Theo ghi nhận của phóng viên Báo Pháp luật Việt Nam, tại khu vực thôn 4, xã Bình Nghi (Tây Sơn, Bình Định), từ thời điểm 22h ngày 12/10 đến 3h sáng ngày 13/10, một số đối tượng sử dụng 2 máy đào cùng gần 10 chiếc xe tải để múc đất và chuyển chở đất hết công suất rồi vận chuyển đến bãi tập kết giáp giới giữa thôn Lai Nghi và thôn 1 xã Bình Nghi, thuộc khu vực nhà máy gạch.
Điều đáng nói, trong quá trình các xe tải chở đất từ điểm khai thác đến điểm tập kết tại nhà máy sản xuất gạch xuất hiện vài chiếc xe honda chạy vòng lượn xung quanh để quan sát và cảnh giới hai bên.
Các đối tượng lợi dụng đêm khuya, địa hình nơi khai thác nằm xa trục đường chính và khu dân cư, ít người qua lại. |
Ông N.V.Q (trú tại xóm Cẩm Tây thôn 4 xã Bình Nghi, huyện Tây Sơn) cho biết: Ngày trước thấy tôi thấy xe múc cả ban ngày, cũng không ai biết lấy đất cho dự án gì hay đơn vị cá nhân nào! Cứ thấy múc thôi, lâu nay thì không thấy múc đất ban ngày nữa, chỉ múc vào ban đêm.
Sau khi "ăn đất" các xe di chuyển về khu vực bãi đất trống nằm giữa thôn Lai Nghi và thôn 1 xã Bình Nghi nằm ngay khu nhà máy gạch Bình nghi và hiện tại bãi đất đã khai thác vẫn nằm ngay tại vị trí tập kết thuộc quản lý của địa phương.
Để làm rõ sự việc, phóng viên đã liên hệ trao đổi với ông Nguyễn Văn Khánh, Phó Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn. Ông Khánh thừa nhận có sự việc xảy ra và cho rằng các đối tượng khai thác đất trái phép này rất tinh vi, chúng khai thác buổi tối để né chính quyền và lực lượng Công an.
Theo ông Khánh, bởi vì lực lượng mỏng và địa bàn rộng nên UBND huyện cũng gặp khó trong việc quản lý khoáng sản trên địa bàn.
“Nhiều lần ủy ban huyện nhận được nguồn tin báo từ người dân về việc khai thác đất sét trái phép, ngay sau đó tôi đã chỉ đạo các đơn vị chức năng đi kiểm tra thực tế. Nhưng tình trạng khai thác trái phép diễn ra lâu nay trên địa bàn huyện, chính quyền địa phương cũng đang tìm mọi cách để ngăn chặn, nhưng chưa có phương án tối ưu để giải quyết triệt để, bởi sự phối hợp chưa chặt chẽ và đồng bộ của các đơn vị liên quan”, ông Khánh phân trần.
Bãi tập kết đất sét tại khu vực giữa thôn Lai Nghi và thôn 1 do UBND xã Bình Nghi quản lý |
Theo những tài liệu mà phóng viên có được, ngày 13/6/2023, UBND huyện Tây Sơn đã có văn bản số 951/UBND-KTN về việc tăng cường phối hợp quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản trên địa bàn huyện.
Trong đó, Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn yêu cầu UBND các xã, tăng cường quản lý chặt chẽ hoạt động khai thác, tài nguyên khoáng sản tại địa phương, nhất là bảo vệ khoáng sản chưa khai thác. Trường hợp để xảy ra tình trạng khai thác trái phép UBND xã sẽ chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND huyện.
Đồng thời, Công an huyện cũng phải tăng cường công tác nắm tình hình, kịp thời phát hiện, kiểm tra, xử lý đối với các tổ chức, cá nhân vi phạm pháp luật về tài nguyên khoáng sản trong hoạt động khai thác, kinh doanh, vận chuyển khoáng sản trên địa bàn.
Theo người dân, huyện Tây Sơn đang có số lượng lò gạch thủ công nhiều nhất cả tỉnh Bình Định, các mỏ đất dành cho các lò gạch này là dường như rất ít, hầu như là không đáp ứng nhu cầu của từng lò gạch. Vì vậy việc các đối tượng này lợi dụng và tìm mọi cách để khai thác trái phép bất chấp mọi quy định của pháp luật là có.
UBND Tỉnh rồi huyện chỉ đạo rất rõ ràng, quyết liệt nhưng dường như những chỉ đạo này không được cấp dưới thực hiện. Dư luận đặt nghi vấn có hay không việc "buông lỏng quản lý", "bao che" của một số cá nhân có chức vụ, quyền hạn?.
Báo Pháp luật Việt Nam sẽ tiếp tục thông tin sự việc!
Liên quan đến vấn đề khai thác khoáng sản, ngày 19/9/2023, UBND tỉnh Bình Định ban hành thông báo ý kiến kết luận của Chủ tịch UBND Bình Định, ông Phạm Anh Tuấn về công tác bảo vệ khoáng sản tại địa phương.
Theo thông báo, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định cho biết việc bảo vệ khoáng sản và khai thác khoáng sản vẫn còn hạn chế, một số địa phương còn buông lỏng quản lý, xử lý vi phạm chưa kịp thời, thiếu kiên quyết.
Để khắc phục tình trạng này, Chủ tịch tỉnh chỉ đạo Sở TN&MT phối hợp với các cơ quan liên quan tăng cường công tác hậu kiểm để kịp thời phát hiện, đề xuất với UBND tỉnh thu hồi các dự án khai thác khoáng sản gây suy thoái môi trường.
“Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên địa bàn theo thẩm quyền, nhất là bảo vệ tài nguyên khoáng sản chưa khai thác; chỉ đạo UBND cấp xã tăng cường quản lý, phát hiện, kịp thời ngăn chặn, xử lý các trường hợp khai thác khoáng sản trái phép trên địa bàn.Chỉ đạo kiểm tra trách nhiệm UBND cấp xã trong công tác quản lý nhà nước về khoáng sản trên địa bàn, xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân bao che hoạt động khai thác khoáng sản trái phép. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân tham gia bảo vệ khoáng sản chưa khai thác và có cam kết không cho khai thác đất (đất đồi, đất ruộng) thuộc quyền sử dụng đất của mình khi chưa được cấp có thẩm quyền cho phép”, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh