Phá cánh rừng ở vị trí đắc địa
Theo Quyết định 630/QĐ-UBND ngày 28/6/2010 của UBND tỉnh Kon Tum thì Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông (trụ sở tổ dân phố 2, thị trấn Măng Đen, huyện Kon Plông) là Cty 100% vốn nhà nước do UBND tỉnh làm đại diện chủ sở hữu; thực hiện nhiệm vụ công ích.
Cty được UBND tỉnh giao quản lý 55.215ha (tương đương 552km2) rừng và đất rừng nằm trên địa bàn 6 xã, 1 thị trấn thuộc huyện Kon Plông. Từ 1/2/2021, ông Nguyễn Văn Hải (nguyên Đội trưởng Đội kiểm lâm cơ động số 2, Chi cục Kiểm lâm tỉnh) được UBND tỉnh bổ nhiệm chức Chủ tịch kiêm Giám đốc Cty này.
Thời gian gần đây, theo ghi nhận của PLVN, Cty này để tình trạng phá rừng xảy ra tại một số khu vực.
Tại lô 10, khoảnh 9, tiểu khu 388, thôn Đắk Chờ, xã Đắk Ring, thuộc lâm phần do Cty quản lý; ở sườn đồi dẫn ngay xuống tỉnh lộ 676, nhìn xuống con suối chảy qua cầu tràn thôn Đắk Chờ, ngày 28/12/2023, PV ghi nhận trên khoảng rừng rộng cỡ 1.000m2, toàn bộ cây cối đã bị chặt, ủi, đốn hạ. Một số thân cây ước tính nhiều năm tuổi bị các đối tượng phá rừng bỏ lại hiện trường.
Để phá được khoảng rừng này, các đối tượng đã rất kỳ công khi phải điều xe múc đi hàng chục km đường rừng (vị trí này cách thị trấn Măng Đen khoảng 44km - NV). Tới cầu tràn thôn Đắk Chờ, xe ủi phải leo lên sườn đồi độ dốc rất lớn, ủi hàng loạt cây, cạp đất san phẳng một sườn đồi làm mặt bằng, rồi đào một số hố đất diện tích khoảng 2x3m, sâu khoảng 1,5m. Tại mặt bằng được tạo nên bởi phá rừng, ghi nhận tập kết một số vật liệu xây dựng như cát vàng.
Các đối tượng phá rừng đào một số hố sâu chưa rõ mục đích làm gì. (Ảnh: Mai Minh) |
Các đối tượng phá rừng rất “khôn khéo” khi chừa lại một vạt rừng thưa “che mắt” người đi trên tỉnh lộ 676 dưới chân đồi. Chỉ khi leo cả trăm mét lối mòn lên sườn đồi, mới phát hiện cảnh tượng khu rừng bị phá.
Đáng lưu ý, khu rừng bị phá nằm ở địa điểm đẹp bậc nhất toàn cung đường tỉnh lộ 676, nối huyện Kon Plông với các huyện Sơn Tây, Sơn Hà (tỉnh Quảng Ngãi). Hiện trạng con đường này đang rất nhỏ, hai ô tô khó tránh nhau, mặt đường xuống cấp, đèo dốc dựng đứng, thưa người xe đi lại. Tuy nhiên, hiện con đường đang được đầu tư xây dựng cải tạo, nâng cấp với số tiền hơn 1.141 tỷ đồng, do UBND tỉnh Kon Tum làm chủ đầu tư, khởi công đầu năm 2023. Dự kiến năm 2027 khi hoàn thành sẽ là đường 9m, mặt đường bê tông xi măng, đủ các công trình thoát nước, an toàn giao thông.
Các đối tượng chừa lại một vạt rừng thưa che giấu hiện trường vụ phá rừng. (Ảnh: Mai Minh) |
Khu rừng bị phá nằm ở vị trí rất đẹp của tuyến đường, trên sườn đồi dẫn thẳng xuống mặt tiền đường, giáp con suối lớn chảy qua cầu tràn. Với việc vật liệu xây dựng được tập kết, không loại trừ trường hợp các đối tượng phá rừng dự tính xây một công trình gì đó “đón đầu”.
Phó Chủ tịch UBND xã Đắk Ring, ông Nguyễn Đình Duy cho hay, vụ phá rừng trên xảy ra vào ngày nghỉ thứ Bảy, Chủ nhật của tháng 10/2023. Ông Duy cho biết: “Dù diện tích rừng trên không phải do xã quản lý trực tiếp, nhưng đánh giá mức độ nghiêm trọng của sự việc, nên thực hiện trách nhiệm liên đới trong quản lý bảo vệ rừng trên địa phận, đích thân Bí thư, Chủ tịch xã đến tận hiện trường, yêu cầu chấm dứt hành vi vi phạm”.
Trong hàng trăm cây thông bị hủy hoại, hơn 80 cây đã gục ngã tại khoảnh 2, 3, 4 tiểu khu 400, thôn Đăk Pong, xã Măng Bút. (Ảnh: Mai Minh) |
Rừng thông 30 năm tuổi bị “ám sát”
Cách vị trí phá rừng trên khoảng 30km, tại khoảnh 2, 3, 4 thuộc tiểu khu 400, thôn Đăk Pong, xã Măng Bút, cũng thuộc lâm phần của Cty Lâm nghiệp Kon Plông quản lý, chiều 3/1/2024, PLVN ghi nhận một vụ phá rừng quy mô và mức độ nghiêm trọng hơn.
Trên diện tích khoảng 4.000m2, có hàng trăm cây thông khoảng 30 năm tuổi (trồng từ những năm 1995 - 1998) bị “ám sát” bằng cách đẽo đến 1/3 gốc, rồi đốt cháy đen gốc cây, một số cây có dấu hiệu bị tiêm thuốc độc. Trong số này, có hơn 80 cây đã gục ngã, đổ trên mặt đất.
Các dấu hiệu tại hiện trường cho thấy vụ hủy hoại rừng này đã diễn ra trong thời gian dài. Có những cây gục ngã ước tính đã cả năm; có những cây vết đẽo gọt còn mới, ước tính chỉ một vài tuần.
Có những cây vết đẽo gọt còn mới, ước tính chỉ một vài tuần. (Ảnh: Mai Minh) |
Tại trụ sở xã cách hiện trường chỉ khoảng 2km, làm việc với PLVN, Phó Chủ tịch UBND xã Măng Bút, ông A Vinh khẳng định, diện tích rừng trên thuộc lâm phần Cty Lâm nghiệp Kon Plông, nhưng ông Vinh không biết chính xác về sự việc rừng bị phá. Ông Vinh sau đó gọi một nam thanh niên giới thiệu là nhân viên của Cty Lâm nghiệp Kon Plông quản lý rừng tại khu vực tới và người này cũng có trả lời tương tự.
Có những cây gục ngã ước tính đã cả năm. (Ảnh: Mai Minh) |
PLVN đã liên hệ làm việc với Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông, UBND huyện, Chi cục Kiểm lâm, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, UBND tỉnh Kon Tum để tìm hiểu chính xác về sự việc. Tất cả các đơn vị, cơ quan này đều đề nghị PLVN để lại nội dung câu hỏi và cho biết sẽ trả lời sau.
Nhận thấy sự việc có dấu hiệu của một vụ án hủy hoại rừng, ngày 4/1, PV PLVN đã đến Chi cục Kiểm lâm tỉnh, đề nghị Chi cục xử lý sự việc theo cách nhanh nhất là tiếp nhận tin báo tố giác tội phạm để cơ quan này có thể lập tức vào cuộc ngăn chặn sự việc hủy hoại rừng.
Cty TNHH MTV Lâm nghiệp Kon Plông cho biết sẽ trả lời sau về sự việc. (Ảnh: Mai Minh) |
Đứng ở góc độ pháp lý, Luật sư Huỳnh Phước Hiệp (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, để kết luận sự việc trên là vi phạm hành chính theo Nghị định 35/2019/NĐ-CP, hay vi phạm hình sự theo Điều 243 Bộ luật Hình sự, cơ quan chức năng tỉnh Kon Tum cần lập tức vào cuộc ngăn chặn, xác minh, điều tra, xử lý.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin khi nhận được câu trả lời từ các cơ quan chức năng của tỉnh Kon Tum.