Bộ GD-ĐT cho biết sẽ đổi mới công nhận tốt nghiệp THPT dựa trên kết quả đánh giá cả quá trình kết hợp với kỳ thi cuối cấp học; và các trường ĐH, CĐ xét tuyển dựa trên kết quả tốt nghiệp để tránh cồng kềnh, tốn kém.
Có thể bỏ thi ĐH, CĐ?
Trước thực tế, kỳ thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH,CĐ đang bị đánh giá là cồng kềnh, tốn kém chưa hiệu quả, thậm chí năng lực thí sinh không được đánh giá bằng cả một quá trình, mà chỉ thông qua mỗi điểm thi sẽ dẫn đến chưa công bằng với thí sinh. Vì thế, theo ông Bùi Mạnh Nhị - Vụ trưởng Vụ tổ chức cán bộ Bộ GD-ĐT, thì Dự thảo Đề án Đổi mới sẽ kết hợp đánh giá trong quá trình học tập và kết quả thi cuối cấp để công nhận người học đã hoàn thành tốt nghiệp THPT.
Có phân luồng được HS THPT? |
Thậm chí, học sinh học xong môn nào (trong môn học tự lựa chọn), sẽ đánh giá luôn kết quả có đạt chuẩn đầu ra môn học đó không. Còn kỳ thi cuối cấp sẽ chỉ tổ chức thi hai môn văn, toán hoặc yêu cầu vận dụng kiến thức, kỹ năng tổng hợp của nhiều môn học để giải quyết một vấn đề, theo hai lĩnh vực lớn là khoa học xã hội - nhân văn và khoa học tự nhiên.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, kỳ thi tốt nghiệp THPT sẽ được cải thiện gọn nhẹ hơn. Bên cạnh việc tự tổ chức những hình thức tuyển chọn riêng theo đặc thù mỗi trường, thì các trường ĐH-CĐ có thể lấy kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT làm căn cứ để tuyển sinh.
Đối với tuyển sinh ĐH, Bộ GD-ĐT đưa ra quan điểm các trường tổ chức tuyển sinh theo hướng: Dựa vào kết quả công nhận tốt nghiệp THPT và có thể kiểm tra/thi thêm một vài môn hoặc chuyên đề theo yêu cầu đào tạo của mỗi ngành, mỗi trường. Như vậy, trong tương lai có thể sẽ không còn các kì thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ nữa.
Cần làm thấu đáo
Đồng thời, ở chương trình phổ thông, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định, sẽ giảm tải cho học sinh bằng việc tiếp tục đổi mới phương pháp dạy học theo hướng phát huy tính tích cực của học sinh, không truyền thụ kiến thức một chiều, áp đặt… Việc đổi mới rõ nhất sẽ thể hiện ở chương trình SGK sau năm 2015, giúp giảm số lượng môn học.
Cụ thể, bậc tiểu học thay vì 11 môn học với 3 hoạt động như hiện nay, sẽ chỉ còn 3-6 môn học với 4 hoạt động theo hướng tích hợp kiến thức ở nhiều môn vào một môn học.
Dự kiến tiểu học sẽ có hai môn mới là khoa học & công nghệ (tích hợp các kiến thức khoa học) và tìm hiểu xã hội (tích hợp kiến thức của môn lịch sử, địa lý và thêm một số vấn đề xã hội).
Bậc THCS cũng rút xuống chỉ còn 8 môn học và 4 hoạt động, thay cho 13 môn học và 4 hoạt động. Tương tự, bậc học này cũng có môn khoa học tự nhiên - tích hợp kiến thức của lý, hóa, sinh và môn khoa học xã hội, sẽ tích hợp kiến thức của lịch sử, địa lý, giáo dục công dân.
Riêng đối với THPT, nhằm định hướng nghề nghiệp và phát huy năng lực sở trường cho học sinh, khối lớp 11,12 sẽ chỉ còn 3 môn học bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ, cùng với 3 môn tự chọn + 4 hoạt động. Ngoài ra, hình thức phân ban của THPT hiện nay sẽ chính thức được hủy bỏ. Theo đó, dự kiến thời gian thí điểm chương trình SGK mới sẽ được rút ngắn, bắt đầu từ năm 2016-2019.
Tuy nhiên, trước những dự kiến đổi mới mạnh mẽ của ngành giáo dục, dư luận lo ngại việc giảm tải theo hướng tích hợp từ nhiều môn, từ nhiều cuốn sách thành một cuốn sách thì có thực sự giảm tải hay không? Và điều quan trọng là cái gốc của bệnh thành tích có thực sự triệt để hay không, những kết quả kiểm tra đánh giá về năng lực của người học có khách quan và trung thực hay không chứ không chỉ là lối mòn “ bình cũ, rượu mới”…
Ông Vũ Văn Hóa, Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh doanh và Công nghệ Hà Nội cảnh báo: Không nên cải cách nửa vời. Mọi cải cách cần được các nhà giáo có kinh nghiệm nghiên cứu cẩn trọng và lấy ý kiến rộng rãi mới mong có hiệu quả. Đừng lấy con em chúng ta ra làm thí nghiệm!
Cùng chung quan điểm về chủ trương là sự đột phá nếu làm thực sự nghiêm túc, ông Đặng Kim Vui, GĐ ĐH Thái Nguyên cho rằng như vậy có thể giảm bớt được một trong 2 kỳ thi quá gần nhau, trong đó, kỳ thi tuyển sinh “ba chung” đang tạo áp lực lớn.
Và đối với tuyển sinh đại học, theo PGS Trần Xuân Nhĩ, nên để các trường chủ động tuyển sinh viên căn cứ trên kết quả học bạ cộng với những yêu cầu khác, tùy vào mục tiêu đào tạo của từng trường. Ở các nước phát triển, đầu vào đại học rất rộng, đầu ra bị siết chặt, nhưng ở Việt Nam thì làm ngược lại, bao nhiêu người vào ĐH thì bấy nhiêu người ra. Do đó, các doanh nghiệp mới nói rằng 10 sinh viên tốt nghiệp ĐH thì may ra sử dụng được 2 người. Bởi thế, nếu không làm triệt để, thấu đáo từng vấn đề thì bài toán chất lượng giáo dục vẫn khó tìm được lối ra…
Nguyễn Mỹ