Trước khi có Luật THADS, Ban Chỉ đạo đã được lập ở nhiều địa phương, với cơ cấu Chủ tịch hoặc Phó Chủ tịch UBND cấp tỉnh/huyện làm Trưởng ban, cơ quan THADS là Phó ban thường trực. Ban Chỉ đạo không những phát huy vai trò của mình trong việc kết nối các thành viên, tạo sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị cùng tham gia vào công tác THADS mà còn góp phần quan trọng trong việc xử lý các vụ thi hành án khó khăn, phức tạp; có ảnh hưởng về an ninh, chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Khi Luật THADS được ban hành và có hiệu lực, trách nhiệm của UBND các cấp được quy định rõ ràng hơn trong Luật thì mô hình Ban Chỉ đạo cũng ngày càng được củng cố, kiện toàn. Theo đánh giá từ Bộ Tư pháp, đến nay Ban Chỉ đạo THADS cấp tỉnh, cấp huyện đã được kiện toàn và hoạt động ngày càng hiệu quả, đặc biệt là sau bầu cử Quốc hội khóa XIII, Hội đồng nhân dân các cấp nhiệm kỳ 2011-2016 và Thông tư liên tịch số 14/2011/TTLT-BTP-BCA-BTC-TANDTC-VKSNDTC ngày 11/7/2011 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, Bộ Tài chính, Tòa án nhân dân Tối cao, Viện kiểm sát nhân dân Tối cao “hướng dẫn hoạt động của Ban Chỉ đạo THADS” được ban hành.
Cũng từ tính ưu việt của mô hình Ban Chỉ đạo mà nhiều địa phương còn có sáng kiến mở rộng thành viên và đổi mới cách thức hoạt động của Ban Chỉ đạo. Đơn cử như ở Hà Tĩnh, từ năm 2010 Cục THADS tỉnh đã mạnh dạn tham mưu cho UBND tỉnh mở rộng thành viên Ban Chỉ đạo các cấp.
Theo đó, thành phần Ban Chỉ đạo THADS tỉnh ngoài các cơ quan theo quy định của pháp luật, còn được bổ sung các ngành như: VKSND, Bộ Chỉ huy quân sự tỉnh, Ngân hàng Nhà nước, Kho bạc Nhà nước. Đây là những cơ quan có vai trò rất quan trọng trong việc hỗ trợ thực hiện công tác THADS. Nhờ sự kiện toàn này mà những năm qua, Hà Tĩnh đã giải quyết nhiều vụ án khó, phức tạp trên địa bàn. Hà Nội, Hưng Yên, Hà Giang, TP.Hồ Chí Minh… cũng đã tăng cường hoạt động của Ban Chỉ đạo theo hướng quyết liệt và sâu sát hơn.
Không chỉ trong việc thực hiện các nhiệm vụ thường xuyên mà đột xuất hoặc định kỳ, Ban Chỉ đạo thường ngồi lại để nghe và cho ý kiến chỉ đạo giải quyết các vụ án phức tạp, phải tiến hành cưỡng chế. Ở Long An, Đồng Tháp, Bến Tre... Ban Chỉ đạo THADS còn chủ động trong việc kiểm tra tình hình triển khai các đợt cao điểm thi hành án, kiểm tra việc xác minh phân loại án giúp cho việc chỉ đạo thi hành án kịp thời, chính xác.
Tuy nhiên, để phát huy vai trò của Ban Chỉ đạo THADS trong giai đoạn hiện nay, cơ quan THADS cần chủ động tăng cường công tác tham mưu từ việc kiện toàn, củng cố về bộ máy tổ chức đến các hoạt động chuyên môn, đặc biệt khi cần tổ chức cưỡng chế Thi hành án. Bên cạnh đó, nhiều ý kiến cho rằng cần “luật hóa” rõ ràng hơn về mô hình cũng như hoạt động của các Ban Chỉ đạo để tăng cường hơn nữa hiệu quả của công tác THADS.
Trong năm 2014, Tổng cục THADS cũng đề nghị: “Ủy ban nhân dân, Ban Chỉ đạo THADS các cấp tăng cường hơn nữa công tác chỉ đạo và tạo điều kiện thuận lợi để các Cơ quan THADS địa phương hoàn thành nhiệm vụ được giao”.