Giỏi một môn có thể vào đại học
Lý giải việc thay đổi phương án tuyển sinh năm 2014, các trường có thể lựa chọn hình thức thi “3 chung” như trước hoặc tổ chức thi riêng, Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết, kỳ thi “3 chung” đã kéo dài hơn 10 năm, nhưng do nhu cầu đổi mới phù hợp với Luật Giáo dục đại học nên chúng ta phải tiến hành đổi mới.
Theo đó, cách tuyển sinh cũng khác thời trước “3 chung”: Khác về cách ra đề thi, phương thức thi, cách đánh giá xét tuyển, do đó sẽ không còn tình trạng các trường luyện thi tràn lan như trước. Tuyển sinh riêng với mục đích hướng đến năng lực học sinh chứ không phải học thuộc lòng, định hướng được cách dạy và học, thay đổi phương pháp đánh giá, kiểm tra được khả năng của thí sinh, các trường sẽ chọn được những thí sinh phù hợp với ngành nghề đào tạo.
Các cơ sở đào tạo sẽ tuyển chất lượng hơn, nguồn lao động tốt hơn mà không cần qua điểm sàn. Giao quyền tổ chức tuyển sinh riêng cho các trường là xu thế chung của thế giới - Thứ trưởng cho biết.
Trước nhiều lo ngại của học sinh lớp 12 năm nay về việc Bộ GD - ĐT đột ngột tổ chức thi riêng, các em đã ôn luyện từ trước theo “3 chung” liệu có kịp xoay xở?. Thứ trưởng cho biết, việc tổ chức thi riêng sẽ mở cánh cửa rộng hơn cho các thí sinh vào đại học. Bộ GD - ĐT không quy định học sinh thi theo khối thi như trước mà có thể phỏng vấn kiến thức tổng hợp, toàn diện và thi một môn chẳng hạn. Như vậy, thí sinh có khả năng, thế mạnh một lĩnh vực sẽ có cơ hội vào đại học lớn hơn năm 2013.
Tuy nhiên, đối với những trường chưa sẵn sàng, chưa chuẩn bị được việc tổ chức tuyển sinh riêng có thể tổ chức thi chung như trước. Bộ GD - ĐT có một lộ trình cụ thể thực hiện đề án này.
Theo ông Trần Văn Nghĩa - Phó Cục trưởng Cục Khảo thí và Kiểm định chất lượng giáo dục (Bộ GD-ĐT), hiện nay đã có 17 trường chủ yếu ngoài công lập đã gửi đề án cho Bộ xem xét, trong đó có 3 trường cao đẳng. Đề án này được gửi trước khi Bộ đưa ra quy định tuyển sinh nên cần phải xem xét cho phù hợp. Khi tuyển sinh riêng, các em dưới sàn vẫn có thể trúng tuyển vì năng lực của em phù hợp với ngành nghề nào đó.
Điểm ưu tiên: vẫn đảm bảo quyền lợi thí sinh
Về cộng điểm ưu tiên cho khu vực, liệu có thay đổi cùng với đổi mới thi? Ông Trần Văn Nghĩa cho biết: Bộ đang cùng các cơ quan liên quan rà soát tình hình cụ thể. Bộ cũng thống kê lại dữ liệu thí sinh để xem sức học của các vùng miền thế nào. Sau hội nghị giáo dục đại học, Bộ sẽ chính thức điều chỉnh. Tuy nhiên, trong năm tới đối tượng, mức điểm không thay đổi nhiều. Các trường tuyển sinh chung hay riêng đều phải đảm bảo quyền lợi cho đối tượng thí sinh này.
Về nỗi lo chất lượng đào tạo liệu có ồ ạt, Bộ GD - ĐT khẳng định việc tuyển sinh riêng không phải để “cứu” các trường ngoài công lập lấy thêm thí sinh, “lấp đầy” chỉ tiêu tuyển sinh. Mục đích hướng tới của hình thức này là việc đề cao năng khiếu bản thân thí sinh, chọn được trường đúng với năng lực của thí sinh.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga chia sẻ thêm, chúng ta vấp phải một số sai lầm về đào tạo khiến thị trường lao động quay lưng. Vấn đề quan trọng nhất là thiệt hại và tổn hại nhất lại thuộc về thí sinh. Bài học cay đắng nhất đối với các bậc đào tạo là không có được ngưỡng đào tạo chất lượng. Do đó chất lượng kém. Chúng ta đã nhận thấy và rút kinh nghiệm. Chúng ta đưa vào đề án tuyển sinh riêng là phải có ngưỡng chất lượng nhất định để các trường lấy thí sinh từ thấp đến cao nhưng đến một ngưỡng nhất định chứ không phải để lấp đầy chỉ tiêu. Ngưỡng tối thiểu gồm các điều kiện: như “3 chung” có điểm sàn, còn các trường hiện nay chưa có phương án thi nên Bộ chưa thể nói ngưỡng như thế nào.
Đồng thời, Thứ trưởng Bộ GD- ĐT có lời khuyên đối với học sinh lớp 12 năm nay: “Các em hoàn toàn yên tâm, không phải lo lắng, băn khoăn gì. Không có thay đổi gì lớn đối với cách thức thi ảnh hưởng tới các em. Các em cũng chính là những người đóng góp vào đề án. Các em không có gì phải sốc hay hẫng hụt. Những năm tiếp theo các trường sẽ chuẩn bị dần phương án tuyển sinh riêng. Các em phải chuyển hướng dần cách học của mình, biến kiến thức đó thành các kiến thức của mình. Các em phải hiểu: đổi mới tuyển sinh là việc phải làm để đào tạo được lực lượng lao động phục vụ nhu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Trong tương lai, các em phải thích nghi với cách học, cách thi mới”.