Trước khi lắp đặt, lò đốt rác thải y tế Chuwastar F- 1SH đã được Bộ Khoa học & Công nghệ thẩm định tại văn bản số 204/BKHCN- ĐTG. Theo đó cả 3 loại lò (Model F-1S, F-2 và FE-15) đều đạt các đặc điểm kỹ thuật và đã được tính toán theo TCVN 7380-2004 về lò dốt chất thải y tế theo quy định Việt Nam. Cũng tại văn bản này, Bộ KH&CN khẳng định: Lò được bảo ôn bằng lớp nước (ngay cả tại bộ phận buồng đốt), có tác dụng giúp giảm nhiệt độ thành lò, đảm bảo tuổi thọ và an toàn cho người vận hành.
Với hai buồng cháy không ngăn cách cùng các thiết bị điều khiển chế độ đốt làm cho quá trình đốt cháy hoàn toàn, tận dụng được nhiệt để sấy nóng không khí cấp vào, gia nhiệt và sinh hơi nước phục vụ cho quá trình khử bụi, tăng hiệu quả xử lý bụi trước khi thải ra môi trường, đồng thời cũng giảm được nhiệt độ của khói thải một cách nhanh chóng và hạn chế khả năng hình thành dioxin và furan.
Sở Y tế Hà Nội cho biết khi thực hiện dự án lắp đặt lò đốt rác thải y tế, Hội đồng thẩm định đã được thành lập với sự góp mặt của các nhà khoa học hàng đầu trong nước. Sau khi thẩm định chất lượng lò Chuwastar, các nhà khoa học đã nhận xét, một trong những điểm ưu việt tiếp theo của lò là: Cấu tạo của lò cho phép tạo áp suất âm trong buồng đốt nhiệt phân, đảm bảo ngọn lửa không trào ra ngoài khi cần mở cửa lò trong quá trình đốt, có thể định kỳ bỏ rác vào trong lò khi đốt, tiết kiệm được nhiên liệu, giảm chi phí vận hành, tăng hiệu quả kinh tế. Khói thải sau khi hình thành ở buồng đốt cấp 1 tiếp tục được đốt cháy hoàn toàn ở buồng đốt cấp 2 ở nhiệt độ từ 1050 độ C- 1200 độ C.
Lò đốt có hệ thống Cyclon tổ hợp có hiệu quả xử lý bụi cao (sử dụng một phần hơi nước để tăng hiệu quả xử lý); khói thải được pha loãng với không khí lạnh bằng Ejecter trên ống khói để hạ nhiệt độ xuống 250 độ C trong khoảng 0,5-1 giây nhằm đảm bảo ngăn ngừa sự tái sinh dioxin/furan đã bị phân hủy trước đó. Lò sử dụng phương pháp tính toán nồng độ khí thải bằng mô hình cân bằng vật chất là phù hợp, có độ tin cậy, kết quả tính toán lý thuyết cho thấy khí thải của lò đáp ứng được Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia QCVN 01:2008/BTNMT.
Kết quả thẩm định của các nhà khoa học cộng với kinh nghiệm sản xuất lò đốt rác y tế nhiều năm của công ty Chuwastar Nhật Bản cho thấy lò Chuwastar thực sự ưu việt, công nghệ hiện đại, không gây ô nhiễm cục bộ và ô nhiễm thứ cấp, ít tro và đặc biệt xử lý triệt để các hơi, khí độc hại, nhất là dioxin. Lò đốt rác thải y tế Chuwastar được lắp đặt rộng rãi tại Nhật Bản cũng như trên thế giới.
Lò đốt rác đang hoạt động tại bệnh viện Quốc Oai |
Tại Việt Nam, từ năm 2011 tới nay đã có khoảng 150 lò Chuwastar được lắp đặt tại các bệnh viện huyện, tỉnh và tất cả đều đang vận hành tốt, đơn vị lắp thường xuyên bảo hành, bảo dưỡng lò đốt định kỳ cũng như hỗ trợ rất nhanh chóng, kịp thời các cho các bệnh viện có lò đốt. Các chuyên gia của Chuwastar khẳng định nếu vận hành đúng quy trình của nhà sản xuất hướng dẫn, không thể xảy ra hiện tượng khói có màu đen, có mùi tan khét lẹt của máu mủ, mùi gây gây đặc trưng của thịt sống bị thiêu như mô tả phiếm chỉ của một người dân trên truyền thông gần đây.
Để làm sáng tỏ vấn đề, nhóm phóng viên đã đề nghị các bệnh viện thực nghiệm tại lò đốt. Việc thực nghiệm khá đơn giản, đó là vận hành đúng quy trình và vận hành “tắt” hoặc sai lệch một chút so với quy trình. Ngay lập tức đáp số đã hiện ra. Tại lò đốt của bệnh viện Quốc Oai, chuyên viên kỹ thuật của Chuwastar cho vào lò một bịch được bệnh viện xác nhận là rau thai. Ngay lập tức trong lò có tiếng nổ lép bép nhỏ và cột khói bốc lên và có màu xám đen. Lô rác thứ hai là một lô bỉm ướt, khói nhạt hơn, lô thứ ba là một lượng rác lớn sau đó mở cửa lò liên tục, kết quả khói cũng bốc lên tương tự và có mùi lan tỏa trong không khí như đốt rơm rạ ẩm.
