Ba bị cáo trong vụ án gồm các ông Nguyễn Tiến Dũng (SN 1957), nguyên trưởng thôn, trưởng tiểu ban dồn điền đổi thửa 2011-2013 thôn Tăng Long và hai phó thôn: Nguyễn Văn Cương (SN 1965), Nguyễn Xuân Quảng (SN 1955, đều ngụ thôn Tăng Long, xã Việt Long, huyện Sóc Sơn, TP Hà Nội). Các bị cáo bị truy tố tội Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Khoản 2 Điều 281 BLHS, hiện đang được tại ngoại.
Từ năm 2011, thôn Tăng Long triển khai thực hiện dồn điền đổi thửa (DĐĐT). Trưởng thôn được bầu làm trưởng tiểu ban DĐĐT, hai phó thôn là ủy viên. Tuy nhiên do phần lớn đồng ruộng trên địa bàn chỗ trũng, chỗ cao rất khó canh tác nên người dân chỉ đồng ý nhận ruộng sau khi đã được san lấp bằng phẳng.
Thiếu kinh phí, trưởng thôn cho rằng đã cùng bí thư chi bộ đến gặp chủ tịch xã báo cáo tình hình và được đồng ý cho thôn về tự tìm nguồn kinh phí. Sau đó thôn họp bàn toàn dân và thấy trên địa bàn có hai khu ruộng thấp trũng Cây Đề (diện tích 1395 m2) và khu Đồng Cung rộng 1200m2 bỏ hoang hàng chục năm nay.
Tiểu ban DĐĐT đề xuất phương án cho đấu thầu hai khu ruộng trũng này để lấy kinh phí san lấp ruộng. Ý kiến này được toàn dân nhất trí. Ông Dũng cho biết tất cả những việc làm của tiểu ban đều báo cáo với lãnh đạo xã, phía xã đồng ý nhưng không trả lời bằng văn bản.
Thôn thuê hai người trong thôn có máy móc đến hợp đồng giao khoán san lấp ruộng, san lấp tới đâu giao đất tới đó. “Việc san lấp mất 29 ngày (từ ngày 22/11 đến ngày 21/1/2012) mới xong. Để minh bạch, thôn còn họp bầu ra đội giám sát gồm tám thành viên sẽ chấm công chéo nhau”, cựu trưởng thôn Tăng Long nói.
Chính quyền thôn tổ chức công khai việc đấu thầu ruộng trũng trên loa phát thanh và tại các buổi họp dân. Các bị cáo khẳng định trong những buổi họp này có sự tham gia có UBND xã, HĐXX có thể xác minh từ lời khai người dân.
Theo quy chế đấu thầu thôn lập ra, mỗi người tham gia phải nộp 200 ngàn tiền mua hồ sơ và đặt cọc 20 triệu. Giá khởi điểm là 50 triệu/360m2. Nếu ai tham gia thì đăng kí với trưởng và phó thôn tại nhà văn hóa thôn. Sau đó những người không trúng sẽ được trả lại tiền, người nào trúng thì được trừ tiền đặt cọc vào tiền mua đất.
Tháng 3/2012, thôn Tăng Long tổ chức đấu thầu khu đồng thùng Cây Đề với giá trúng thầu 275 triệu đồng. Sau đó trưởng và phó thôn kí hợp đồng giao đất dài hạn cho người trúng thầu. Số tiền thu được thôn sử dụng vào việc chi trả tiền san lấp mặt bằng. Đối với khu đồng thùng Đồng Cung không có ai đấu thầu.
Trong khi đó thôn vẫn còn thiếu người chủ san lấp ruộng số tiền 120 triệu đồng, nhưng hết kinh phí nên ba bị cáo là lãnh đạo thôn đã vận động và kí hợp đồng giao 1200m2 tại khu Đồng Cung cho người san lấp ruộng để hoán đổi vào tiền công còn nợ. Công tác DĐĐT tại thôn Tăng Long nhờ thế hoàn thành trước thời hạn.
