Những vết sẹo mang ý nghĩa khác nhau
Từ hàng trăm năm nay, người dân bộ tộc Yoruba, Igbo, Hausa... đến từ Nigeria có một phong tục đặc biệt và gây tranh cãi, đó là những đứa trẻ sinh ra sẽ bị rạch mặt, tạo thành những vết sẹo vĩnh viễn. Những vết cứa sâu, thường ở hai bên má hoặc trán, được gia đình và cộng đồng khắc trên mặt trẻ em như một dấu vết nhận biết. Người Nigeria từng quan niệm vết cứa ấy chứa đựng những câu chuyện về nỗi đau, vẻ đẹp và sự tái sinh.
Có thể nói, hủ tục rạch mặt để nhận dạng, hay nói đơn giản thì những vết sẹo trên mặt của mọi người là “chứng minh thư nhân dân” của bộ tộc người Yoruba thuộc vùng Tây Nam Nigeria. Ở đây, trẻ em khi sinh ra sẽ bị rạch mặt để đánh dấu chúng là người của bộ lạc. Thầy cúng Ifaponle Ogunjinmi cho biết: “Dấu sẹo nhận dạng của bộ tộc còn là đặc điểm của từng gia đình và ai trong gia đình cũng phải có”.
Khi vết thương chảy máu, thầy cúng lấy dịch của một con ốc bôi lên má để làm mát vết thương rồi bôi tro lên vết thương để cầm máu cho đứa bé. Để kết thúc nghi thức rạch mặt, một con gà sống được đưa qua đầu em bé nhiều lần. “Dịch lỏng của ốc sên sẽ giúp làm dịu vết thương, giống như lửa gặp nước vậy. Con gà có ngụ ý xoa đi bệnh tật ra khỏi cơ thể. Con gà sẽ được mang đi cúng tế trong 2 ngày sau đó”, Ifaponle giải thích.
Vết cắt nặng hay nhẹ tùy thuộc vào đặc điểm của mỗi gia đình. Một vài người chỉ có những đường rạch nhẹ trên da mặt, trong khi những người khác lại rạch rất sâu và sẹo dài khoảng 1 ngón tay. Với người Yoruba, vết sẹo đánh dấu mang nhiều hình thù và ý nghĩa khác nhau. Nhưng phổ biến nhất vẫn là những đường sọc thẳng trên mặt để phân biệt dòng tộc và khu vực. Một số khác thì có vết sẹo giống hình con thằn lằn hay bọ cạp. Cho dù là vết sẹo gì, chúng đều mang ý nghĩa tâm linh.
Hủ tục rạch mặt của bộ tộc Yoruba đã có từ lâu đời và vẫn được lưu truyền cho tới tận ngày nay. Trẻ con luôn được dạy rằng những vết sẹo trên khuôn mặt luôn là niềm tự hào vì là thành viên của bộ tộc. Hiện nay, hủ tục rạch mặt xuất hiện nhiều ở các quốc gia châu Phi, đặc biệt ở các vùng nông thôn.
Còn đối với dân tộc Igbos ở miền Nam Nigeria, một số vết sẹo còn tượng trưng cho sự sống và cái chết. Nhiều người mẹ ở đây thường mất liên tiếp vài đứa con khi chúng còn nhỏ. Người Igbos cho rằng đó là cùng một đứa trẻ, đầu thai nhiều lần để làm khổ mẹ của chúng. Họ quan niệm rằng những đứa trẻ này đã được định sẵn số phận chết trước tuổi dậy thì và thuộc về một bầy quỷ sống trong những cây iroko và bao báp lớn. Cư dân của dân tộc này sẽ khắc dấu lên mặt những đứa trẻ như vậy và tin rằng điều đó có thể khiến linh hồn của ma quỷ không thể nhận ra chúng, giúp chúng sống tiếp.
Nghi thức lâu đời
Tùy từng bộ lạc bộ lạc thổ dân ở Nigieria, việc rạch thân sẽ diễn ra theo nhiều cách khác nhau, cùng với quan niệm về giá trị của những vết sẹo cũng khác nhau. Tương truyền, những thổ dân Nigieria lo sợ một ngày nào đó các vị vua châu Phi sẽ xâm chiếm mảnh đất trù phú mà họ đang sinh sống và chinh phục các bộ lạc của họ. Do đó, họ thường tạo ra các vết sẹo trên mặt và cơ thể như một hình thức đánh dấu chủ quyền.
Họ tin rằng, nếu một ngày nào đó mà bị xâm lược, nhờ vết sẹo này, họ sẽ không bị bắt làm nô lệ và sẽ nhận ra nhau, vì mỗi gia đình sẽ có một kí hiệu riêng trên đó. Mặt khác, những người dân nơi đây cho rằng, việc rạch thân cũng giống như một loại nghệ thuật. Những vết sẹo khắp mặt và cơ thể tựa như những đường “trang trí” mà nhờ chúng, trông họ sẽ đẹp hơn và mạnh mẽ hơn.
