Đó là trường hợp của gia đình ông Trần Văn Sừu và anh trai ông là Trần Xuân Phỉu, trú tại cụm 5, xã Thọ Xuân, huyện Đan Phượng (Hà Nội). Tiếp xúc với chúng tôi, ông Sừu cho biết, mỗi lần muốn về căn nhà của mình, mọi người trong gia đình đều phải đi nhờ nhà hàng xóm rồi sau đó tiếp tục “vọt” rào để vào nhà.
Lối đi chia cắt tình người
Nguồn cơn của sự việc hy hữu này bắt đầu từ ngày 5/4/2014, khi người hàng xóm là ông Trần Văn Tẻo không hiểu vì lý do gì bỗng nhiên dùng gạch xây bịt kín lối đi từ bao năm của gia đình ông Sừu. “Mảnh đất của hai anh em tôi do tổ tiên để lại, lối đi duy nhất vào nhà là đi chung với hộ ông Trần Văn Tẻo, khi tôi lớn lên thì lối đi này đã có rồi, đó là đường đi chung, thế nhưng không hiểu vì sao ông Tẻo lại ngang nhiên bịt kín đường đi lối lại vào nhà anh em tôi , đã hơn một tháng qua cuộc sống của gia đình tôi bị ảnh hưởng nghiêm trọng, những thành viên trong gia đình tôi như bị “giam lỏng” bởi không có lối ra” - ông Sừu phân trần.
Tiếp lời chồng, gạt hàng nước mắt lăn dài trên má, bà Trần Thị Thoa cho biết, bà lấy ông Sừu vào năm 1978, từ ngày về làm dâu bà đã đi lối đi này, đến giờ bà vẫn chưa hiểu được vì sao gia đình nhà ông Tẻo lại có thể làm cái việc vô lý đó được.
“Nhà tôi với gia đình ông Tẻo vừa là hàng xóm cũng vừa là anh em. Bên đấy là nhánh trên, bên tôi là nhánh dưới. Đây là lối đi chung, đất không nằm trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của nhà ai..” - bà Thoa cho hay.
Hiện tại, gia đình anh em ông Sừu có gần 20 người cùng sinh sống trong hai căn hộ bị bịt ngõ, nhưng có 3 người già yếu nên việc trèo thang ra ngoài hết sức khó khăn. Đau lòng hơn, cụ thân sinh ra ông Sừu năm nay đã gần 97 tuổi, ở cái tuổi gần đất xa trời, cụ thường hay đau ốm, mỗi khi trái gió trở trời, muốn đi bệnh viện cụ bà 97 tuổi cũng đành phải “vọt” qua tường rào.
Ông Sừu nghẹn ngào: “Người bình thường ra ngoài bằng cách “vọt” rào còn khó huống gì là người già ốm như mẹ tôi, mỗi khi muốn đi thăm khám cho cụ, các con cháu đều phải một người đỡ bên này, một người đỡ bên kia để đưa cụ qua rào”.
Quá uất ức, gia đình ông Sừu đã làm đơn lên các cấp chính quyền địa phương nhờ can thiệp. Nhưng theo phản ánh của ông Sừu thì dường như chính quyền xã đã bỏ ngoài tai, bởi “ông Chủ tịch xã với gia đình ông Tẻo là anh em” - ông Sừu cho biết.
Mỗi khi trái gió trở trời, mẹ ông Sừu (97 tuổi) cũng phải “vọt” rào để đi khám bệnh |
Việc gần 20 thành viên của gia đình anh em ông Sừu bị bịt lối đi vào nhà, cơ quan chức năng huyện Đan Phượng đều biết rất rõ. Bởi vậy, ngày 21/4/2014, UBND huyện Đan Phượng có Công văn số 325/UBND - VP chỉ đạo UBND xã Thọ Xuân xem xét giải quyết, báo cáo UBND huyện trước ngày 29/4. Thế nhưng sự việc mặc dù đã được báo cáo lên UBND huyện, song cho đến nay việc hai gia đình bị “giam lỏng” vẫn không được giải quyết dứt điểm.
Trước sự việc hy hữu này, trao đổi với Báo PLVN, ông Hoàng Văn Chi, Phó Chủ tịch UBND xã Thọ Xuân cũng thừa nhận lối đi bị ông Tẻo bịt lại, theo bản đồ địa chính năm 2003 thể hiện là lối đi chung với gia đình anh em ông Sừu. Tuy nhiên, vị Phó Chủ tịch xã lại cho rằng: “Xã không đủ chức năng, thẩm quyền giải quyết nên đã chuyển toàn bộ hồ sơ vụ việc lên UBND huyện Đan Phượng”.
Được biết, ngày 06/5 vừa qua, Huyện ủy Đan Phượng đã có Công văn số 09/PCĐ/VPHU đề nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Đan Phượng, UBND xã Thọ Xuân xử lý, giải quyết và báo cáo với đồng chí Bí thư Huyện ủy trước ngày 30/5. Và, trong khi chờ các cấp chính quyền “chỉ đạo”,” báo cáo” thì gia đình ông Sừu vẫn đang phải chịu cảnh “cô lập”, không “người giải cứu”.
Trước thực trạng trên, thiết nghĩ các cơ quan chức năng huyện Đan Phượng cần gấp rút vào cuộc xử lý dứt điểm vụ việc, đảm bảo những quyền lợi tối thiểu cho người dân ổn định cuộc sống, tránh ảnh hưởng xấu tới dư luận, làm mất tình hình an ninh trật tự tại địa phương.