tai nạn; tuyên truyền hướng dẫn quy tắc an toàn giao thông đường bộ khi vượt đường sắt cho người tham gia giao thông. 
Chỉ đạo Tổng cục Đường bộ Việt Nam chủ trì, phối hợp với Tổng Cty Đường sắt Việt Nam và các cơ quan có liên quan rà soát các vị trí đường ngang không người gác (đường ngang cảnh báo tự động, đường ngang biển báo) để cắm biển báo hiệu phù hợp.
Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí, truyền hình, phát thanh đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, phổ biến pháp luật về trật tự an toàn giao thông đường bộ, đường sắt, nhất là quy tắc giao thông khi đi qua đường sắt và cảnh báo các nguy cơ, hậu quả tai nạn giao thông tại các đường ngang đường sắt trên phương tiện thông tin đại chúng Trung ương và địa phương, qua hệ thống truyền thanh xã, phường.
Ban An toàn giao thông tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương có đường sắt đi qua phối hợp Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam tăng cường tuyên truyền, phổ biến cho người dân biết quy tắc giao thông đường bộ khi vượt qua đường sắt và cảnh báo nguy cơ xảy ra tai nạn giao thông tại các đường ngang đường sắt nhất là đường ngang không có gác chắn trên phương tiện thông tin đại chúng của địa phương, qua hệ thống truyền thanh xã, phường. 
Chỉ đạo lực lượng Cảnh sát giao thông phối hợp với Thanh tra giao thông, Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam nắm vững giờ tàu qua địa bàn để tăng cường công tác kiểm tra tại các đường ngang có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động để phát hiện, xử lý vi phạm (đóng mở chắn, hoạt động của thiết bị) và xử phạt vi phạm quy tắc giao thông khi đi qua đường sắt đối với người tham gia giao thông đường bộ.
Kiểm tra, rà soát các điểm giao cắt, tổ chức giải tỏa bảo đảm tầm nhìn cho cả hai phía đường bộ, đường sắt; nâng cấp, cải tạo các đường ngang tạo bề mặt lối đi bằng phẳng, êm thuận; cắm đầy đủ biển báo hiệu, làm gờ giảm tốc trên đường bộ địa phương quản lý. Đối với đường ngang không có rào chắn và thiết bị cảnh báo tự động mà có mật độ phương tiện giao thông cao, tiềm ẩn nhiều nguy cơ tai nạn thì phải tổ chức cảnh giới, bảo đảm an toàn. 
Có mặt tại hiện trường khá sớm để chỉ đạo khắc phục vụ tai nạn, ông Nguyễn Đức Chính, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Trị cho biết: “Từ tối qua đến sang nay, chúng tôi phối hợp với ngành đường sắt giải phóng các toa tàu bị lật khỏi đường sắt để bảo đảm thông tuyến. Nhưng chiếc cẩu được điều từ Đà Nẵng ra để xử lý sự cố, khi tiến hành thì bị lật. Chúng tôi đã báo và Bộ Giao thông Vận tải đã điều 2 cẩu 100 tấn từ Huế ra để cẩu các toa tàu và chiếc cần cẩu bị lật trên đường sắt nhằm thông tuyến sớm nhất”. 

Tin cùng chuyên mục

Giao thông Hà Nội cận Tết - 'Giờ nào cũng là giờ cao điểm'

Giao thông Hà Nội cận Tết - 'Giờ nào cũng là giờ cao điểm'

(PLVN) - Những ngày cuối năm, nhu cầu đi lại của người dân tăng cao khiến giao thông trên địa bàn Hà Nội trở nên đặc biệt sôi động. Lực lượng Cảnh sát giao thông (CSGT) tăng cường ứng trực ngày nghỉ, bảo đảm việc di chuyển của người dân diễn ra thuận lợi và an toàn...

Đọc thêm

Tỉnh Bình Định chỉ đạo xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn

Tỉnh Bình Định chỉ đạo xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn
(PLVN) - UBND tỉnh Bình Định vừa có công văn về việc xử lý một số điểm bất cập hạ tầng giao thông trên địa bàn tỉnh, trong đó chỉ đạo các đơn vị quản lý tập trung kiểm tra và thực hiện các biện pháp đảm bảo ATGT cho phương tiện tham gia giao thông trên các tuyến đường ĐT.638 và quốc lộ 19 đoạn qua địa bàn tỉnh. 

TP Hồ Chí Minh: Khuyến cáo tuân thủ văn hóa metro

Metro số 1 bắt đầu vận hành thương mại từ 22/12/2024.
(PLVN) - Cty TNHH MTV Đường sắt Đô thị số 1 (HURC 1) vừa tổng kết 2 tuần đầu vận hành thương mại metro số 1 Bến Thành - Suối Tiên và nhấn mạnh tới tầm quan trọng của việc tuân thủ văn hóa Metro.

Giá vé máy bay Tết tăng, chặng TP.HCM đi các tỉnh miền trung “cháy vé”

Giá vé máy bay Tết tăng, chặng TP.HCM đi các tỉnh miền trung “cháy vé”
(PLVN) - Thông tin từ Cục Hàng không Việt Nam cho biết đến thời điểm hiện tại, giá vé máy bay dịp Tết Ất Tỵ tăng trung bình 20% so với trước kỳ nghỉ, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TP.HCM đến các địa phương đang tăng nhanh chóng trong giai đoạn bắt đầu kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 22-28/1.

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam

'Ẩn họa' trên tuyến đường thuộc dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam
(PLVN) - Dự án liên kết vùng miền Trung tỉnh Quảng Nam được đầu tư nhằm hoàn thiện mạng lưới kết nối giao thông trên địa bàn tỉnh Quảng Nam và vùng kinh tế trọng điểm miền Trung. Tuy nhiên, dự án này đang chậm tiến độ, mặt đường xuất hiện chi chít “ổ voi, ổ gà” sau mưa lớn gây nguy hiểm cho người đi đường.

Tăng mức phạt có đủ để xây dựng văn hoá giao thông?

Ý thức chấp hành Luật Giao thông đường bộ của người dân có sự chuyển biến rõ rệt sau khi Nghị định 168 có hiệu lực. (Ảnh: QĐND)
(PLVN) - Những ngày qua, việc tăng nặng mức xử phạt và áp dụng cơ chế trừ điểm giấy phép lái xe bước đầu tạo hiệu quả tích cực, nâng cao ý thức chấp hành của người dân. Tuy nhiên, để thực sự xây dựng văn hóa giao thông cần nhiều hơn thế.