Phân đất thừa vào họ hàng?
Trong đơn kiến nghị gửi tới báo Câu chuyện Pháp luật, tập thể nhân dân thôn Trung Kiên cho hay, thực hiện chủ trương DĐĐT của UBND huyện Sóc Sơn từ năm 2012, bà con đều nhất trí tán thành.
Quá trình tiến hành lấy ý kiến người dân và bình bầu hệ số K (hệ số phân chia theo loại đất tốt - xấu) trên toàn bộ diện tích 58ha đất của thôn. Tiểu ban DĐĐT của thôn Trung Kiên được thành lập. Ông Trần Hùng, nguyên bí thư chi bộ thôn Trung Kiên là Trưởng tiểu ban; ông Nguyễn Ngọc Oanh, nguyên trưởng thôn là phó ban.
Sau khi công việc DĐĐT tại thôn Trung Kiên được hoàn thành, kết quả công bố tại nhà văn hóa của thôn. Tuy nhiên, người dân thôn Trung Kiên nhận thấy có nhiều điểm bất thường trong việc phân chia ruộng do tiểu ban DĐĐT tiến hành.
Bà Nguyễn Thị Thúy Nga (Trưởng thôn Trung Kiên) cho biết: "Sau kết quả họp thôn vào tháng 7/2014, tôi được bầu làm trưởng thôn mới. Trước đông đảo ý kiến của bà con nhân dân, ngày 5/4/2015, chúng tôi đã thành lập ban kiểm tra gồm 17 người, trong đó tôi là phó ban, ông Đồng Văn Thắng làm trưởng ban để tiến hành kiểm tra lại việc DĐĐT tại thôn".
Tại biên bản lập ngày 5/4/2015 của Ban kiểm tra thôn Trung Kiên, có tới 13 hộ được phân chia thừa diện tích, trong đó có 9 hộ là người nhà của hai ông Trần Hùng và Nguyễn Ngọc Oanh. Tổng diện tích sau DĐĐT phân thừa là 5059 m2.
Riêng hộ ông Oanh được phân thừa tới 1120m2, ông Trần Hùng tại số thửa 53 thừa 464m2. Song song với đó, ban kiểm tra rà soát lại quy trình cấp đất phát hiện 12 hộ bị phân thiếu đất canh tác, với tổng diện tích 2673 m2.
Ngay sau đó, ban kiểm tra đã lập biên bản gửi lên UBND xã Trung Giã với kiến nghị giải quyết nhằm đảm bảo quyền lợi cho bà con nhân dân. Ngày 8/3/2016, sau một thời gian dài tiến hành xác minh, UBND xã Trung Giã đã thành lập tổ công tác kiểm tra công tác dồn điền đổi thửa tại Trung Kiên theo đơn kiến nghị.
Sau khi tiến hành đo đạc lại, tổ công tác của UBND xã Trung Giã do ông Ngô Thanh Vân (Phó Chủ tịch UBND làm trưởng đoàn) xác nhận: Có 5 gia đình được tiểu ban DĐĐT giao thừa trên 100m2/thửa với tổng diện tích là 2391,1m2; có 5 hộ gia đình được tiểu ban DĐĐT giao thừa dưới 100m2 với tổng diện tích là 472,3m2. Tổng cộng là 2836,6m2.
Bên cạnh đó, đoàn kiểm tra còn phát hiện 7 hộ dân lấn chiếm đất công sau khi DĐĐT với tổng diện tích là 974m2. Việc một số hộ là họ hàng của ông Trần Hùng được giao thừa, đoàn kiểm tra xác nhận do ban giao ruộng thôn Trung Kiên đã “tắc trách trong việc đo đạc và tính diện tích ngoài thực địa khi giao đất”.
Riêng trường hợp của hộ bà Hoàng Thị Sắc (mẹ ông Oanh) bị giao thừa 938m2, đoàn kiểm tra xác nhận nguyên nhân “do đang thực hiện dự án chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi được UBND huyện Sóc Sơn phê duyệt nên sẽ có chỉ đạo sau”.
Đoàn kiểm tra đã làm biên bản, thống nhất thu hồi diện tích đã giao thừa trước đó của tiểu ban DĐĐT do ông Hùng và Oanh thực hiện. Lãnh đạo thôn Trung Kiên có trách nhiệm thành lập tiểu ban thu hồi toàn bộ diện tích 2391,3m2 để giao lại cho các hộ thiếu.
Phần diện tích lấn chiếm đất công cũng được giao cho thôn Trung Kiên thu hồi quản lý. Thôn Trung Kiên sẽ họp dân, làm rõ trách nhiệm của hai ông Trần Hùng và Nguyễn Ngọc Oanh trong việc xảy ra sai sót.
Sau khi biên bản được lập, nhân dân thôn Trung Kiên không đồng ý với kết quả đã đo đạc lại của đoàn kiểm tra và tiếp tục kiến nghị. Ngày 15/4/2016, UBND xã Trung Giã tiếp tục thành lập đoàn kiểm tra do đích thân ông Đinh Văn Thọ (Chủ tịch UBND xã Trung Giã) làm trưởng đoàn.
