Có quá nhiều ý kiến tranh cãi, trao đổi liên quan đến kiến nghị của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia (UBATGTQG), PLVN đã trao đổi với ông Khuất Việt Hùng - Phó Chủ tịch chuyên trách UBATGTQG về vấn đề này.
Nếu lo cho gia đình, lo cho tài sản thì phải luôn nhớ “Không lái xe khi say xỉn!”
PV: Trước đề xuất cho phép thí điểm tịch thu phương tiện nếu vi phạm nghiêm trọng về nồng độ cồn khi lái xe và xe máy đi vào đường cao tốc dành riêng cho ô tô, có rất nhiều ý kiến tán đồng với mong muốn việc giảm thiểu tai nạn giao thông (TNGT). Tuy nhiên, bên cạnh đó cũng không ít sự băn khoăn về việc thu giữ phương tiện sẽ liên quan đến pháp luật về tài sản và quyền sở hữu. Quan điểm của ông thế nào?
- Ông Khuất Việt Hùng: Mục tiêu của đề xuất là nhằm bảo vệ sinh mạng nhân dân liên quan đến những người say xỉn. Liên quan đến vấn đề sở hữu, Điều 126 Luật Xử lý vi phạm hành chính đã quy định rõ: “Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp. Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước”. Vì thế, khi kiến nghị chúng tôi cũng thấy rằng nhất thiết phải trao đổi, phải thông tin cho người dân biết về các vấn đề liên quan. Mặt khác, cần đánh giá kịch bản sẽ diễn ra thế nào, số lượng vụ vi phạm diễn ra có thay đổi, giảm thiểu nhiều hay không, nếu việc thu xe được thực hiện. Vấn đề tôi muốn nhấn mạnh ở đây là: Nếu lo cho gia đình, lo cho tài sản thì phải luôn nhớ thông điệp “Không lái xe khi say xỉn!”.
Khi đã bàn về luật thì cần phải có nguyên tắc và hướng tới mục đích, trong trường hợp này, mục đích là gì, thưa ông?
- Chế tài đưa ra tất nhiên sử dụng nhằm mang hiệu lực xử phạt, thứ hai là giáo dục và thứ ba là răn đe. Khi đưa thông điệp về thu giữ xe, nó có tính tác động và khiến nhiều người quan tâm hơn. Nó không còn đơn thuần là chế tài mà còn có tác dụng, giá trị truyền thông nữa.
Đề xuất này dù rằng để giải quyết tình hình nghiêm trọng của tai nạn giao thông nhưng vẫn nợ lại các vấn đề cần nghiên cứu như: hệ lụy không đáng có của việc tịch thu xe giá trị cao liên quan đến việc “làm giàu cho lực lượng kiểm tra giám sát” chẳng hạn. Ông có đánh giá gì về hệ lụy này?
- Công tác phòng chống tham nhũng là vấn đề chung. Và phải hiểu rằng mỗi một quyết định đưa ra đều cần cơ quan các chức năng tham mưu, chứ mình UBATGTQG không thể đảm nhiệm được. Vì thế, với quy định về giới hạn những chức năng, nhiệm vụ, tôi chỉ có khả năng phát biểu trong phạm vi của Ủy ban.
Khi đã tịch thu không phân biệt xe công hay xe tư
Quy định về tịch thu phương tiện thì với những xe công như biển xanh, biển ngoại giao, sẽ tịch thu như thế nào, có khác xe của dân không? Có thể đáp ứng tính khách quan, công bằng hay không?
- Xin khẳng định ngay là không có sự miễn trừ vì theo pháp luật nói chung và Luật Xử phạt hành chính quy định nói riêng không có cơ quan công quyền có quyền cho phép cán bộ sử dụng phương tiện trong trạng thái vi phạm pháp luật (say xỉn) cả. Người vi phạm, sử dụng trái phép tài sản của một cá nhân khác chứ chưa nói đến cơ quan khác, thì người đó sẽ phải chịu trách nhiệm, còn tài sản sẽ được trả về cho cá nhân sở hữu hay cơ quan sở hữu.
Vậy nếu thu xe, người mượn không có khả năng chi trả thì phải giải quyết ra sao cho chủ xe?
- Ở các nước, việc cho mượn xe diễn ra rất hạn chế nên họ không phải bận tâm nhiều về câu chuyện chính chủ hay không khi xử phạt. Ở nước ta chuyện người bị xử phạt không có khả năng chi trả là hiện tượng có tồn tại trong thực tế, tuy nhiên khi đề xuất được áp dụng thì việc mượn xe sẽ giống như một bản cam kết, bản thỏa thuận trách nhiệm và từ đó sẽ hạn chế việc cho mượn xe.
Theo pháp luật, người ta cho phép anh sử dụng xe trong tình trạng không vi phạm chứ không cá nhân hay cơ quan nào cho phép anh sử dụng trong tình trạng vi phạm pháp luật (say xỉn). Cụ thể, khi chủ xe cho mượn xe mà người lái xe không say xỉn, thì khi xảy ra vi phạm xe được giao trả chủ xe và người vi phạm phải chịu trách nhiệm với pháp luật. Người vi phạm phải chịu trách nhiệm về nộp phạt với mức giá trị của xe.
Hiệu quả truyền thông của đề xuất đã nhìn thấy rõ
Ông đánh giá thế nào về việc hành vi tham nhũng, lạm quyền khi thực thi sẽ tác động đến hiệu quả kéo giảm TNGT của đề xuất này?
- Khi đưa ra đề xuất, chúng tôi đã có tính đến. Nhưng tính như thế nào vẫn cần có các cơ quan chức năng phối hợp xem xét. Tuy nhiên, tôi cũng phải nhấn mạnh rằng cần phải tập trung vào những vấn đề có liên quan đến ATGT, những vấn đề có nguy cơ ảnh hưởng trực tiếp đến TNGT.
Nếu như các Bộ đều đồng tình và Chính phủ giao kế hoạch thực thi, vậy cần bao lâu để đưa vào thực tiễn với một loạt công việc, như: xây dựng văn bản với các nghiên cứu, quy trình tịch thu, sửa văn bản liên quan, rồi việc chuẩn bị các bãi thu giữ, hiệu quả bảo quản phương tiện?
- Nói về việc thực thi thì tinh thần sẵn sàng đã rất cao. Sau một thời gian thực thi cần đánh giá thực tế với hai mặt của vấn đề là: Hành vi vi phạm có tăng không và nếu giảm thì giảm được đến đâu. Nhưng theo cách nhìn chủ quan, tôi có niềm tin triệt để về hiệu quả của việc thực thi. Cho đến thời điểm này, mặc dù đề xuất còn nhiều tranh luận ngược xuôi, nhiều vấn đề chưa được sáng tỏ và làm rõ vẫn cần phải bàn luận thêm, nhưng tôi thấy rằng thông điệp “Đã uống rượu thì không lái xe!” đã được phố biến đến người dân. Vì thế có thể nói, dự định này đã thành công trên lĩnh vực truyền thông trong vấn đề ATGT, giảm tải TNGT. Còn việc thực thi thế nào thì cần phải bàn bạc cụ thể hơn nữa.
Xin cảm ơn ông!