Theo đó, ngày 3/7/2024, nạn nhân thông qua mạng xã hội tham gia nhóm "Đầu tư sinh lời, đã chuyển hơn 50 triệu đồng vào nhóm nhưng không nhận được tiền “sinh lời” chuyển lại như được hứa.
Trước đó, ngày 15/6/2024, Công an TP Vũng Tàu khởi tố vụ án "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" xảy ra từ tháng 1 - 4/2024. Thông qua mạng xã hội, người đàn ông SN 1976 (ngụ phường Thắng Nhất) kết nối với một người phụ nữ tự xưng Trần Thị Thu (SN 2003, ngụ huyện Quế Sơn, tỉnh Quảng Nam). Thu mời ông “đầu tư góp vốn vào dự án SD AI "chuyển đổi số doanh nghiệp"” do Thu chịu trách nhiệm. Nạn nhân đã góp 1,1 tỷ đồng và bị lừa mất sạch.
Cũng tại Vũng Tàu, người phụ nữ SN 1954 tham gia trò chơi trên mạng và bị mất 761 triệu đồng. Sau đó, bà lại lên mạng xã hội nói chuyện với một người tự xưng là luật sư tên Huy. Huy hứa giúp bà lấy lại số tiền đã mất, sau đó nói nạn nhân chuyển khoản 32 triệu đồng “tiền thuế” mới được giúp và chiếm đoạt.
Đại tá Lý Xuân Cường, Trưởng Phòng ANM Công an BR-VT cho biết tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng hiện đang diễn biến phức tạp. Các đối tượng hoạt động có tính chuyên nghiệp, xuyên quốc gia, có kịch bản sẵn, tấn công vào mọi thành phần, lứa tuổi, kể cả cán bộ đang công tác trong các cơ quan nhà nước, người có kiến thức, trình độ, hiểu biết về tài chính; với nhiều cách thức khác nhau như chuyển tiền trực tuyến qua ứng dụng của hệ thống ngân hàng, thu thập thông tin cá nhân để chiếm đoạt tài sản.
Đại tá Cường cho biết, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên mạng có đặc trưng riêng so với loại tội phạm truyền thống. Đây là những đối tượng am hiểu về công nghệ, không gian mạng và tất cả đều là những đối tượng ảo nên công tác đấu tranh, phòng, chống rất khó khăn. Bên cạnh đó, loại tội phạm này có phương thức, thủ đoạn thay đổi liên tục. Cơ quan chức năng vừa tuyên truyền cho người dân biết về phương thức, thủ đoạn này xong thì ngay lập tức chúng lại “sinh” các loại phương thức, thủ đoạn mới khiến cho việc điều tra, xử lý lại càng thêm khó khăn.
Công an BR-VT phối hợp BHXH tỉnh tổ chức Hội nghị tập huấn công tác phòng, chống tội phạm công nghệ cao. (Ảnh: Tiến Dũng) |
Song song với việc điều tra, xử lý cơ quan công an cũng đang đẩy mạnh công tác tuyên truyền qua các kênh như báo đài, cơ quan đoàn thể, in tờ rơi cảnh báo.
Công an BR-VT khuyến cáo người dân đề cao cảnh giác với các lời mời chào trên mạng xã hội như tặng quà, đầu tư chứng khoán… Người dân không nên nghe lời đe doạ, bởi các cơ quan chức năng nếu làm việc với người dân thì sẽ gửi giấy mời trực tiếp chứ không nhắn tin hay gọi điện thoại và đặc biệt tuyệt đối không để lộ tin cá nhân.
Tại Tây Ninh, theo thống kê của cơ quan chức năng, 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh xảy ra 21 vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, gây thiệt hại hơn 12 tỷ đồng. Đây là loại tội phạm chiếm tỷ lệ cao trong cơ cấu tội phạm về trật tự xã hội xảy ra trong thời gian qua trên địa bàn Tây Ninh.
Công an Tây Ninh khuyến cáo người dân nâng cao tinh thần cảnh giác trước các lời mời gọi tham gia kiếm tiền trên các ứng dụng nền tảng mạng xã hội, tìm hiểu kỹ các hình thức kiếm tiền. Thường xuyên cập nhật, tìm hiểu về các hình thức lừa đảo trên không gian mạng, đồng thời tuyên truyền, chia sẻ đến người thân, bạn bè các hình thức lừa đảo để phòng ngừa. Nếu nhận thấy dấu hiệu nghi ngờ, liên hệ ngay cơ quan công an gần nhất để được hướng dẫn, tư vấn, tránh để các đối tượng xấu lợi dụng, thực hiện hành vi phạm tội.