Hủy án sơ thẩm…
Ngày 27/9/2013, khi xét xử phúc thẩm vụ kiện, HĐXX TAND tỉnh Quảng Ninh đã tuyên hủy bản án sơ thẩm, trả hồ sơ để Tòa cấp sơ thẩm giải quyết lại vụ án.
Theo bản án phúc thẩm thì Tòa cấp sơ thẩm chưa thu thập đầy đủ chứng cứ cần thiết và quan trọng, trong đó có việc chưa có ý kiến của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quản lý đất đai.
Hơn 2/3 diện tích đất trong dự án đang thuộc quyền quản lý nhà nước mà chưa có ý kiến của cơ quan quản lý về đất đai xác định đất đó không tranh chấp và có thể xét cấp theo quy định…
Ngoài việc chỉ ra lỗi trên, Tòa cấp phúc thẩm còn cho rằng Tòa TAND TP.Hạ Long đã không đúng khi xác định quan hệ pháp luật giải quyết là “tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu tuyên bố hủy hợp đồng ủy quyền vô hiệu”.
Thay đổi địa vị tố tụng của đương sự không đúng quy định
Theo cấp phúc thẩm thì quan hệ tranh chấp ở đây phải là “tranh chấp hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất và yêu cầu tuyên bố hủy hợp đồng ủy quyền vô hiệu”; quan hệ tranh chấp giữa bà Thiểm với chị Vân, anh Việt là “tranh chấp hợp đồng góp vốn bằng quyền sử dụng đất” (theo Điều 272 BLDS).
Nhưng vô lý ở chỗ, ngay tại phiên tòa sơ thẩm và phúc thẩm, bà Thiểm vẫn khăng khăng với yêu cầu khởi kiện là “yêu cầu chị Vân liên đới cùng anh Việt trả lại đất cùng Giấy CNQSDĐ”.
Tại đơn khởi kiện ban đầu đối với chị Vân thì bà Thiểm cũng chỉ yêu cầu “đòi 107,8 m2 đất và tài sản trên đất”. Như vậy, yêu cầu khởi kiện đã rõ. Nguyên đơn khởi kiện nội dung gì, yêu cầu vấn đề gì thì Tòa giải quyết yêu cầu đó.
Tại sao Tòa cấp phúc thẩm lại không tôn trọng yêu cầu của nguyên đơn mà lại cố tình “lái” yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn thành “tranh chấp hợp đồng góp vốn…”. Vô lý hơn khi trong vụ việc này đã không có một tài liệu nào gọi là “Hợp đồng góp vốn bằng giá trị quyền sử dụng đất” (mục đích để hợp tác sản xuất, kinh doanh) thì các bên tranh chấp cái gì đó.
Bằng việc xác định lại quan hệ tranh chấp như trên, Tòa cấp phúc đã mặc nhiên chấp nhận việc bà Thiểm bổ sung yêu cầu khởi kiện (hủy hợp đồng), bổ sung bị đơn (anh Việt) sau khi Tòa tiến hành thụ lý vụ án; chấp nhận việc Tòa cấp sơ thẩm thay đổi địa vị tố tụng của anh Việt từ “người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan” thành “bị đơn”.
Nhưng đối chiếu với quy định của Bộ luật Tố tụng Dân sự (BLTTDS) thì việc chấp nhận trên là không đúng vì không có quy định nào về việc thay đổi địa vị tố tụng hay người khởi kiện được bổ sung bị đơn và yêu cầu khởi kiện khi Tòa đã thụ lý vụ án cả.
Đã vậy, bà Thiểm lại không bị yêu cầu nộp “tạm ứng án phí” cho yêu cầu khởi kiện bổ sung này, tại sao Tòa vẫn coi đây là một yêu cầu khởi kiện hợp lệ của nguyên đơn?
