Vẫn còn tình trạng quá tải công việc
Tổng kết 4 năm thi hành Luật THADS năm 2008, Tổng cục trưởng Tổng cục THADS Hoàng Sỹ Thành đánh giá: Sau hơn bốn năm thi hành, Luật THADS đã có nhiều tác động tích cực và hiệu quả đối với đời sống kinh tế, chính trị, xã hội của đất nước.
Theo đó, đã tạo được hành lang pháp lý cơ bản bảo đảm cho công tác THADS hiệu quả hơn; hệ thống tổ chức THADS được thành lập phù hợp với yêu cầu của thực tiễn và tính chất đặc thù của hoạt động THADS; trình tự, thủ tục THADS được quy định rõ ràng, dễ thực hiện hơn; phát huy tương đối hiệu quả mối quan hệ phối hợp trong THADS, nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật về THADS của cá nhân, tổ chức được nâng lên; chủ trương tái lập chế định Thừa phát lại theo Chiến lược Cải cách tư pháp của Đảng là hoàn toàn cần thiết và đúng đắn…
Tuy nhiên, bên cạnh những tác động tích cực của Luật THADS, theo Tổng cục trưởng, còn nhiều hạn chế trong công tác THADS và khó khăn, vướng mắc như hoạt động THADS chưa được thống nhất xác định là hoạt động tư pháp; có sự cắt khúc, tách rời giữa hoạt động xét xử với hoạt động thi hành án; tổng số việc còn phải thi hành chuyển sang kỳ sau qua các năm tuy có giảm nhưng vẫn lớn (gần 200 nghìn việc); số việc thi hành án (THA) chưa có điều kiện thi hành, nhất là về tiền vẫn chiếm tỷ lệ cao so với tổng số phải thi hành; lượng đơn, thư khiếu nại, tố cáo phải giải quyết vẫn còn nhiều; trình độ, năng lực và ý thức tổ chức kỷ luật của một bộ phận cán bộ, công chức, kể cả cán bộ lãnh đạo quản lý còn hạn chế.
Tình trạng thiếu nguồn tuyển dụng, không thu hút được người có năng lực, quá tải công việc của Chấp hành viên tại nhiều cơ quan THADS địa phương, nhất là ở các địa bàn vùng sâu, vùng xa, đi lại khó khăn...
Đương sự tự nguyện thi hành án: cần có cơ chế khuyến khích
Từ thực tiễn công tác THADS cho thấy, nếu đương sự tự nguyện THA mà không phải tổ chức cưỡng chế thì sẽ tiết kiệm được nhiều thời gian và ngân sách của Nhà nước, nâng cao ý thức chấp hành pháp luật cho công dân. Vì lý do này, Phó Viện trưởng Viện Khoa học xét xử, TANDTC Nguyễn Văn Cường đề nghị: “Cần xây dựng tiêu chí khuyến khích như giảm hoặc miễn giảm nghĩa vụ cho người phải THA và giao cho Tòa án thực hiện công việc này. Bởi nếu người phải THA chây ỳ mà được lợi thì việc chây ỳ ngày càng gia tăng”.
Còn Cục trưởng Cục THADS Hà Tĩnh Nguyễn Văn Cường đồng tình: “Không nên chờ bản án, quyết định có hiệu lực và có quyết định THADS thì Nhà nước mới khuyến khích tự nguyện thi hành mà pháp luật về tố tụng và THADS nên quy định giao cho TAND nhiệm vụ khuyến khích đương sự THA ngay trong quá trình giải quyết vụ án”.
Để việc THA thuận lợi, bên cạnh luồng ý kiến cho rằng cần tạo điều kiện cho đương sự thỏa thuận thì Cục trưởng Cục THADS TP.Hồ Chí Minh Nguyễn Văn Lực lại đề xuất “hạn chế các quy định về thỏa thuận của các đương sự trong THA”, và cần xem sự thỏa thuận là quyền của đương sự. Các đương sự có trách nhiệm tự thỏa thuận với nhau và thông báo cho Chấp hành viên biết kết quả.
“Chấp hành viên chỉ ghi nhận thỏa thuận của các đương sự khi các thỏa thuận đó đã được các đương sự tự nguyện thực hiện. Không nên đưa việc thỏa thuận của đương sự vào thành các quy định thủ tục bắt buộc” - ông Lực nói.
Sửa đổi Luật THADS, nhiều ý kiến cho rằng cần quy định chế tài đối với cá nhân, tổ chức có liên quan không chấp hành pháp luật về THADS bởi hiện nay, hiện tượng cá nhân, tổ chức không phải là đương sự nhưng có liên quan đến hoạt động THADS không thực hiện các yêu cầu của Chấp hành viên diễn ra khá phổ biến như: Không cung cấp thông tin về tài sản; không chấp hành quyết định của Chấp hành viên; không hợp tác với cơ quan thi hành án trong xác minh, cưỡng chế thi hành án... nhưng thiếu những chế tài có hiệu quả. Vì vậy, trong nhiều trường hợp, vụ việc THA bị kéo dài. Do vậy, khi sửa đổi, bổ sung Luật THADS cần quy định rõ những biện pháp chế tài đối với cá nhân, tổ chức có liên quan không chấp hành pháp luật về THADS.