“Tôi không thể ở hai nơi cùng một lúc”
Trước việc bị người khác mang sổ đỏ đến đòi 47,6m2 đất tại tổ dân phố Hạnh Phúc II, quận Đồ Sơn, ông Hai đã có đơn tố cáo Công chứng viên N.Q.H (thuộc một văn phòng công chứng trên địa bàn TP.Hải Phòng) bịa đặt ra việc ông có mặt tại Văn phòng công chứng (VPCC) này vào ngày 6/6/2012 để ký và điểm chỉ vào hợp đồng chuyển nhượng đất cho vợ chồng ông Hoàng Xuân Luyến (trú tại quận Đồ Sơn).
Ông Hai cho hay: “Từ sáng 4/6 đến tối 6/6/2012, tôi kết hợp với Luật sư Đỗ Mạnh Hải (Văn phòng LS số VII, TP.Hà Nội) vào tỉnh Thanh Hóa làm việc với gia đình ông Nguyễn Đình Chiểu để giúp đỡ trong một vụ kiện; sau đó làm việc với TAND huyện Nga Sơn để làm thủ tục kiện ly hôn cho một thân chủ khác nên không thể đồng thời có mặt tại TP.Hải Phòng để ký hợp đồng chuyển nhượng đất trước mặt Công chứng viên H được”.
Cam đoan về nội dung trên, ông Hai còn cho biết: “Thông thường, trong quan hệ chuyển nhượng đất thì bên bán sẽ là bên phải xuất trình sổ đỏ. Nhưng trong trường hợp này đã có sự vô lý khi phía ông Luyến (bên mua) lại là bên yêu cầu công chứng và trình sổ đỏ (mang tên ông Hai - PV) với VPCC”.
Về lý do ông Hoàng Xuân Luyến có được sổ đỏ cũng như bản sao chứng minh nhân dân và hộ khẩu của ông Hai để xuất trình cho VPCC, hợp thức hóa về mặt thủ tục khi chứng thực công chứng, ông Hai cho hay: “Vào tháng 12/2010, tôi đã dùng sổ đỏ để bảo lãnh cho một người bạn là Vũ Đức Thắng vay 500 triệu đồng của anh Luyến, thời hạn trên một năm, với lãi suất thỏa thuận là 7,5%/một tháng. Anh Thắng có trách nhiệm trả tiền lãi hàng tháng và tiền gốc. Trường hợp anh Thắng không trả được tiền gốc thì tôi chịu trách nhiệm trả hộ tiền gốc. Khi anh Thắng đã trả tiền lãi được 375 triệu đồng, bản thân tôi đã trả giúp được 120 triệu đồng tiền gốc thì xảy ra chuyện công chứng Hợp đồng chuyển nhượng đất giả mạo trên”.
Được biết, cùng với đơn tố cáo thì ông Hai cũng đã gửi toàn bộ chứng từ, giấy chuyển tiền (gốc và lãi) đến Công an quận Đồ Sơn để chứng minh quan hệ vay mượn tiền trên. Thừa nhận chữ ký và dấu điểm chỉ trong hợp đồng là của mình nhưng ông Hai thông tin thêm: “Khi bảo lãnh cho anh Thắng vay tiền, tôi đã được anh Luyến yêu cầu phải ký và điểm chỉ vào một hợp đồng bán đất để làm tin. Đây là hợp đồng mua bán giả tạo để làm tin trong việc vay mượn tiền, không phải là mua bán thật. Và một năm rưỡi sau thì hợp đồng giả tạo này lại được Công chứng viên xác nhận mà không có mặt bên bán, không biết bên bán ký vào hợp đồng có tự nguyện, không bị lừa dối, ép buộc hay không?”.
Chỉ mua đất mà không mua nhà trên đất?
Có lẽ, chính vì có những mờ ám trong chuyện công chứng trên mà trong hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Hai và vợ chồng ông Luyến đã xuất hiện nhiều chi tiết vô lý: Thông thường, hợp đồng được lập thành các bản giống hệt nhau, nhưng trong trường hợp này chỉ có duy nhất một bản có dấu điểm chỉ, chữ ký của hai bên, 3 bản còn lại không có dấu điểm chỉ mà chỉ có chữ ký.
Trên đất có nhà nhưng sổ đỏ cấp cho ông Luyến chỉ thể hiện diện tích đất?. |
Hiện nay, tuy ông Luyến đã được UBND quận Đồ Sơn cấp sổ đỏ nhưng ông này cũng chỉ được công nhận sử dụng 47,6m2 đất chứ không được công nhận quyền sở hữu nhà. Còn ngôi nhà thì lại được chính quyền thừa nhận trên sổ đỏ cấp cho bố ông Hai (cho tặng ông Hai vào năm 2007).
Vậy là hiện nay, trên giấy tờ thì đất của một người, còn nhà trên đất lại của người khác? Việc làm sổ đỏ này cho ông Luyến xuất phát từ hợp đồng chuyển nhượng đất với ông Hai nhưng không hiểu sao trong sổ đỏ vẫn ghi nguồn gốc sử dụng đất của ông Luyến là “Công nhận quyền sử dụng đất (QSDĐ) như giao đất có thu tiền sử dụng đất”.
Xuất hiện nghịch lý trên có phải do sự gian dối ngay từ giai đoạn ký kết hợp đồng? Tại sao số cán bộ thuộc UBND quận Đồ Sơn trong quá trình cấp sổ đỏ cho ông Luyến lại không phát hiện ra những điểm vô lý trên? “Vô lý hơn, đáng lẽ phải ghi biến động việc thay đổi tên người sử dụng đất vào Mục IV của Giấy chứng nhận QSDĐ cũ (mang tên bố tôi) thì UBND quận Đồ Sơn lại tiến hành cấp một phôi sổ đỏ mới cho ông Luyến” - ông Hai nói.
Cũng theo ông Hai, ở đây có sự lừa dối nhau trong việc thực hiện hợp đồng giao dịch, chuyển quyền sử dụng mảnh đất trên và có sự “tiếp tay” của cán bộ công chứng và Phòng Tài nguyên và Môi trường thì ông Luyến mới dễ dàng làm được sổ đỏ.
Trong khi việc tố cáo đang được Công an quận Đồ Sơn xác minh, tranh chấp nhà đất cũng chưa có cơ quan có thẩm quyền nào ra phán quyết thì gia đình ông Hai liên tục bị phía ông Luyến gây sức ép đòi lấy đất. Vụ việc đang trở nên phức tạp hơn khi nó đã làm ảnh hưởng đến tình hình trật tự trị an tại địa phương.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này khi có kết luận của Công an quận Đồ Sơn.