[links()]Những điểm vô lý và những sai sót trong tố tụng của TAND TP Hạ Long khi xét xử sơ thẩm vụ kiện đòi đất giữa 2 mẹ con bà Phùng Thị Thiểm (phường Hồng Gai, Tp Hạ Long) và kiện hủy hợp đồng ủy quyền với anh Nguyễn Tuấn Việt đã được PLVN phản ánh trong nhiều số báo gần đây. Sát thời điểm TAND tỉnh Quảng Ninh xét xử phúc thẩm vụ kiện, tiếp tục xuất hiện nhiều ý kiến không đồng tình với bản án sơ thẩm của những người liên quan…
Đất công bị Tòa hô… “biến”
Như PLVN thông tin thì diện tích đất trong sổ đỏ của bà Thiểm (107m2) cùng đất của 4 hộ dân tại dốc lên nhà thờ phường Bạch Đằng vốn là đất đồi cao, bất tiện trong sử dụng. Nhưng để hạ thấp mặt bằng thì từng hộ dân không thể thực hiện riêng rẽ mà cần sự “đồng lòng”, cùng triển khai đồng bộ, thống nhất.
Chính vì vậy, các hộ đã có văn bản ủy quyền cho anh Nguyễn Tuấn Việt thay mặt các hộ đo vẽ, xin phép cơ quan chức năng triển khai thực hiện dự án khu dân cư phía Đông dốc lên Nhà Thờ, trong đó có Hợp đồng ủy quyền ký ngày 12/11/2010 với thỏa thuận: mỗi hộ được 1 ô đất, phần thù lao cho anh Việt là 13 ô đất.
Điều đáng nói là trong số 18 lô đất theo quy hoạch của dự án (đã hạ thấp mặt bằng) thì chỉ có 1 phần nằm trong diện tích đất vốn thuộc quyền sử dụng hợp pháp của 5 hộ; phần diện tích còn lại của dự án là đất lưu không, đất công do Nhà nước quản lý.
Dự án bước vào giai đoạn cuối, khi mà mỗi m2 đất được hạ thấp có giá trị gấp hàng chục lần đất cũ thì đột nhiên bà Thiểm “lật kèo” bằng cách khởi kiện con gái Vũ Thị Thúy Vân để “đòi đất cũ”, “khởi kiện bổ sung” đối với anh Việt để hủy hợp đồng ủy quyền, đề nghị Tòa xử lý hậu quả hợp đồng này bằng việc giao cho mình sử dụng 4 lô đất trong dự án.
Tòa cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu này và buộc bà Thiểm phải thanh toán giá trị vật liệu mà anh Việt đã đầu tư vào 4 lô đất giao cho bà Thiểm.
Điều vô lý trong phán quyết trên ở chỗ, mặc dù có quan điểm, “các bên khôi phục tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận” nhưng HĐXX sơ thẩm lại quyết cho bà Thiểm- với tư cách là người ủy quyền- được nhận được quá nhiều so với những gì mà bà này đã giao cho người được ủy quyền.
Cụ thể, trước khi ký hợp đồng ủy quyền, số đất sử dụng hợp pháp của bà Thiểm chỉ là hơn 30m2 (do có 70m2 vào phần kè và đường của dự án) thì nay, bà Thiểm lại được giao sử dụng tới hơn 150m2 trong dự án, tương ứng với 4 lô đất. Bất ngờ hơn, số diện tích 120m2 “dôi” trên đây vốn là đất công, đất thuộc quyền quản lý của chính quyền.
Chính quyền “mất đất” mà không biết?
Vậy là từ một vụ kiện giữa 2 cá nhân với nhau, Tòa đã góp phần “biến” cả trăm m2 đất đất công của Nhà nước thành đất hợp pháp của nguyên đơn. Đáng nói hơn, chính cơ quan đại diện cho Nhà nước quản lý số đất công này là UBND phường Bạch Đằng, UBND TP Hạ Long lại bị “bịt mắt”, không được can dự và không hề biết việc người ta đã chia chác chính số diện tích đất công do mình đang quản lý này- địa diện các cơ quan này đã không được triệu tập đến tham gia phiên tòa.
Trao đổi với phóng viên, ông Nguyễn Văn Thanh- Trưởng phòng Tài nguyên- Môi trường TP Hạ Long cho biết, “Tòa xử như thế nào, chúng tôi không được biết. Chúng tôi chỉ mới biết phán quyết này khi nhận được đơn và bản án do người dân chuyển đến.
