Hiểm họa nhãn tiền từ các vụ việc tai tiếng
Những gì mà phóng viên Báo PLVN “mục kích” về khâu thu gom, phân loại và xử lý RTYT tại một số cơ sở y tế và làng nghề tái chế rác thải trong kỳ báo trước càng được “khắc họa” đậm nét hơn bởi một loạt những sai phạm trong lĩnh vực này mà cơ quan chức năng đã phát hiện.
Cụ thể, sau vụ cán bộ Khoa Giải phẫu, Trường Đại học Y Hà Nội vứt nội tạng người vào khu tập kết rác thải của BV Giao thông Vận tải được Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Hà Nội phát hiện vào tháng 10/2008 thì tháng 3/2011, dư luận lại một lần nữa hoảng hồn khi Phòng Cảnh sát Môi trường, Công an Nam Định bắt giữ một xe ô tô tư nhân chở tới 3 bao xác rắn đựng kim tiêm đã qua sử dụng đi tiêu thụ.
Rùng rợn hơn khi tháng 4/2013, lực lượng Cảnh sát Môi trường sở tại bắt quả tang Phòng khám đa khoa Phía Nam (Trương Định, Hoàng Mai, Hà Nội) sau khi thực hiện các ca nạo phá thai đã vứt RTYT nguy hại (trong đó có cả kim tiêm, bông băng dính máu, dịch truyền) ra môi trường không đúng quy định.
Những hiểm họa mà RTYT gieo rắc cho con người, theo TS Trần Tuấn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng có mấy loại: Thứ nhất, có thể gây sát thương cho người bởi vật sắc nhọn như kim tiêm, dao cắt, dụng cụ can thiệp y tế; hai là, nguồn lây nhiễm bệnh tật từ các loại bệnh phẩm trong quá trình khám, chữa bệnh như máu, đờm, phân, chất tiết, bệnh phẩm sinh thiết, các tổ chức cắt bỏ; ba là, nguồn gây mất cân bằng sinh học môi trường, hậu quả của các dược phẩm loại bỏ thải ra môi trường; và bốn là, sự gây độc cho môi trường, đất, nước, hậu quả của các chất độc dùng trong y học, các hóa chất dùng trong các phòng xét nghiệm, các chất thải chứa kim loại nặng. “Tất cả nếu không được kiểm soát sẽ đe dọa trực tiếp tới sức khỏe cộng đồng và cả sự bền vững sinh học của môi trường sinh thái!” - TS Trần Tuấn khẳng định.
Bằng chứng của sự ảnh hưởng đến sức khỏe cộng đồng hiển hiện rõ ràng hơn khi PGS.TS Nguyễn Huy Nga, Cục trưởng Cục Quản lý Môi trường Y tế, Bộ Y tế cho biết: “Hầu hết sự lây lan các dịch bệnh (tả, lỵ...) từ các BV cũng từ RTYT mà ra”. Ông Nga còn lo ngại, trường hợp RTYT nguy hại (đặc biệt là các loại kháng sinh) không được xử lý đúng cách sẽ lan ra môi trường, gây nên tình trạng kháng thuốc trong cộng đồng.
“Lực bất tòng tâm”?
Theo PGS.TS Nguyễn Huy Nga, số RTYT mà hơn 130 BV, trên 10.000 trạm y tế cả nước thải ra khoảng 450 tấn/ngày (trong đó 10% - khoảng 47 tấn là RTYT nguy hại). Tuy nhiên, từ việc thu gom, phân loại đến xử lý RTYT hiện nay đều chưa đạt yêu cầu. Cụ thể, ông Nga cho biết, do không có kiến thức, những người thu gom không biết phân loại, để lẫn lộn các loại RTYT. Thùng chứa RTYT không có nắp đậy, đậy không kín nên nguy cơ phát tán vi trùng, vi khuẩn ra môi trường là khó tránh khỏi.