Bẵng đi gần hai năm sau, cuối năm 2013 ông Dũng và hai cấp phó được Công an huyện mời lên làm việc. Lúc này ban lãnh đạo thôn mới biết có hai người tố cáo về việc thôn bán đấu giá đất, kí hợp đồng giao đất trái thẩm quyền.
“Chúng tôi đều hết nhiệm kì từ tháng 3/2013. Đến tháng 2/2014 thì nhận được quyết định khởi tố vụ án”, bị cáo Cương trình bày. Còn UBND xã Việt Long sau đó đã ra quyết định hủy hai hợp đồng đấu thầu dài hạn do thôn Tăng Long kí. Theo xác minh của CQĐT, toàn bộ diện tích đất trên là đất nông nghiệp do UBND xã trực tiếp quản lý. Hiện khu Cây Đề có ba hộ đang sử dụng, còn khu Đồng Cung vẫn bỏ hoang.
Tổng số tiền lãnh đạo thôn thu được là 395 triệu đồng đều chi trả vào chi phí san lấp ruộng và công tác DĐĐT. CQĐT trước đó đã xác minh, kiểm tra các khoản thu chi đúng như lời khai các bị cáo. Cơ quan tố tụng nhận định trưởng và phó thôn đã tự ý cho đấu thầu, thu tiền mà không báo cáo Đảng ủy, UBND xã Việt Long.
Trong đó trưởng thôn đóng vai trò tổ chức, còn hai phó thôn cùng ông Dũng thực hiện. CQĐT nhận định các bị can có nhân thân tốt, vi phạm lần đầu và khai báo thành khẩn cần được xem xét giảm nhẹ.
Từ năm 2014 đến nay, tòa án huyện Sóc Sơn đã năm lần mở phiên tòa xét xử vụ án. Tuy nhiên tất cả đều hoãn vì nhiều lí do khác nhau. Trong đó có lý do yêu cầu điều tra bổ sung về trách nhiệm của UBND xã, huyện trong quản lý đất đai tại địa phương.
Sáng ngày 30/8, tòa án huyện Sóc Sơn mở lại phiên tòa xét xử sơ thẩm vụ án sau năm lần hoãn. Tại buổi xét xử, cả ba bị cáo giữ nguyên quan điểm là họ làm việc vì lợi ích chung, không hề vụ lợi. Ba cựu lãnh đạo thôn bức xúc khi chính quyền xã phủ nhận trách nhiệm:
“Việc đấu thầu xã đều biết, nay xảy ra sự việc lại phủi tay đổ trách nhiệm cho chúng tôi là không được”, cựu trưởng thôn nói. Trong khi đó làm việc với CQĐT, UBND xã Việt Long trả lời chỉ cho chủ trương “tự tìm nguồn vốn” chứ không cho phép đấu thầu.
Đại diện UBND huyện có đơn xin xét xử vắng mặt, còn phó chủ tịch xã được chủ tịch ủy quyền đến dự tòa, tuy nhiên một mực cho rằng “không nắm được gì”. Trước diễn biến này, HĐXX quyết định hoãn phiên xử.
Tại phiên tòa, khi được mời phát biểu, một người dân phản ánh: “Nếu không có những cán bộ năng nổ như ban lãnh đạo thôn thì công tác DĐĐT gặp khó khăn, dân chúng tôi không bức xúc gì cả. Mong HĐXX xem xét xử nhẹ tội cho các bị cáo”.
Nhiều người dân khác đến dự tòa cũng trình bày với HĐXX là việc đấu thầu ruộng mọi người đều biết rõ và ủng hộ. Họ mong muốn tòa án xem xét lại tội danh truy tố ba cựu trưởng thôn, phó thôn. Đặc biệt chủ tọa chia sẻ với nhóm bị cáo:
“Chúng tôi ghi nhận công lao các anh, làm vì lợi ích cho dân, không vụ lợi nhưng vượt quá thẩm quyền. Khi đưa vụ án này ra xét xử chúng tôi cũng đau lòng”.