Tôi thấy Tòa xử như thế là không đúng. Đất lưu không, đất công do Nhà nước quản lý mà lại tuyên cho bà Thiểm sử dụng là không phù hợp. Kể cả 1m2 hay 1 phân đất cũng không được. Lấy đất thành phố mà đi giải quyết trả cho dân thì không được…. Đất này, muốn giao cho ai thì chính quyền phải xem xét đến đối tượng, quy hoạch, giá cả…và tuân theo những thủ tục, trình tự nhất định theo quy định của luật đất đai…”
Ý kiến này của ông Thanh cũng khá phù hợp với nhiều ý kiến của các cơ quan chuyên môn thuộc UBND Tp Hạ Long gửi tới Tòa trước khi có phiên tòa sơ thẩm rằng, “sau khi thi công xong mặt bằng và kết cấu hạ tầng phải lập hồ sơ trình UBND tỉnh Quảng Ninh giao đất cho UBND TP Hạ Long để làm cơ sở giao đất cho từng hộ dân theo quy định...”; “việc bà Thiểm và các hộ dân có sự tranh chấp về quyền lợi chỉ được giải quyết sau khi dự án thực hiện đúng theo quy định của pháp luật”; “không có căn cứ để thực hiện việc chuyển vị trí diện tích đất cho các hộ vào các ô theo quy hoạch mà phải thực hiện đền bù GPMB và cấp tái định cư theo quy định”; “trước hết, bà Thiểm phải đến phòng TNMT để xác định rõ quyền sử dụng của mình đối với lô đất”…
Theo nội dung trên, rõ ràng, HĐXX sơ thẩm đã lạm quyền của UBND tỉnh Quảng Ninh, UBND tp Hạ Long, rồi bỏ qua nhiều thủ tục pháp lý để giao 4 lô đất trong dự án cho bà Thiểm.
Trước thực tế này, ông Thanh cho hay, “người ta không mời mình ra Tòa thì mình cũng chịu, không thể có ý kiến ở Tòa được. Đúng sai thế nào, sau khi có bản án, chúng tôi sẽ có kiến nghị sau”.
HĐXX phản ánh sai lệch ý kiến đương sự
Một số luật sư cho rằng việc HĐXX không để UBND phường Bạch Đằng, UBND tp Hạ Long, UBND tỉnh Quảng Ninh (là những cơ quan quản lý đất công, cơ quan theo dõi việc triển khai dự án, cơ quan cho phép triển khai dự án…) tham gia tố tụng, không triệu tập đại diện của các cơ quan này đến phiên xử là vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng.
Trong khi đó thì ngay cả những người được Tòa triệu tập đến tham dự phiên tòa với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan cũng khá bức xúc với cách làm việc của HĐXX sơ thẩm. Trao đổi với phóng viên, ông Bùi Đức Ton, và Trịnh Loan Phương, bà Đoàn Thị Tuyết Nhung, bà Nguyễn Tố Uyên- là những người cùng bà Thiểm “góp đất”, ủy quyền cho anh Việt làm dự án- cho biết:
Trong suốt quá trình Tòa lấy lời khai cũng như tại phiên tòa sơ thẩm, chúng tôi không hề có ý kiến đồng ý với việc đòi 107m2 đất (trong số đỏ) và diện tích đất sườn đồi (ngoài sổ đỏ) của bà Thiểm mà chỉ nói rằng “việc bà Thiểm và chị Vân, anh Việt kiện nhau, chúng tôi không có ý kiến gì vì không liên quan đến diện tích tranh chấp”. Thế nhưng không hiểu sao, trong bản án sơ thẩm lại thể hiện nội dung “về nội dung tranh chấp đối với diện tích đất bà Thiểm xác định gồm 107m2 trong Giấy chứng nhận và các ô đất thuộc phần đất sườn đồi mà Thiểm xác định các hộ dân đều đồng ý…”.
Theo trình bày trên thì rõ ràng, bản án đã không thể hiện đúng ý kiến của những người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan tại phiên tòa sơ thẩm. Việc “bóp méo” ý kiến này nhằm mục đích gì trong việc bà Thiểm đòi sử dụng cả diện tích đất công, đất lưu không của Nhà nước? “bà Thiểm sử dụng bao nhiêu m2, đề nghị cứ trưng giấy tờ, sổ sách, biên lại thuế là rõ hết. Chứ còn chỉ nói miệng là, đất sườn đồi, vẫn sử dụng để trồng cây rồi được thêm cả trăm m2 thì ai mà chẳng nói được”- một trong số các hộ dân phát biểu.
Ông Ngô Đức- Chánh án TAND tỉnh Quảng Ninh cho hay, “đây là vụ án rất phức tạp nên chúng tôi giao cho một thẩm phán có kinh nghiệm thụ lý và yêu cầu phải xem xét, đánh giá toàn diện vụ án. Chúng tôi cũng đã nhận được đơn tố cáo của anh Việt phản ánh về việc thẩm phán Tạ Duy Ước (chủ tọa phiên tòa) áp dụng sai quy định của pháp luật, giải quyết thiếu khách quan… làm ảnh hưởng đến quyền lợi của anh Việt. Tuy nhiên, những nội dung này đều nằm trong phạm vi của bản án sơ thẩm, sắp được Tòa cấp phúc thẩm xét xử. Nếu cấp phúc thẩm hủy án sơ thẩm vì có sai sót, vi phạm thì chúng tôi sẽ xem xét đến nội dung tố cáo của anh Việt. Nếu những cái sai này do cố tình thì Tòa cấp sơ thẩm không thể thoái thác trách nhiệm được” |
Khoa Lâm