Kiểm tra nhiều cơ sở, Cục Quản lý Môi trường y tế cũng phát hiện đa số BV không có kho chứa RYTT, nếu có thì không đảm bảo tiêu chuẩn (diện tích nhỏ hẹp, ẩm thấp, thiếu thiết bị bảo quản RTYT...). Ngoài ra, không ít cơ sở có hành vi vứt RTYT lung tung, hoặc cấu kết với kẻ gian “tuồn” RTYT ra ngoài bán kiếm lời.
Về xử lý RTYT, ông Nga cho hay, hiện có hai hình thức xử lý chủ yếu: Một là, xử lý tại BV; hai là, BV tự thu gom, phân loại, bảo quản rồi thuê Công ty Môi trường đô thị mang đi xử lý tập trung. Tuy nhiên, do kinh phí có hạn, phần lớn các lò đốt đều không đạt yêu cầu, gây ô nhiễm ra môi trường rất cao.
Hiện, cả nước có tổng số 369 lò đốt 2 buồng, 120 lò đốt 1 buồng, nhưng phần lớn được tài trợ từ các Dự án, không “tự chủ” nên công tác này không mấy được quan tâm. Thực tế, lò đốt vận hành rất tốn kém nhưng các BV không chịu đầu tư, bảo dưỡng nên sử dụng một thời gian lại hỏng, bỏ đấy; các cán bộ vận hành, sửa chữa thiết bị thì chủ yếu là kiêm nhiệm, không được đào tạo, không có kiến thức..., nên rất lúng túng và không biết xử trí thế nào khi lò đốt hỏng.
Có cơ sở máy vừa cũ, vận hành không đúng quy trình gây ô nhiễm môi trường bị người dân phản ứng nên buộc phải dừng hoạt động, chuyển về phương án cũ là thuê đơn vị đến mang đi xử lý chỗ khác. Thậm chí, có cơ sở đốt xong không biết xử lý tro thế nào lại đem chôn lấp, và thế là các chất độc hại ngấm xuống nước ngầm, gián tiếp gây hại cho người dân sống lân cận.
Bài toán quá khó giải…
Để giải bài toán khó này, ông Nguyễn Xuân Vinh, Khoa Tim mạch, BV Việt Đức cho rằng, để các BV tự vận hành là không thể, vì mức phí đầu tư cho xử lý nguồn nước thải, RTYT quá lớn, vì thế cần có sự tính toán của Nhà nước ở tầm vĩ mô. Cũng theo ông Vinh, thực tế hiện nay các BV vẫn đang “loay hoay” trong việc lựa chọn cho mình phương pháp xử lý RTYT chuẩn, an toàn, hiệu quả…
Chính vì mọi điều kiện đều thiếu và yếu nên theo ông Vinh, việc Công ty Môi trường đô thị xử lý vẫn là giải pháp hợp lý, cả về phương diện đầu tư và kinh phí, tuy nhiên phải khẳng định rằng, 1/10 lượng rác từ BV đưa ra ngoài là nguy hại, trong khi xử lý loại rác thải này tốn kém hơn nhiều so với rác thải sinh hoạt thông thường. Bởi thế, khó tránh khỏi những “hạn chế”, “bất cập” và “vi phạm pháp luật”…
Đề cập đến cái gốc của sự lúng túng và khó khăn này, theo TS Trần Tuấn, quản lý RTYT không chỉ đơn thuần ở thu gom, vận chuyển, xử lý cơ học mà đó là hoạt động có cơ sở khoa học và phải được tổ chức có hệ thống thống nhất trên phạm vi quốc gia.
Nhưng nhìn vào thực tế, bằng con mắt của nhà khoa học, một nhà nghiên cứu chuyên về sức khỏe, TS Trần Tuấn cho rằng: “Mọi cái hiện có rất rời rạc, sơ khai, nhiều lỗ hổng hệ thống, bắt đầu từ việc thiếu một bản chiến lược thiết kế hệ thống trên phạm vi quốc gia, từ quy phạm pháp luật, tổ chức hệ thống chức năng, các quy định, quy trình tổ chức thực thi, rồi cả công tác giám sát, đánh giá, tổ chức đào tạo nhân lực..., tất cả đều thiếu đến độ ngạc nhiên!”.