Bọc nhau thai và bỉm ướt được cho vào lò... |
Tại lò đốt bệnh viện Thạch Thất, chuyên viên kỹ thuật của Chuwastar tắt Burnner (đầu đốt phun dầu khiến nhiệt độ trong lò không đủ theo quy định), khói đậm màu cũng bốc lên. Khi chuyên viên tắt quạt lò sớm (khi chưa đốt xong triệt để), hiện tượng khói cũng bốc lên. “Hiểu một cách đơn giản cho hiện tượng này, bạn cứ thử hình dung lại khi đốt vàng mã trong lò nhỏ ở nhà của bạn, bạn cho cùng lúc lượng lớn vàng mã vào và lửa nhỏ, giấy ẩm, cháy không hết sẽ dính xuống đáy lò và chồng lên nhau dẫn tới khói đậm đặc và bốc lên, nếu bạn khơi cho lửa cháy đều, đủ và cho vàng mã vào đốt đủ lượng thì không có khói như vậy. Lò đốt rác thải y tế cũng như vậy, khi lượng rác thải cho vào không được phân loại hoặc cho quá nhiều, sức nóng trong lò không đốt hết được ngay lập tức sẽ gây ra khói trong thời gian ngắn ( khoảng 1 phút) sau đó khi rác cháy bớt đi, vừa với sức nóng thì khói sẽ tan”, chuyên viên kỹ thuật của Chuwastar phân tích.
Cũng theo vị chuyên gia này thì ngoài nguyên nhân trên còn có thể xảy ra hiện tượng khói hay có mùi khi người vận hành lò tiết kiệm, thậm chí ăn bớt nhiên liệu mà tắt quạt lò sớm hơn quy định hoặc không dùng đúng dầu DO mà dùng dầu khác chất lượng thấp hơn về đốt hoặc tắt Burnner.
...ngay lập tức ống khói chuyển màu |
khi đốt riêng thì không còn khói nữa |
Là người có 10 năm thâm niên vận hành lò đốt rác thải y tế, anh Nguyễn Tuấn Chiến, nhân viên bệnh viện Thạch Thất cho biết khối lượng rác cho vào lò mỗi lần chỉ là 15-20 kg, nếu nhiều hơn và cho vào sai quy tắc sẽ xảy ra khói và mùi. “Kinh nghiệm của tôi là thường xuyên kiểm tra bảo dưỡng bảo trì máy, lượng dầu bơm đủ và tốt, vận hành đúng nguyên lý của máy. Làm đúng như vậy thì không bao giờ xảy ra sự cố hay có khói, có mùi”, anh Chiến khẳng định.
Ông Vũ Bá Sơn, giám đốc bệnh viện Thạch Thất cũng chia sẻ: “Quy trình vận hành lò đốt không phức tạp, ý thức trách nhiệm người vận hành lò là quan trọng nhất. Nhau thai, mô thai hay mô tế bào mà không đốt từ từ cứ cho vào một lúc thì tránh sao được khói và mùi. Nhà sản xuất đã hướng dẫn mỗi một mẻ rác thải là 15-20 kg mà cho vào 40 kg một lúc vừa hao dầu lại vừa khói, lâu dài còn làm hỏng máy. Bệnh viện chúng tôi quán triệt vấn đề này rất rõ ràng, do vậy từ khi sử dụng tới nay lò vận hành tốt, không có vấn đề gì”.
Về vấn đề xử lý xỉ than sau khi đốt, các bệnh viện đều cho biết lượng xỉ than không nhiều, chất thải rắn từ giải phẫu, dược phẩm, phòng xét nghiệm, chất thải gây lây nhiễm đến các vật sắc nhọn như kim tiêm hay thủy tinh đều được đốt triệt để, biến dạng nhiều phần, khử hóa chất, không còn nguy hại với môi trường. Các bệnh viện phổ biến sử dụng phương pháp hầm chứa xỉ than và thuê công ty xử lý môi trường tới thu gom theo tháng và dùng xe đặc chủng chuyên chở ra khỏi bệnh viện. Không bệnh viện nào phàn nàn hay kêu ca về việc xử lý xỉ than sau khi đốt bằng lò Chuwastar.