Trước việc làm tùy tiện này, một số luật sư phân tích thêm, cá nhân có quyền khởi kiện một hay nhiều người để đề nghị Tòa giải quyết yêu cầu nào đó nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Tuy nhiên, quyền khởi kiện này cũng phải thực hiện theo trình tự (tức là trước khi thụ lý hoặc tiến hành khởi kiện một vụ án khác) chứ không thể thích bổ sung bị đơn hay bổ sung yêu cầu giải quyết ở giai đoạn tố tụng nào cũng được. Nếu cứ để bổ sung bị đơn như trên thì làm sao Tòa có thể giải quyết được vụ kiện khi cứ phải chạy hết bổ sung này đến bổ sung khác của nguyên đơn? n
Lạ lùng chuyện bị đơn được khai hộ nguyên đơn
Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 27/9/2012, Chủ tọa phiên tòa - Thẩm phán Vũ Hồng Oánh đã yêu cầu bà Thiểm trình bày về nội dung, căn cứ kháng cáo và một số tình tiết của vụ kiện. Khi thấy bà Thiểm nghe không rõ câu hỏi cũng như trình bày không được mạch lạc, ông Oánh đã đề nghị chị Vân lên bàn khai, đại diện cho bà Thiểm để khai hộ mẹ mình.
Khi đó, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho anh Việt - ông Phạm Xuân Long đã có ý kiến không đồng ý việc “khai hộ” như trên vì nguyên đơn và bị đơn là hai người có quyền lợi đối lập nhau trong vụ kiện thì không thể đại diện cho nhau mà khai hộ như vậy.
Chưa kịp trình bày hết thì ông Long đã bị thẩm phán Oánh yêu cầu ngồi xuống để chị Vân tiếp tục… khai hộ mẹ.
Ít phút sau, có lẽ nhận ra sự cố trên nên ông Oánh đã yêu cầu chị Vân về chỗ và không thấy gọi chị này lên để “khai hộ” mẹ thêm một lần nào nữa. Tuy nhiên, theo quan sát của chúng tôi thì khi ngồi dưới phòng xử, chị Vân vẫn liên tục ghé vào tai để “nhắc bài” cho bà Thiểm.
Như Báo PLVN đã thông tin thì diện tích đất trong sổ đỏ của bà Thiểm (107m2) cùng đất của 4 hộ dân tại dốc lên nhà thờ phường Bạch Đằng vốn là đất đồi cao. Để hạ thấp mặt bằng để tiện sử dụng, các hộ đã thỏa thuận để chị Vũ Thúy Vân (con gái bà Thiểm) đại diện cho các hộ xin phép chính quyền lập dự án san nền, làm khu dân cư. Tuy nhiên, do không đủ khả năng thực hiện công việc nên chị Vân phải chuyển lại công việc cho anh Nguyễn Tuấn Việt.
Các hộ cũng đồng ý để cho anh Việt thay mặt mình làm thủ tục đo vẽ, xin phép cơ quan chức năng để triển khai thực hiện dự án khu dân cư phía Đông dốc lên Nhà thờ. Ngày 12/11/2010, các bên đã cùng ký Hợp đồng ủy quyền ký với thỏa thuận: mỗi hộ được một ô đất, phần thù lao cho anh Việt là 13 ô đất.
Đến nay, sau khi dự án sắp hoàn thành thì bà Thiểm đột nhiên khởi kiện chị Vân để đòi lại tài sản và đất cũ. Anh Việt bị “lôi” vào vụ án với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Tuy nhiên, ít lâu sau bà Thiểm đã khởi kiện tiếp anh Việt, đề nghị Tòa tuyên bố hợp đồng ủy quyền với anh Việt là vô hiệu và xử lý hậu quả hợp đồng vô hiệu này bằng việc giao cho mình sử dụng 4 lô đất trong dự án.
TAND TP.Hạ Long đã chấp nhận yêu cầu này và tạm giao cho bà Thiểm sử dụng mặt bằng 4 lô đất do anh Việt, chị Vân đang quản lý tại dự án.