Với công văn yêu cầu của Sở GD-ĐT Hà Nội đặt ra khi thực hiện tuyển sinh 2017 - 2018 là chỉ diễn ra trong thời gian từ 1/7 đến 15/7 (trường nào tuyển không đủ thì đề xuất và được gia hạn thêm 2 ngày để tuyển sinh). Song việc chốt thời hạn tuyển sinh áp dụng chung cho cả các trường công lập và ngoài công lập đã gây ra nhiều phản ứng trong xã hội.
Nhiều câu hỏi đặt ra: Luật Giáo dục đã được Quốc hội thông qua, khuyến khích nhà đầu tư giáo dục thì liệu Công văn số 1646 có ảnh hưởng đến “quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân đầu tư cho giáo dục”, gây khó khăn cho trường ngoài công lập?
PGS Văn Như Cương, Chủ tịch HĐQT Trường THPT Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho rằng, những gì mà Sở GD-ĐT Hà Nội đã làm là thừa thãi, không thực tế. PGS Cương thẳng thắn chỉ ra, trước khi tuyển thì chúng tôi phải phát ra phiếu đăng ký sớm để phụ huynh có thời gian cân nhắc, tìm hiểu mọi điều kiện để quyết định có cho con học ở Lương Thế Vinh. Ngoài ra, cũng theo PGS Cương, phụ huynh cũng cần biết được mức điểm mà chúng tôi đặt ra hàng năm để tuyển sinh, biết được năng lực đào tạo thực tế và môi trường học tập, từ đó có lựa chọn phù hợp cho con em mình.
Bởi lẽ, Sở Giáo dục Hà Nội đưa ra thời gian tuyển sinh từ ngày 1/7 đến 15/7, nếu trường không phát phiếu trước thì đến ngày 1/7 chúng tôi tuyển ai? PGS Văn Như Cương nhấn mạnh, những trường ngoài công lập làm chẳng có gì sai trái cả, không vi phạm gì vào luật giáo dục cả, cho nên đừng đưa ra những quy định trái khoáy gây khó cho các trường.
Nguyên Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Trần Xuân Nhĩ cũng cho rằng, Sở GD-ĐT Hà Nội không nhất thiết phải quy định các trường phải tuyển sinh trong khoảng thời gian ngắn ngủi như thế. Không nên bắt các trường chốt ở một mốc cụ thể. Bởi theo ông Nhĩ, nên để các trường chủ động trong công tác tuyển sinh, không nên phải tuyển sinh trong đầu tháng 7. Có nên chăng thì quy định các trường phải tuyển sinh xong trong tháng 7 là được rồi.
Trả lời báo chí về những bất cập trong tuyển sinh đầu cấp như bảng điểm đẹp, quá nhiều giải thưởng từ các cuộc thi để cộng điểm, các trường đặc thù được thi trở lại, ông Phạm Văn Đại khẳng định trong tất cả các phương án, phương án nào cũng có cái hay, cái dở nên phải biết phát huy những cái hay, khắc phục cái dở của từng phương án.
Về những phương án xét tuyển, phải có cơ sở để chọn hay có thước đo cụ thể. Thước đo ở đây là học lực của học sinh cộng với những gì vượt trội của các em. Khi không tổ chức thi, quy ra điểm dựa trên điểm học các năm thì số lượng học sinh muốn vào vượt chỉ tiêu của các trường. Cần có thêm thước đo khác nhưng hiện nay chúng ta vẫn chưa có.
Còn nếu để cho các trường tổ chức thi thì học sinh lại ôn luyện từ tiểu học, rồi vào các trung tâm, vô hình trung tạo ra gánh nặng đi học thêm cho gia đình và xã hội. Đó không phải là giải pháp tốt.
Về hàng ngàn bảng điểm 9,10 của học sinh Tiểu học, cộng điểm khuyến khích, ngay từ đầu tháng 9.2016, Sở GD-ĐT Hà Nội đã công bố danh sách các cuộc thi mà Sở, Bộ đứng ra tổ chức để lấy đó cộng điểm khuyến khích cho học sinh khi muốn xét vào lớp 6 trường THPT Chuyên Hà Nội- Amsterdam hay các trường đặc thù khác. Do vậy, những kỳ thi mà dư luận nói có thể không được cộng điểm.
Ông Đại cho biết, sau khi triển khai hình thức xét tuyển đầu cấp, tất cả các kỳ thi mà Sở GD-ĐT Hà Nội công bố tháng 9.2016 đều thành lập Ban tổ chức và đều có nội dung, chương trình, có ban giám khảo để chấm một cách công bằng và khách quan.Về việc tuyển sinh đầu cấp của các trường Tiểu học và THCS, UBND thành phố và Sở GD-ĐT đã giao cho UBND các quận và các phòng giáo dục và tuân theo chỉ đạo của UBND thành phố, bắt đầu tuyển sinh trực tuyến từ ngày 23-26.6, trực tiếp từ 1.7.
Quy định của thành phố và Sở thì các phòng và các trường đều phải thi hành. Đó là trách nhiệm của các phòng giáo dục chứ không phải của Sở. Nếu kiểm tra có sai phạm, chúng tôi sẽ có biện pháp xử lý.