Đánh đổi nhân phẩm vì đói nghèo
Châu Phi Hạ Sahara là một thuật ngữ địa lý được dùng để miêu tả một vùng của lục địa châu Phi nằm phía Nam sa mạc Sahara. Nó đối nghịch với Bắc Phi, vốn được coi là một phần của thế giới Ả-rập. Ở các quốc gia này cụm từ “đổi tình lấy cá” không còn gì là lạ lẫm.
Điều tưởng rằng khó xảy ra đó đang diễn ra phổ biến tại một số quốc gia, ở những nơi này đàn ông đánh bắt cá và phụ nữ bán sản phẩm đánh bắt được cho khách hàng địa phương.
Điển hình như ở Malawi, một người phụ nữ có thể gặp một ngư dân và hứa sẽ trả tiền cho anh ta sau khi bán được hàng. Nhưng cô ấy có thể gặp khó khăn khi không bán hết cá. Vì vậy, cô ấy có thể trả những gì cô ấy nợ khi mua cá của ngư dân bằng cách tham gia vào một cuộc trao đổi, trả nợ bằng tình dục.
Benjamin Kachikho (một cán bộ thuộc Quỹ Timotheos tại Malawi) cho biết: “Những người ngư dân thường gợi ý rằng, hãy quan hệ tình dục như một cách bù đắp. Hoặc nếu nguồn cung cá ít vì đánh bắt quá mức, một số phụ nữ có thể tranh giành quyền được mua cá từ ngư dân và giao dịch tình dục được sử dụng như một điểm mặc cả”.
Một đám đông những người buôn bán cá tập trung quanh một chiếc thuyền ở Hồ Malawi (Ảnh: Julia Gunther). |
Thật khó để ước tính có bao nhiêu ngư dân và người bán cá đã tham gia vào giao dịch tình dục này. Thậm chí có cả những cuộc trao đổi tìnhh dục đồng tính. Kachikho nói: “Nghèo đói là lý do chính khiến giao dịch ‘đổi tình lấy cá’ diễn ra. Nếu bạn nghèo, bạn sẽ rơi vào bế tắc”.
Chrissy Masala (sống tại Mpyupyu, Malawi) đã tiết kiệm đủ tiền để mở một tiệm làm tóc vào năm 2013. “Tôi quyết định dừng lại vì sự kỳ thị và phân biệt đối xử với tôi”, cô kể về những năm cô dùng tình dục để lấy cá. “Tôi đã bị đánh giá bởi những người khác, cha mẹ tôi, con cái của tôi, ngay cả tôi cũng đánh giá chính mình”, cô nhớ lại.
Một người phụ nữ khác đã từ bỏ nghề này là Catherine Kambanje (sống tại Malawi) hiện đang đốt củi để bán than kiếm sống. “Nhưng không có gì thay đổi. Tôi vẫn còn nghèo…”, cô nói.
Cô là một trong 19 phụ nữ được phóng viên ảnh người Đức Julia Gunther phỏng vấn về giao dịch tình dục này, người có những hình ảnh được đưa vào câu chuyện này. Hầu hết phụ nữ được hỏi yêu cầu không được sử dụng tên thật vì họ sợ sẽ phải đối mặt với sự kỳ thị trong cộng đồng.
Người phụ nữ 39 tuổi nói với Gunther rằng ngay cả khi cô kiếm được lợi từ con cá, việc trao đổi tình dục vẫn có thể diễn ra: “Những người đánh cá sẽ nói tôi cứ giữ lại tiền và họ đến nhà tôi ngay trong đêm để ngủ với tôi..
Những lời bình luận của cô cũng tiết lộ cuộc sống bấp bênh mà nữ bán cá phải đối mặt. “Có lúc một số ngư dân đã lấy tiền của tôi và bỏ chạy. Và đôi khi những người đánh cá đó còn sử dụng bạo lực với tôi”, cô nói.
Những người phụ nữ nói với Gunther rằng họ cảm thấy xấu hổ vì những gì họ làm để tồn tại, để có thể sống. Họ không coi mình là người bán dâm. Họ chỉ đơn giản là những người phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn, cố gắng kiếm sống. Một số là mẹ đơn thân. Những người khác cố gắng bán cá để nuôi sống cả một gia đình đông người.
Patrick Higdon (Giám đốc các chương trình của nhóm phi lợi nhuận World Connect) đã thực hiện nhiều hoạt động để giải quyết vấn đề này ở Kenya, cho biết: “Hiện tượng này lâu đời và khá khắc nghiệt như một chuẩn mực xã hội”.
