Một Giấy chứng sinh - hai cách hiểu
Ngày 24/10/2012, Bộ Y tế ban hành Thông tư số 17/2012/TT-BYT (có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2013) quy định cấp và sử dụng Giấy chứng sinh. Theo đó, trường hợp trẻ sinh ra tại các bệnh viện, cơ sở có thẩm quyền cấp, cấp lại Giấy chứng sinh thì trước khi trẻ sơ sinh về nhà, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh này có trách nhiệm ghi đầy đủ các nội dung của Giấy chứng sinh theo mẫu ban hành kèm theo.
Trường hợp trẻ được sinh ra tại nhà hoặc tại nơi khác mà không phải là cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì người thân thích của trẻ có trách nhiệm điền vào Đơn đề nghị cấp Giấy chứng sinh theo mẫu quy định và nộp cho trạm y tế xã, phường để xin cấp Giấy chứng sinh cho trẻ…
Những quy định trên tưởng như đã rất rõ ràng, sát với thực tế và dễ thực hiện, thế nhưng chỉ hơn nửa tháng sau ngày Thông tư số 17 có hiệu lực, bà Trần Thị Thảo (TP.Hồ Chí Minh) đã có câu hỏi gửi đến Cổng thông tin Chính phủ thắc mắc tại sao quy định về Giấy chứng sinh tại Nghị định số 06/2012/NĐ-CP của Chính phủ và Thông tư số 17/2012/TT-BYT của Bộ Y tế lại chưa có sự thống nhất.
Cụ thể, bà Thảo nêu, theo quy định tại Nghị định số 06/2012/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định về hộ tịch, hôn nhân và gia đình và chứng thực thì người đi đăng ký khai sinh phải nộp cả Giấy chứng sinh, nếu trẻ em được sinh ra ngoài cơ sở y tế thì Giấy chứng sinh được thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng.
Nhưng, theo hướng dẫn tại Thông tư số 17 thì trường hợp trẻ được sinh ra tại nhà hoặc tại nơi khác, không phải cơ sở khám chữa bệnh thì người thân có trách nhiệm điền vào Đơn đề nghị cấp Giấy chứng sinh theo mẫu, nộp cho trạm y tế xã, phường để xin cấp Giấy chứng sinh cho trẻ. Sự chưa thống nhất này dẫn đến việc giải quyết hồ sơ đăng ký khai sinh tại các địa phương khác nhau và người dân gặp khó khăn khi thực hiện thủ tục hành chính.
Thực tế công tác hộ tịch ở địa phương cho thấy, phản ánh của bà Trần Thị Thảo rất chính xác, bởi tại các cơ quan đăng ký hộ tịch có việc hiểu và áp dụng không thống nhất xung quanh Giấy chứng sinh. Một số nơi, cán bộ làm công tác đăng ký hộ tịch hiểu rằng, các trường hợp trẻ em được sinh ra, kể cả sinh tại cơ sở y tế hay sinh ngoài cơ sở y tế, đều được cấp Giấy chứng sinh, do đó yêu cầu tất cả các trường hợp đăng ký khai sinh cho trẻ em đều phải nộp Giấy chứng sinh.
Một số nơi khác, cán bộ tư pháp - hộ tịch lại cho rằng Giấy chứng sinh của trạm y tế xã, phường, thị trấn cấp cho trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế là không đúng quy định của Nghị định số 158/2005/NĐ-CP vì Nghị định chỉ quy định sử dụng Giấy chứng sinh trong trường hợp trẻ em sinh tại cơ sở y tế, do đó không chấp nhận Giấy chứng sinh, yêu cầu người đi đăng ký khai sinh phải nộp văn bản xác nhận của người làm chứng hoặc giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
|
Ảnh minh họa. Nguồn internet. |
Một Giấy chứng sinh - hai khai sinh
Mới đây, chị Trần Thị Mai Khoa (29 tuổi, ngụ TP.HCM) đã tìm đến cơ quan truyền thông để trình bày về chuyện mình bị lừa sinh con cho người nước ngoài. Theo chị Mai Khoa, năm 2012 khi đang làm việc cho một khách sạn ở khu phố Tây (TP.HCM), chị có quen ông Namita Masanobu (45 tuổi, người Nhật). Sau một thời gian kết thân, tìm hiểu, hai người đã yêu nhau, chung sống như vợ chồng và có một đứa con trai.
