Giả mạo chữ ký
Như PLVN đã phản ánh, khiếu nại của ông Nguyễn Văn Thịnh, đại diện cho người dân thôn Thái Lai (xã Tiến Thắng, huyện Mê Linh, TP Hà Nội) về quá trình dồn điền đổi thửa (DĐĐT) tại xã Tiến Thắng đã dồn ghép gần 9.000m2 đất tại khu đầm Bạch, giáp mặt đường cho ông Nguyễn Văn Thành, quyền Trưởng thôn Thái Lai không đúng quy định. Ông Thành còn “ngang nhiên” xây dựng trang trại, phá vỡ cấu trúc mặt ruộng, làm nhà ở kiên cố trên đất ruộng mà không hề hấn gì?
Trả lời kiến nghị của người dân, ngày 21/3/2016 UBND xã có Văn bản số 43/UBND-HC cho rằng, việc giao ruộng cho ông Thành là công khai, minh bạch, đúng quy trình, khi viện dẫn biên bản hội nghị xã viên thôn Thái Lai ngày 23/10/2013, về việc thống nhất các phương án dồn ghép ruộng đất và biên bản gắp phiếu chia diện tích đầm Đội 1 ngày 1/4/2014.
Tuy nhiên, người dân đã chỉ ra nhiều điểm bất thường trong văn bản: Thứ nhất, biên bản hội nghị xã viên hồi 15h30 ngày 23/10/2013 có ghi thành phần tham dự hội nghị gồm toàn thể thành viên Tiểu ban DĐĐT thôn và 175 người đại diện xã viên thôn Thái Lai. Nhưng văn bản chỉ có chữ ký của chủ tọa và thư ký cuộc họp? Thứ hai, biên bản gắp phiếu chia diện tích đất đầm Bạch ngày 1/4/2014 (do ông Lê Anh Tâm - Đội trưởng đội 1 viết tay), có 8 hộ xã viên gắp phiếu và nhận ruộng theo thứ tự từ số 01 đến 08. Song trong văn bản chỉ có chữ ký của 5/8 hộ, nhưng có 3 hộ đã vào xây dựng kinh tế ở miền Nam từ 20 năm nay…
Phân vân khi phải cưỡng chế?
Ông Đỗ Đăng Sửu - Chủ tịch UBND xã Tiến Thắng xác nhận, chữ ký của ông Nguyễn Văn Khôi là do ông Thành ký, do ông Thành đã nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp của ông Khôi. “Việc chuyển nhượng này là không hợp pháp”, ông Sửu xác nhận. Chứ ký của bà Nguyễn Thị Đoạt, ông Nguyễn Văn Hạc cũng do người khác ký.
Việc ông Thành ngang nhiên xây dựng nhà ở kiên cố, trang trại trên đất nông nghiệp, ông Sửu cũng xác nhận là vi phạm, khi phát hiện UBND xã đã lập biên bản ngăn chăn, yêu cầu dừng thi công, nhưng đến nay chưa tổ chức cưỡng chế được. Vì theo ông Sửu, do ông Thành bỏ nhiều tiền để xây dựng trang trại, nếu tổ chức cưỡng chế cũng thấy phân vân.
Trong lúc người dân thôn Thái Lai đang có khiếu nại làm rõ việc ông Thành được dồn ghép gần 9.000m2 đất ruộng có dấu hiệu dựng hồ sơ, chưa được giải quyết dứt điểm thì ngày 29/7/2016, UBND huyện Mê Linh lại có Văn bản số 4024/UBND-TNMT gửi UBND xã có nội dung hướng dẫn hộ ông Thành đăng ký biến động đất đai và chỉ đạo Tiểu ban DĐĐT tổ chức lấy ý kiến các xã viên Đội 1 đúng người, đúng chủ hộ. “Phải chăng động thái này, UBND huyện Mê Linh đang hợp thức hóa và cố tình bao che cho ông Thành?”, không ít người dân đặt câu hỏi.
Ông Phạm Trần Quang - Phó trưởng phòng phụ trách Phòng TN&MT huyện Mê Linh cho biết, biên bản gắp phiếu chia diện tích đầm ngày 1/4/2014 là chưa phù hợp với quy định để thực hiện nguyên tắc thứ 4 của Đề án 02, ngày 7/11/2011 “Khuyến khích việc tự nguyện chuyển đổi ruộng đất để có ô thửa lớn sản xuất nông nghiệp giữa các hộ gia đình cá nhân”.
Theo ông Quang, UBND huyện Mê Linh đã giao cho UBND xã Tiến Thắng chỉ đạo Ban Chỉ đạo, Tiểu ban DĐĐT thôn Thái Lai nghiêm túc rút kinh nghiệm, đồng thời tổ chức lấy ý kiến các xã viên Đội 1 đúng người, đúng chủ hộ để bổ sung thêm quy trình cho đúng. “Quy trình giao ruộng cho ông Thành không có vấn đề gì. Theo quy định Luật Đất đai thì trường hợp của ông Thành được đăng ký biến động, thậm chí được cấp giấy?”, ông Quang cho biết.
Như vậy, có thể thấy việc giả mạo chữ ký hồ sơ dồn ghép ruộng đất của ông Thành theo phản ánh của người dân thôn Thái Lai hoàn toàn có cơ sở, nhưng vì sao UBND huyện Mê Linh lại có “động thái” đề nghị UBND xã Tiến Thắng hướng dẫn hộ ông Thành đăng ký biến động đất đai và chỉ tổ chức lấy ý kiến bổ sung quy trình giao ruộng cho ông Thành? Phải chăng đang có sự cố tình “bảo vệ” sai phạm? Người dân địa phương đề nghị UBND TP Hà Nội chỉ đạo làm rõ vụ việc, đồng thời xem xét trách nhiệm của cá nhân, tập thể khi để xảy ra sự việc trên.