Cần sự chung tay!
Hiện trạng trên, theo TS Trần Tuấn, là hậu quả của một tiến trình kéo dài nhiều năm, do sự kém phát triển của nền y học dự phòng và y tế công cộng. Ông Tuấn cho rằng, ngành y học dự phòng đã không được thiết lập và phát triển dựa trên nguyên lý về mối quan hệ căn nguyên về nguồn gốc bệnh tật giữa môi trường - tổ chức hệ thống y tế và sức khỏe người dân, trong đó vấn đề tổ chức môi trường BV theo nguyên lý dự phòng đã không được lưu ý. Có thể thấy rõ điều này khi xét thiết kế các BV, từ việc chọn địa điểm, cấu trúc các khu nhà, đến vấn đề tổ chức hệ thống thu gom vận chuyển và xử lý RTYT.
Ông Tuấn nhận định thêm, hệ thống y tế công cộng của chúng ta cũng không được đặt đúng vị trí, để đưa lại một cách nhìn tổng thể xét mọi đường lối, chính sách y tế theo nguyên tắc của y tế công cộng, tức là, cân bằng lợi ích của các bên tham gia hệ thống, trong đó, lợi ích sức khỏe công được Nhà nước bảo hộ.
Thực tế, làm tốt y tế công cộng sẽ đưa lại một hệ thống luật chuyên ngành y tế phát triển đảm bảo các bên cung cấp dịch vụ và sử dụng dịch vụ cùng tuân thủ trong một khung pháp lý đảm bảo lợi ích sức khỏe cộng đồng và sự bền vững của môi trường sinh thái.
Tuy nhiên, nhìn vào vấn đề xử lý RTYT của ta, “sẽ thấy ngay khung pháp lý, tức luật và chính sách liên quan, chưa được phát triển bao nhiêu, và vì thế, cả xã hội đang rất lúng túng với thực tế phát triển dịch vụ y tế trong nhiều năm qua. Càng phát triển các BV, các phòng khám, cả công và tư, vấn đề chất thải bỏ càng nổi cộm và trở thành nguy cơ hiện hữu cho sức khỏe cộng đồng” - TS Trần Tuấn khẳng định.
Để giải quyết thực trạng hiện nay, theo TS Trần Tuấn, phải bắt đầu bằng việc tạo ra một ủy ban đứng ra nghiên cứu giải quyết thực trạng hiện tại, không nên đòi hỏi Bộ Y tế phải chịu trách nhiệm tất cả. Ủy ban độc lập này sẽ được giao nhiệm vụ cụ thể thực hiện nghiên cứu thực trạng hiện nay, rà soát lại toàn bộ hệ thống quy phạm pháp luật liên quan, rồi từ kiến thức khoa học quản lý RTYT, đặc biệt từ các hướng dẫn của Tổ chức Y tế Thế giới, tiến hành nghiên cứu vận dụng vào điều kiện của Việt Nam, phát triển hẳn một tài liệu pháp lý chuyên ngành quản lý RTYT, được Quốc hội thông qua thành luật. Trên cơ sở ấy, Chính phủ sẽ đưa vào triển khai thực thi.
Đồng quan điểm này, theo ông Nguyễn Xuân Vinh, để làm tốt việc xử lý RTYT cần sự chung tay, góp sức của tất cả các cấp, Bộ, ngành liên quan; chính sách, sự đầu tư có kế hoạch của Nhà nước các trung tâm xử lý RTYT, bên cạnh đó là sự phối kết hợp và thực hiện giám sát chặt chẽ của lực lượng Cảnh sát Môi trường để đảm bảo quy trình thực hiện đúng. Ngoài ra, mọi người, từ nhân viên y tế, bệnh nhân và người thân đến BV cũng phải thực hiện tốt việc thực hành phân loại rác thải ngay khi thải ra. Có như vậy, bài toán RTYT mới tìm được lời giải.