Tham dự cuộc họp có đại diện lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn; Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Thông tin và Truyền thông; Sở Kế hoạch và Đầu tư; Sở Tài chính; Sở Công Thương; Sở Khoa học và Công nghệ; Sở Xây dựng; Ban Quản lý khu kinh tế; UBND thành phố Cà Mau; Trung tâm Xúc tiến đầu tư và hỗ trợ doanh nghiệp (iPEC), Hội Thủy sản Cà Mau; Hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh.
Festival Tôm Cà Mau dự kiến được tổ chức vào tháng 6/2023, với chủ đề “Cà Mau chung tay nâng tầm Tôm Việt”. |
Tại cuộc họp, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau thông qua dự thảo Kế hoạch tổ chức Festival Tôm và dự thảo Quyết định thành lập Ban Chỉ đạo, Ban tổ chức và các Tiểu ban phục vụ Festival Tôm.
Phát biểu chỉ đạo cuộc họp, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau Lê Văn Sử kết luận: Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan, rà soát tên sự kiện, chủ đề và chủ trương thực hiện Festival Tôm; phối hợp Sở Công Thương xin ý kiến, trao đổi thống nhất với các đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về nội dung, quy mô tổ chức Hội chợ thương mại trong thời gian diễn ra sự kiện...
Rà soát, điều chỉnh, bổ sung các Hội thi theo hướng chuyên sâu nhằm khai thác tốt các cơ hội quảng bá, mở rộng thị trường thông qua Festival Tôm; nghiên cứu tiếp thu các ý kiến góp ý của các đại biểu tại cuộc họp, phối hợp Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương hoàn thiện Kế hoạch;
Đồng thời, tham mưu UBND tỉnh xin ý kiến Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về tên gọi, chủ đề sự kiện, như ý kiến chỉ đạo của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Công văn số 642/BNN-VPĐP ngày 08/02/2023.
Yêu cầu các cơ quan, đơn vị chức năng rà soát thực hiện các nhiệm vụ có liên quan, gửi về Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trước ngày 6/4/2023. Thời gian hoàn thiện dự thảo Kế hoạch trước ngày 10/4/2023.
Nghề làm tôm khô - Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia
Mới đây, Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau vừa gửi hồ sơ khoa học trình Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch để công nhận Nghề làm tôm khô là Di sản văn hoá phi vật thể quốc gia.
Tôm khô Cà Mau được làm từ thịt con tôm đất, tôm sú nuôi tự nhiên, hương vị đậm đà, giúp hàng ngàn hộ dân làm nghề có thêm nguồn thu nhập khá. |
Được biết, Cà Mau vốn là vùng đất “lắm tôm nhiều cá” với nguồn lợi con tôm được đánh bắt quá nhiều và không thể sử dụng hết, điều kiện buôn bán, trao đổi với các địa phương khác cũng khó khăn, nên cư dân địa phương nghĩ ra cách phơi khô để bảo quản lâu dài. Nghề làm tôm khô từ đó mà được hình thành.
Hiện nay, tỉnh Cà Mau có tổng diện tích đất nuôi tôm (chủ yếu là con tôm sú) khoảng 266.000 ha. Trong đó, diện tích đất nuôi tôm công nghiệp 9.587 ha, đất nuôi tôm quảng canh cải tiến 90.552 ha. Còn lại là diện tích đất nuôi tôm quảng canh truyền thống.
Ông Trần Hiếu Hùng - Giám đốc Sở Văn hoá - Thể thao và Du lịch tỉnh Cà Mau cho biết: “Năm 2021, tỉnh Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu tôm trên 1 tỷ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. Trong đó, các mặt hàng xuất khẩu được chế biến từ con tôm sú chiếm tỉ trọng lớn, trở thành nguồn hàng chủ lực trong xuất khẩu thủy sản ở Cà Mau và được thị trường ở nhiều nước trên thế giới ưa chuộng.
Từ nguồn nguyên liệu dồi dào và chất lượng, nên sản phẩm tôm khô Cà Mau nổi tiếng trong cả nước và có hương vị rất riêng. Sở dĩ tôm khô Cà Mau được nhiều người tiêu dùng ưa chuộng bởi con tôm Cà Mau sinh trưởng trong môi trường nước lợ, cửa sông phù sa, màu mỡ nhiều thức ăn nên con tôm ngọt, chắc thịt và có màu đỏ tự nhiên.
Đồng thời, nghề làm tôm khô ở Cà Mau thành nghề truyền thống đang phát triển và có thương hiệu, có thể nói, với cách chế biến độc đáo từ nguồn nguyên liệu tươi sống trên những cánh đồng ngập mặn, tôm khô Cà Mau mang một hương vị khác lạ, hòa trộn giữa vị ngọt của đất, vị mặn của biển và dưới ánh nắng tự nhiên đã tạo nên món đặc sản nổi tiếng của vùng Cà Mau hào sảng từ hàng trăm năm, mang nét đặc trưng riêng của vùng đất biển phù sa Cà Mau”.
Giá trị của di sản văn hóa
Sản phẩm tôm khô trở thành món ăn truyền thống trong các dịp lễ tết của người Nam bộ nói chung, người Cà Mau nói riêng. Trong đó, món tôm khô dưa kiệu trong ngày Tết Nguyên Đán hầu như nhà nào cũng có, trở thành nét văn hóa ấm thực đặc sắc của người Cà Mau...
Năm 2021, tỉnh Cà Mau đạt kim ngạch xuất khẩu tôm trên 1 tỷ USD, chiếm 33% kim ngạch xuất khẩu tôm của cả nước. |
Vì vậy, nghề làm tôm khô ở Cà Mau khẳng định được thế mạnh, là một nghề thủ công truyền thống, mang lại hiệu quả nhất định trong đời sống kinh tế và xã hội của người dân trong vùng...
Hiện nay, sản phẩm tôm khô không chỉ được cộng đồng trong vùng ưa chuộng mà còn lan rộng ra nhiều địa phương trong nước và ngoài nước như Campuchia, Thái Lan…
Tỉnh Cà Mau hiện có hơn 100 cơ sở sản xuất tôm khô từ quy mô hộ đến hợp tác xã, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động, riêng huyện Ngọc Hiển chiếm 200 - 300 lao động, với thu nhập ổn định từ 2 - 4 triệu đồng/tháng tùy theo mùa vụ, lúc cao điểm thu nhập có thể tăng gần gấp đôi.
“Tỉnh Cà Mau đang có chủ trương phát triển nghề làm tôm khô thành nghề truyền thống và có thương hiệu, trong đó dự kiến mỗi năm cung cấp cho thị trường ít nhất 50 tấn sản phẩm. Việc xây dựng làng nghề tôm khô vừa để bảo tồn làng nghề truyền thống, vừa giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Trong thời gian tới, tỉnh Cà Mau tiếp tục thực hiện các biện pháp bảo vệ và phát huy giá trị của di sản văn hóa Nghề làm tôm khô...” - ông Trần Hiếu Hùng cho biết thêm./.