Phản ứng trước những thông tin thất thiệt về lò đốt Chuwastar, đại diện công ty Chuwa Nhật Bản cho biết rất buồn vì điều này và cho rằng dường như có dấu hiệu của sự “sắp xếp” nào đó nhằm cạnh tranh không lành mạnh với các sản phẩm của Chuwastar. “Chuwa được thành lập năm 1969 tại Tokyo và đã nghiên cứu lò xử lý rác thải từ đó. Sản phẩm của chúng tôi đã được sử dụng tại 17 nước trên thế giới và được Chủ tịch TP Tokyo trao tặng bằng chứng nhận doanh nghiệp sản xuất thiết bị môi trường đạt tiêu chuẩn, chúng tôi đang tham gia một số dự án về môi trường của Chính phủ Nhật Bản. Chúng tôi cam kết rằng các sản phẩm lắp đặt tại Việt Nam đạt tiêu chuẩn, phù hợp với pháp luật Việt Nam, xử lý triệt để chất thải rắn y tế cũng như các chất thải nguy hại khác, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người”, đại diện Chuwa chia sẻ.
Được biết, liên quan đến “oan án” lò đốt rác thải Chuwastar, Sở Y tế, UBND TP Hà Nội đã có báo cáo tại văn bản số 2267/ SYT-KH ngày 3/7/2014. Theo văn bản này thì Sở Y tế Hà Nội đã tổ chức đoàn kiểm tra hoạt động của lò đốt rác của 2 bệnh viện Quốc Oai và Đan Phượng - nơi có thông tin lò đốt kém chất lượng, hỏng hóc - kết quả cho thấy hệ thống lò đốt vẫn hoạt động bình thường.
Công ty AIC, đơn vị được Chuwastar ủy quyền bán hàng tại Việt Nam cho biết từ thực trạng một số bệnh viện đang vận hành chưa đúng quy trình của nhà sản xuất hướng dẫn, đơn vị này sẽ gia tăng thêm số lần bảo trì bảo trì, hướng dẫn lại toàn bộ cho các bệnh viện về quy trình xử lý rác thải y tế bằng lò Chuwastar.
“Có thể chúng tôi sẽ yêu cầu các bệnh viện phải gắn thêm bản quy trình tại khu vực bên ngoài nhà vận hành lò để mọi người khi đến ngay từ ngoài đã dễ nhận ra hơn, cả cán bộ vận hành và cán bộ khác của bệnh viện cũng biết và tăng cường thêm công tác giám sát cộng đồng ngay trong bệnh viện với việc vận hành lò Chuwastar, nhằm hạn chế tối đa những sự cố do lỗi chủ quan của người vận hành lò đốt gây ra - vì trong khu vực vận hành đã được gắn qui trình hướng dẫn”, Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó TGĐ AIC khẳng định.
Trước đó, Cục Quản lý Môi trường Y tế (Bộ Y tế) cũng đã có văn bản yêu cầu tất cả các bệnh viện được đầu tư lò đốt rác thải y tế Chuwastar có báo cáo về hiệu quả hoạt động của lò. Kết quả cũng cho thấy thông tin lò đốt rác thải y tế Chuwastar gây khói đen kịt hay tỏa mùi thịt sống bị thiêu là không có thật.
Chuwastar có thể là “nạn nhân” của chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh.
Dưới góc độ một chuyên gia có 10 năm làm việc trong các dự án hợp tác công- tư ở Việt Nam, ông Nguyễn Tiến Đức, TGĐ AMD Group cho rằng Chuwa có thể là “nạn nhân” của chiêu trò cạnh tranh không lành mạnh.
“Tôi sang Nhật thấy có bệnh viện dùng lò đốt Chuwastar 10 năm mà vẫn vận hành tốt, 17 nước trên thế giới chấp nhận Chuwastar và một hội đồng thẩm định danh tiếng đã thẩm định trước khi lắp đặt Chuwastar. Rõ ràng trên cả phương diện pháp lý và khoa học, lò đốt rác thải y tế Chuwastar đã được xác nhận đạt tiêu chuẩn. Giải oan cho Chuwastar là phần ngọn, cội rễ là phải làm rõ việc có hay không hiện tượng cố tình làm sai quy trình có mục đích, làm hư hại tài sản công, ảnh hưởng xấu tới môi trường và chính sách xã hội hóa y tế mà một nước đang phát triển như chúng ta đang rất cần đẩy mạnh để có một nền y tế trình độ y văn tương xứng với dịch vụ y tế”, ông Đức phân tích.
Là một doanh nhân nhiều kinh nghiệm trong các dự án hợp tác công tư, ông Đức lưu ý "hiện tượng" cạnh tranh không lành mạnh có thể ảnh hưởng tới môi trường thu hút đầu tư, nhất là trong các dự án cần xã hội hóa như y tế. "Hiện nay mối quan hệ hợp tác giữa hai Quốc gia Việt Nam và Nhật Bản đã nâng cao lên mức quan hệ chiến lược, các hoạt động đầu tư, thương mại, chuyển giao công nghệ đang ngày càng phát triển tạo mang lại lợi ích cho cả hai Quốc gia, trong đó đặc biệt Việt Nam đang rất cần các công nghệ nói chung và công nghệ trong xử lý môi trường nói riêng từ Nhật Bản chuyển giao, việc xử lý không tốt, tạo ra các vấn đề cạnh tranh không lành mạnh sẽ có ảnh hưởng xấu tới tiến trình và quan hệ này", ông Đức nhấn mạnh.