Tại báo cáo ngày 25/6/2016 ghi rõ: "Qua kiểm tra xác minh diện tích bị giao thừa sau khi tiến hành DĐĐT tại thôn Trung Kiên của 9 hộ là 3506,5m2", tăng hơn 670m2 so với lần kiểm tra trước, đồng thời "diện tích bị giao thiếu cho 14 hộ là 2806,8m2".
Điều đáng nói, tại cuộc kiểm tra lần này, tổ công tác xác định giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số L 406996/QSDĐ ngày 20/2/1998 do UBND huyện Sóc Sơn cấp mang tên ông Nguyễn Ngọc Oanh có diện tích 1716m2.
Tuy nhiên, tổ công tác làm rõ chỉ có 823m2 trong sổ đỏ là đúng, còn 893m2 có diện tích ghi trong sổ đỏ không có diện tích ngoài thực địa. UBND xã Trung Giã đã làm báo cáo gửi lên UBND huyện Sóc Sơn để xử lý vì việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất không thuộc thẩm quyền của mình.
Tuy nhiên cho đến nay, việc xử lý vẫn hoàn toàn “dậm chân tại chỗ”.
Chỉ "quyết liệt" trên văn bản
Chiều 30/8/2016, chúng tôi có cuộc làm việc với ông Đinh Văn Thọ (Chủ tịch UBND) và ông Ngô Thanh Vân (Phó Chủ tịch UBND xã Trung Giã). Ông Thọ xác nhận vụ việc tại thôn Trung Kiên đúng như phản ánh và có sai sót do ông Trần Hùng và Nguyễn Ngọc Oanh gây ra.
Khi được hỏi về việc tại sao việc sai phạm trong công tác DĐĐT tại Trung Kiên lại xử lý chậm trễ như vậy? Ông Thọ cho biết, ngay sau khi nhận được báo cáo sơ bộ của ban kiểm tra thôn Trung Kiên, UBND xã đã giao cán bộ chuyên trách là ông Ngô Thanh Vân đi trực tiếp kiểm tra. Những lần kiểm tra sau đó đều được UBND thực hiện đúng quy trình.
"Vấn đề nằm ở chỗ có nhiều mâu thuẫn cá nhân trong nội bộ thôn Trung Kiên, các hộ giao đất thừa không chịu giao lại đất nên mới để tình trạng kéo dài như vậy".
Chúng tôi tiếp tục chất vấn: "Tại sao lãnh đạo xã hứa trước người dân thôn Trung Kiên sẽ giải quyết dứt điểm vụ việc sau vụ hè thu mà nay đã qua vụ chiêm vẫn chưa thực hiện được?". Ông Thọ thay vì trả lời đã cung cấp hàng loạt văn bản liên quan đến việc chỉ đạo giải quyết vụ việc tại thôn Trung Kiên.
Tuy nhiên, văn bản nhiều, công tác chỉ đạo chỉ là trên giấy chứ không có hành động quyết liệt nào khác. Chính vì điều này, người dân thôn Trung Kiên vẫn mỏi mòn trông chờ lời hứa của ông chủ tịch xã mà chưa thấy đâu!.
Liên quan đến giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Nguyễn Ngọc Oanh thừa tới 893m2, chiều 14/9/2016, chúng tôi đã có cuộc làm việc với ông Nguyễn Văn Toàn (Phó phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Sóc Sơn).
Ông Toàn giải thích: "Thời điểm cầm sổ đỏ cho gia đình ông Oanh năm 1998 cũng như đông đảo người dân thời điểm đó là đại trà. Việc cấp giấy căn cứ vào phương án giao đất và đơn xin cấp của người dân mà chính quyền địa phương xác nhận".
Việc giải quyết việc sai sót trong cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của gia đình ông Oanh, ông Toàn "đẩy" trách nhiệm thuộc về nhiệm kỳ cũ và chính quyền UBND xã Trung Giã do đã xác nhận đơn xin cấp giấy của gia đình ông Oanh.
Về việc DĐĐT tại thôn Trung Kiên gây bức xúc trong nhân dân, ông Toàn cho biết: "Dân gửi đơn kiến nghị ở đâu chúng tôi không rõ nhưng không tới UBND huyện". Khi được hỏi: "Trong các báo cáo của UBND xã Trung Giã về vụ việc đều có nơi nhận là Huyện ủy, UBND huyện Sóc Sơn, sao lại có chuyện UBND không nắm được?".
Ông Toàn tiếp tục giải thích: "Đó là trên tinh thần UBND huyện nắm được vụ việc chứ việc giải quyết do UBND xã Trung Giã. Cái khó là UBND xã Trung Giã không báo cáo việc khó ở đâu, vướng mắc như thế nào để UBND huyện có hướng chỉ đạo".
Chủ trương DĐĐT là đúng đắn, huyện Sóc Sơn cũng là một trong những đơn vị của TP.Hà Nội thực hiện chủ trương này rất tốt nhưng vẫn còn vướng mắc trong dân như tại thôn Trung Kiên, Xuân Sơn (đều thuộc xã Trung Giã).
Tuy nhiên, thay vì tập trung giải quyết dứt điểm, tránh để gây bức xúc trong dân thì chính quyền từ cấp xã đến huyện lại đùn đẩy trách nhiệm cho nhau, không biết đến bao giờ thì quyền lợi của những hộ dân bị chia thiếu đất được giải quyết thỏa đáng?