Để tạo ra những vết sẹo lồi trên cơ thể, những thổ dân Nigieria thường làm theo hai cách. Cách thứ nhất, một số người thường tạo sẹo bằng cách dùng lưỡi câu cá nhọn, móc lên da, kéo căng rồi dùng lưỡi dao để rạch lên bề mặt và tạo các đường nét trên đó. Một số khác thì lại dùng lưỡi dao nhọn để “chạm trổ” cho dễ. Với lưỡi dao đó, họ có thể thoải mái “sáng tạo” những đường nét trên cơ thể theo ý muốn.
Sau khi đã có những vết cắt trên da, họ bôi lên đó một số thứ khiến vết thương lâu lành và sưng tấy để tạo sẹo lồi. Thậm chí để cho vết sẹo lồi rõ hơn, thổ dân ở đây còn đổ lên đó bột thuốc súng, bột than hay xát tro để tô màu cho chúng và tạo những dấu hiệu đặc biệt trên da.
Với những người đàn ông, việc có càng nhiều sẹo càng chứng tỏ sự mạnh mẽ của mình. Nhưng với phụ nữ thì lại khác. Họ không tạo sẹo lồi một cách vô tội vạ, mà chỉ tạo những vết sẹo trong các dịp quan trọng.
Chúng biểu thị các giai đoạn sống khác nhau, những bước ngoặt lớn của người phụ nữ như bắt đầu tuổi dậy thì, kết hôn, sinh con đẻ cái hay khi người chồng của mình qua đời. Còn đối với trẻ con, chúng được dạy rằng những vết sẹo được tạo ra trên khuôn mặt từ lúc mới sinh luôn là niềm tự hào vì là thành viên của bộ tộc.
Cùng với việc nhận dạng gia đình và bộ tộc, những thổ dân nơi đây khẳng định việc tạo sẹo lồi ở một số chỗ “tế nhị” cũng là biện pháp tăng độ hấp dẫn với người khác giới. Thậm chí, người thổ dân Nigeria còn sử dụng việc rạch thân như một phương pháp phòng và chữa bệnh.
Khi những đứa trẻ bị các bệnh như co giật, viêm phổi, đau dạ dày, sỏi thận, chúng cũng thường được điều trị bằng cách rạch một đường trên da. Nếu nặng và phải mổ thì các vết mổ sẽ được thực hiện ở gần các khớp xương, ngực, bụng, thắt lưng. Sau đó, các vết mổ sẽ không được khâu lại, thay vào đó, họ rắc thuốc lên bề mặt để chúng hòa cùng dòng máu và tạo nên những vết sẹo.
Chấm dứt hủ tục
Năm 2003, hủ tục cũ này đã bị ngăn cấm, dù chưa thể khiến cả một truyền thống trăm năm xóa bỏ ngay lập tức. Thế nhưng theo thời gian, sự thay đổi đã diễn ra và ngày nay, thế hệ rạch mặt cuối cùng của Nigeria đã kết thúc. Năm 2017, chính quyền tiếp tục đưa ra điều luật phạt hình sự đối với những người vẫn thực hiện hành vi rạch mặt. Một số nhà ủng hộ còn cho biết đây cũng là một phương thức khiến căn bệnh thế kỷ HIV bị lan truyền tại Nigeria.
“Không ai muốn những vết sẹo bộ lạc đó trên mặt con mình nữa. Mọi người đã dần hiểu nó là hành vi cổ hủ, mê tín dị đoan và thậm chí là ngược đãi trẻ em”, một người lên án.
Những người trẻ ở lứa tuổi đôi mươi được coi là thế hệ rạch mặt bắt buộc cuối cùng tại Nigeria hiện nay. Cô Taiwo chia sẻ, khi mới sinh ra, chị gái sinh đôi của mình qua đời còn cô thì bị ốm nặng. Thay vì được uống thuốc, Taiwo được đem đi rạch những vết sẹo trên má vì người lớn tin rằng đây là “bùa chú” để thần linh không đưa cô đi theo. Sau đó, cô quả thật khỏe lại, nhưng Taiwo không bao giờ tin vào “phép thuật” đó. “Nó làm cho bạn trông thật dị biệt. Tôi không muốn có bất kỳ dấu vết nào trên khuôn mặt của mình”, Taiwo nói.
Ngay chính bản thân những con người từng tin và thực hiện tập tục cũ này như Umar Wanzam - một người thợ cắt tóc cũng đã quay ra phản đối lệ rạch mặt. Ngày còn trẻ, anh từng là người cầm dao lam “đánh dấu danh tính” cho hàng ngàn đứa trẻ ở địa phương. Ngay cả khi vẫn chưa bị cấm, Umar quyết định không thực hiện tục lệ này với các con của chính mình vì biết, thời đại đã thay đổi. ”Tôi yêu những dấu vết này, nhưng tôi biết chúng ta đã bước sang một thời đại và thế giới mới”, anh nói.