TAND tỉnh Quảng Ninh hôm qua mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ bà Phùng Thị Thiểm (phường Hồng Gai, TP. Hạ Long) kiện đòi đất của con gái Vũ Thị Thúy Vân và kiện hủy hợp đồng ủy quyền với anh Nguyễn Tuấn Việt.
Trước đó, Tòa cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Thiểm và xử lý hậu quả của hợp đồng vô hiệu bằng việc giao cho bà Thiểm được sử dụng 4 lô đất tại dự án khu dân cư phía Đông dốc lên Nhà Thờ. Điều đáng nói là trước đó, bà Thiểm chỉ “góp” 107m2 đất trong sổ đỏ của mình vào dự án này, trong đó thì đã có hơn 70m2 đã bị làm kè và đường của dự án.
Các đương sự tại phiên tòa phúc thẩm |
Phía anh Việt đã có kháng cáo và VKSND tỉnh Quảng Ninh có kháng nghị đề nghị hủy án. Trong khi đó, bà Thiểm cũng kháng cáo đề nghị được hưởng 9 lô đất chứ không phải 4 lô như bản án sơ thẩm đã quyết.
Tuy nhiên, tại phiên tòa hôm qua, bà Thiểm đã không đưa ra được chứng cứ nào chứng minh về yêu cầu đòi 9 lô đất trên (gần 400m2) ngoài việc trình bày rằng “có sổ đỏ sử dụng 107m2”.
Chị Vân, với tư cách là bị đơn đã một mực bênh nguyên đơn rằng: “Tôi đồng ý với quan điểm của nguyên đơn. Trong 18 lô đất của dự án, có 9 lô của 4 hộ dân thì đương nhiên 9 lô còn lại thuộc về mẹ tôi”.
Ngay lập tức, quan điểm trên đã bị Chủ tọa phiên tòa phản bác: “Dự án này rộng hơn 3.000m2 thì các hộ chỉ góp 800m2 đất ở hợp pháp (chỉ chiếm 1/3 diện tích), còn lại là đất lưu không, đất công do Nhà nước quản lý. Vì vậy, việc phân đất này cho ai là do cơ quan nhà nước thực hiện theo quy định chứ không thể có chuyện không phải đất của 4 hộ thì cứ đương nhiên là đất của mình được”.
Chuyện bị đơn “đồng ý” với yêu cầu của nguyên đơn là chuyện khá lạ lùng ở các vụ án khác, nhưng nó lại xảy ra nhiều lần trong phiên tòa này. Ngoài chuyện đồng ý với bà Thiểm đòi 9 lô đất thì chị Vân còn đồng ý trong việc không đòi bà Thiểm phải thanh toán giá trị mà mình đã đầu tư ở các lô đất này với lý do: “dự án còn đang dang dở”.
Chủ tọa “đồng tình” với lý do này và cho rằng: “Dự án đang dang dở thì khó có thể giải quyết phần đã xây dựng, đầu tư. Nếu mẹ chị (bà Thiểm) hiểu điều này thì đã không thể có vụ án này. Khi dự án phải xong cả mộc, cả thô thì Nhà nước mới xem xét giao đất cho ai được”.
Việc không thể chia nhỏ dự án khi dự án đang dang dở được Chủ tọa khẳng định lại một lần nữa khi giải thích cho bà Trịnh Thị Loan Phượng (một trong các hộ dân góp đất tham gia dự án) rằng: “Tòa không có quyền tách dự án, bà muốn tách dự án để 4 hộ thực hiện riêng rẽ với bà Thiểm thì phải gửi đơn đến UBND tỉnh Quảng Ninh - cơ quan cho phép thực hiện dự án - quyết định. Tòa khẳng định luôn là Tòa không có quyền giao đất”.
Qua nhiều lập luận và giải thích trên, bước đầu thấy rõ nhiều điểm vô lý trong bản án sơ thẩm. Trong khi đó, phát biểu quan điểm giải quyết vụ án, đại diện VKSND tỉnh Quảng Ninh giữ nguyên quan điểm kháng nghị hủy án trước đây và cho rằng Tòa cấp sơ thẩm đã xác định sai nội dung tranh chấp bởi dự án vẫn do 5 hộ dân (trong đó có bà Thiểm) thực hiện, anh Việt chỉ là đại diện. Giữa bà Thiểm và anh Việt không có tranh chấp đất nên vụ án này không phải là vụ án tranh chấp đất.
Dự kiến chiều 27/9 tới, HĐXX tuyên án.
Khoa Lâm