Thế nhưng, sau một loạt thủ tục ở lãnh sự quán và lý do gia đình, ông Namita đã đưa đứa con về Nhật Bản và cắt đứt liên lạc với chị Mai Khoa. Hơn thế, ông Namita còn thú nhận tất cả mối tình với chị Mai Khoa chỉ là một màn kịch để có con mang dòng máu của ông, vì vợ ông bị mắc bệnh vô sinh.
Câu chuyện của chị Mai Khoa cho thấy pháp luật Việt Nam vẫn còn “lỗ hổng” để từ đó những người đàn ông nước ngoài có tà ý lợi dụng để đưa phụ nữ Việt vào tình huống “bị lừa sinh con cho người nước ngoài”. Theo quy định của pháp luật Việt Nam, trẻ em sinh ở Việt Nam có yếu tố nước ngoài (có cha là người nước ngoài) phải làm khai sinh ở Sở Tư pháp, trên đó ghi quốc tịch theo cha hoặc mẹ.
Nếu là con ngoài giá thú phải làm khai sinh ở xã, phường, sau đó người có quốc tịch nước ngoài phải làm thủ tục nhận con ngoài giá thú tại Sở Tư pháp và làm thủ tục bổ sung tên cha vào Giấy khai sinh của em bé. Tuy nhiên, kẽ hở tồn tại ở chính tờ Giấy chứng sinh.
Ở các nước, Giấy chứng sinh của một quốc gia đồng thời là Giấy khai sinh hoặc Giấy chứng sinh chỉ có giá trị cho các cơ quan hành chính của quốc gia đó cấp Giấy khai sinh mà thôi. Nhưng ở Việt Nam không có quy định cụ thể nên Giấy chứng sinh này cũng được dùng để cấp khai sinh cho trẻ ở cơ quan lãnh sự mà không có cơ quan nào của Việt Nam quản lý vấn đề này.
Đó là “lỗ hổng” khiến một trẻ có thể có đến hai Giấy khai sinh, một cái do cơ quan Việt Nam cấp, một cái do cơ quan lãnh sự cấp và trong một số ít trường hợp, những phụ nữ Việt ít am hiểu có thể bị mất con như trường hợp chị Mai Khoa.
Thêm một dòng chữ, hết rắc rối
Ngày 22/10/2014 Cục Hộ tịch, Quốc tịch, Chứng thực - Bộ Tư pháp đã có hướng dẫn để giải quyết việc hiểu và áp dụng pháp luật không thống nhất về các quy định liên quan đến Giấy chứng sinh và đăng ký khai sinh cho trẻ em theo Nghị định số 06 và Thông tư số 17.
Theo đó, trường hợp cha, mẹ, người thân của trẻ sinh ra ngoài cơ sở y tế có điều kiện xin cấp Giấy chứng sinh tại trạm y tế xã, phường, thị trấn thì cơ quan đăng ký hộ tịch vẫn chấp nhận Giấy chứng sinh này và không yêu cầu người đi đăng ký khai sinh cung cấp thêm văn bản xác nhận của người làm chứng hoặc làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Trong trường hợp không có giấy chứng sinh thì thay bằng văn bản xác nhận của người làm chứng, nếu không có người làm chứng thì người đi khai sinh phải làm giấy cam đoan về việc sinh là có thực.
Để giải quyết kẽ hở tồn tại từ Giấy chứng sinh, Luật sư Nguyễn Thành Công (Đoàn Luật sư TP.HCM) cho rằng, trên mẫu Giấy chứng sinh ở Việt Nam cần thiết phải thêm câu “Chỉ có giá trị cho các cơ quan hành chính Việt Nam cấp khai sinh cho trẻ”.
Dòng chữ này sẽ chấm dứt tình trạng một trẻ có thể có đến hai Giấy khai sinh - một cái do cơ quan Việt Nam cấp, một cái do cơ quan lãnh sự cấp. Hơn nữa, đây cũng là cơ sở nhằm thống nhất trong quản lý để bảo vệ trẻ không bị thay đổi hộ tịch.
Chuyên mục Bạn đọc của Báo Pháp luật Việt Nam tiếp nhận tất cả những đơn thư phản ánh, khiếu nại, tố cáo của độc giả có căn cứ và theo đúng quy định của pháp luật...Chúng tôi sẽ hồi âm sớm nhất đến bạn đọc.
Mọi kiến nghị, phản ánh gọi vào số: 0944 988 788 hoặc gửi qua hòm thư: baodientuphapluat@gmail.com