Khi căn bệnh thế kỷ trở nên bình thường
Những người dân ở Malawi và Kenya tin rằng, việc quan hệ tình dục để đổi lấy cá là nguyên nhân góp phần làm lây lan HIV ở các quốc gia này. Tại Malawi, cứ 10 người trưởng thành thì có 1 người dương tính với HIV, tỷ lệ này là một trong những tỷ lệ cao nhất trên thế giới.
Alfred Banda - nhân viên tiếp cận cộng đồng của Youth Net Counseling ở quận Zomba của Malawi cho biết, ngư dân đi đến các điểm bán cá khác nhau dọc theo bờ hồ và sau đó mang sản phẩm đánh bắt của họ bán cho những người phụ nữ ở địa phương.
Loài cá rô phi từng rất phổ biến giờ được xếp vào danh sách “cực kỳ nguy cấp” vì bị đánh bắt quá mức. |
Đương nhiên, khi đó sẽ có rất nhiều giao dịch đổi cá lấy tình dục diễn ra. Banda nói: “Nếu họ có virus HIV, họ có thể mang nó vào một cộng đồng, hoặc nếu họ bị nhiễm trong quá trình di chuyển, họ sẽ lây truyền. Những người mang bệnh càng di chuyển càng gây nguy hiểm cho sức khỏe của người khác”, Alfred Banda nhận định.
Một người phụ nữ 39 tuổi ở làng Chisamba cho biết: “Những người đánh cá chủ yếu muốn quan hệ tình dục không an toàn. Họ không thích bao cao su”.
“Tôi không có tiền nhưng tôi muốn có cá. Sau đó, chúng tôi đồng ý quan hệ tình dục để đổi lấy cá. Điều đó có thể xảy ra một lần mỗi tuần. Tôi đã âm tính với HIV nhưng đó là số phận. Nếu bạn nhiễm HIV ở đây. Đó là điều bình thường”, một phụ nữ 35 tuổi đã ly hôn và là mẹ của ba đứa trẻ nói với phóng viên Julia Gunther.
Suy nghĩ về cách kiếm sống của mình, cô nói: “Tôi cảm thấy như không có tương lai khi làm những việc này”. Và cô cũng mơ về cuộc sống mới với “một gia đình ổn định, một người chồng có thể chu cấp cho tôi”.
Ở nhiều vùng khắp châu Phi, những nơi xảy ra quan hệ đổi cá lấy tình dục, các nhóm phi lợi nhuận và các doanh nhân đang tìm cách để hạn chế hoạt động này. Một doanh nghiệp mới ở Kenya tìm cách ngăn chặn tình trạng đánh bắt cá ngoài tự nhiên và giúp đỡ các trang trại cá địa phương. Với các khoản đầu tư và cho vay, một người đàn ông có tên Dave Okech thành lập nên mạng lưới có tên Rio Fish vào năm 2016. Kế hoạch của anh là kết nối những người phụ nữ bán cá các trang trại cá.
Để tham gia vào mạng lưới của Dave Okech, các trang trại cá phải đồng ý và ký quy tắc ứng xử tuân theo các kỹ thuật nuôi cá lành mạnh với môi trường. Đặc biệt, các hộ kinh doanh cá phải ký vào một bản cam kết với nội dung “không tham gia vào bất kỳ hoạt động nào có thể dẫn đến quan hệ tình dục để đổi lấy cá”. Nếu vi phạm, trại cá sẽ bị loại khỏi cuộc chơi.
Những người nuôi cá tải sản lượng cá hàng ngày của họ lên hệ thống Rio Fish. Những người mua cá có thể gọi đến văn phòng của Rio Fish để xác định nguồn cung cấp cá nuôi gần nhất mà họ có thể mua bằng dịch vụ chuyển tiền điện tử có tên M-Pesa, thường được sử dụng ở Kenya. Vào mùa thu này, Okech hy vọng sẽ tung ra một ứng dụng giúp mọi người tìm thấy các trang trại nuôi cá.
Nếu mọi việc diễn ra theo đúng kế hoạch, người nuôi cá sẽ dễ dàng bán sản phẩm của họ và người bán cá sẽ có nguồn cung ổn định, vkhông phải dùng đến giao dịch tình dục để có được cá hoặc trả nợ. Cho đến nay, Okech cho biết anh đang làm việc với 200 người bán cá. Năm đầu tiên Rio Fish chuyển 50 tấn cá và kể từ đó đã tăng lên 300 tấn hàng năm. Mục tiêu của ông là 1.000 tấn vào năm 2020.