Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam về vấn đề pháp lý liên quan đến khu du lịch Ba Khan Village Resort, Luật sư Nguyễn Huy Long cho biết, quy định của pháp luật hiện hành để Khu du lịch được phép đi vào hoạt động, Chủ đầu tư cần đáp ứng một số điều kiện, như: Giấy phép xây dựng, Căn cứ tại điều 89 Luật Xây dựng năm 2014. Theo đó, chủ sở hữu cần có giấy phép xây dựng từ cơ quan quản lý xây dựng địa phương. Quy trình xin giấy phép xây dựng thường liên quan đến việc đệ đơn, cung cấp tài liệu kỹ thuật và tuân theo các tiêu chuẩn xây dựng địa phương.
Theo đó, trước khi xây dựng một khu resort, nếu thuộc một trong các trường hợp quy định tại điều 30,31,32 Luật Đầu tư năm 2014 thì Chủ đầu tư cần phải có chấp thuận chủ trương đầu tư từ cơ quan quản lý kinh tế hoặc đầu tư. Điều này thường đòi hỏi việc xác định mục tiêu, quy mô, và các điều kiện về tài chính.
“Ngoài hai điều kiện quan trọng trên, Chủ đầu tư cần phải tuân thủ các quy định về bảo vệ môi trường và tài nguyên tự nhiên và điều kiện về an toàn an ninh. Cần phải đảm bảo an toàn cho du khách và nhân viên bằng cách tuân theo quy định về an ninh, trật tự và phạm vi quản lý”, luật sư Long nói.
Luật sư Nguyễn Huy Long, Giám đốc Công ty Luật Legal Gate Việt Nam |
Đối với quy định về Phòng cháy chữa cháy, có quy định đối với khách sạn có số tầng từ 10 trở lên phải có hệ thống PCCC được thiết kế riêng biệt cho từng phòng và cách nhau khoảng 20m và phải đáp ứng một số điều kiện về PCCC. Cụ thể, cần phải có văn bản thẩm duyệt, kiểm tra nghiệm thu về phòng cháy và chữa cháy của cơ quan Cảnh sát phòng cháy và chữa cháy đối với công trình; Có quy định và phân công chức trách, nhiệm vụ phòng cháy và chữa cháy trong cơ sở và một số điều kiện khác quy định tại Điều 7 nghị định 79/2014/NĐ-CP.
“Nếu khu du lịch Ba Khan Village Resort ở Mai Châu, Hoà Bình đã bắt đầu hoạt động mà chưa có sự chấp thuận chủ trương đầu tư hoặc cấp phép xây dựng từ cơ quan chức năng, điều này có thể vi phạm luật pháp và gây ra vấn đề pháp lý. Trong trường hợp này, các cơ quan chức năng có thể kiểm tra tình trạng hợp pháp của hoạt động này và đưa ra các biện pháp cần thiết, bao gồm ngừng hoạt động, buộc áp dụng hình phạt hoặc yêu cầu Chủ đầu tư thực hiện các thủ tục cần thiết để hợp pháp hóa hoạt động”, luật sư Long nhấn mạnh.
Luật sư khẳng định “Theo quy định, trước khi khởi công xây dựng công trình, Chủ đầu tư phải có giấy phép xây dựng do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp trừ một số trường hợp như: Công trình bí mật nhà nước, công trình xây dựng theo lệnh khẩn cấp, Công trình xây dựng thuộc dự án khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao có quy hoạch chi tiết 1/500 đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và được thẩm định thiết kế xây dựng….
Trong trường hợp khởi công xây dựng khi chưa được cấp giấy phép xây dựng, theo quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực xây dựng thì Chủ đầu tư có thể bị xử phạt hành chính từ 160.000.000 đồng đến 180.000.000 đồng.
Đối với khu du lịch resort được đưa vào hoạt động khi chưa đủ điều kiện, cơ quan chức năng có thể ra quyết định yêu cầu ngừng hoạt động hay có thể ra quyết định phá hủy hoặc loại bỏ các công trình xây dựng không hợp pháp hoặc không có giấy phép theo quy định tại khoản 15 điều 16 Nghị định 16/2022/NĐ-CP.
Giám đốc Công ty Luật Legal Gate Việt Nam cho rằng, “việc để xảy ra sai phạm xây dựng hàng loạt công trình Khu du lịch sinh thái Ba Khan Village Resort khi chưa được chấp thuận chủ trương đầu tư dự án, chưa được cấp phép xây dựng,.. cho thấy vai trò, năng lực quản lý, cũng như trách nhiệm của chính quyền địa phương vẫn còn tồn đọng những hạn chế và cần hoàn thiện thêm”.
Theo Luật Tổ chức chính quyền địa phương quy định nhiệm vụ, quyền hạn của Ủy ban nhân dân cấp huyện: “Tổ chức thực hiện ngân sách huyện; thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, phát triển công nghiệp, xây dựng, thương mại, dịch vụ, du lịch, nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, mạng lưới giao thông, thủy lợi, xây dựng điểm dân cư nông thôn; quản lý và sử dụng đất đai, rừng núi, sông hồ, tài nguyên nước, tài nguyên khoáng sản, nguồn lợi ở vùng biển, tài nguyên thiên nhiên khác; bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện theo quy định của pháp luật.”
Cũng theo quy định, Tổ chức chính quyền địa phương quy định nhiệm vụ, quyền hạn của chính quyền địa phương ở tỉnh: “Kiểm tra, giám sát tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính trên địa bàn”
Như vậy, chính quyền địa phương ở huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình chưa thể hiện được sự giám sát chặt chẽ đối với những dự án đầu tư được xây dựng và hoạt động trên địa bàn của huyện, cụ thể là dự án khu du lịch Ba Khan Village Resort.
“Nếu quả thực có sai phạm đến từ những cá nhân thiếu trách nhiệm trong bộ máy chính quyền ở địa phương thì cần phải xử lý nghiêm, dứt điểm, để chấm dứt tình trạng xây dựng và kinh doanh sai phép, gây hậu quả nghiêm trọng, làm ảnh hưởng xấu đến môi trường đầu tư và quyền lợi của nhân dân”, luật sư Long bày tỏ.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin./.
Như Báo PLVN đã đưa tin, Khu du lịch Ba Khan Village Resort do Công ty CP Du lịch Làng Ba Khan (nhà đầu tư) triển khai đầu tư xây dựng trên địa bàn xã Sơn Thủy, huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Khu du lịch gồm nhiều hạng mục công trình được xây dựng trên diện tích khoảng 4ha, đi vào hoạt động, đón khách từ năm 2019 đến nay.
Tuy nhiên, dù đã hoạt động được nhiều năm nhưng khu du lịch Ba Khan Village Resort chưa cấp phép. Theo công văn của Sở xây dựng tỉnh Hoà Bình số 2180/SXD -QLN &TTBĐS ngày 30/6 gửi Báo Pháp luật Việt Nam khẳng định: “Sau khi rà soát dữ liệu quản lý, hồ sơ lưu trữ, hiện tại Sở chưa nhận được hồ sơ về dự án Ba khan Village Resort trên”.
Còn tại văn bản trả lời của Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Hoà Bình cũng thừa nhận, đến thời điểm hiện tại Sở cũng chưa nhận được hồ sơ về đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư của dự án Ba khan Village Resort.