Thậm chí còn có nhiều giai thoại kể rằng mỗi lần thể hiện và khẳng định chủ quyền bằng cách hạ quốc kỳ của phía bên kia trên đảo xuống, bên này đều để lại rượu làm quà tặng cho bên kia.
Hòn đảo này ở cách Bắc Cực 1.100 km, là một trong quần đảo có 3 hòn đảo. Chúng đều ở gần về địa lý đảo Groenland (thuộc Đan Mạch) hơn là gần Canada. Hai đảo khác trong quần đảo không bị hai bên tranh chấp chủ quyền.
Ngay từ năm 1933, một toà án quốc tế đã công nhận chủ quyền của Đan Mạch đối với đảo Hans - được đặt tên theo tên của nhà thám hiểm Bắc Cực là người đầu tiên tìm đến hòn đảo. Đương nhiên, phía Canada không công nhận.
Đan Mạch và Canada cũng không đưa cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ này ra giải quyết ở tòa án quốc tế của Liên Hợp quốc. Hòn đảo này không có dân ở, chỉ có đá chứ không có đất canh tác nông nghiệp, chỉ rộng có hơn 1,2 km2, tức là giá trị thật sự về kinh tế không lớn. Nhưng nó nằm trong khu vực được đánh giá là rất giàu tài nguyên và khoáng sản.
Biến đổi khí hậu làm tan dần băng đá tưởng tồn tại vĩnh cửu ở Bắc Cực nên việc tiếp cận và giao thông đi lại ở khu vực này đã trở nên thuận tiện và dễ dàng hơn. Giá trị của khu vực và của đảo về mọi phương diện vì thế đã tăng nhanh và có ý nghĩa chiến lược.
Mới rồi, Canada và Đan Mạch đạt được thỏa thuận giải quyết dứt điểm cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ song phương này. Nguyên tắc xử lý tranh chấp của hai bên là chia đôi đảo. Nhưng vì đường phân định ranh giới đi theo đỉnh núi trên đảo, mà đường đỉnh núi này lại vòng vèo nên phía Đan Mạch nhận về được nhiều lãnh thổ hơn Canada.
“Cuộc chiến tranh yên bình nhất trên thế giới” cuối cùng rồi cũng đã có được kết cục rất hòa bình. Kết cục này chấm dứt một cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ thuộc diện dai dẳng nhất từ trước đến nay trên thế giới,nó giúp hai nước liên quan có thể hoàn tất việc phân định biên giới.
Đại diện chính phủ Đan Mạch và Canada đề cao thỏa thuận nói trên và tán dương nó thành mẫu mực cho việc giải quyết các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ khác trên thế giới hiện tại, cụ thể là không cần phải dựa vào phán quyết của tòa án trọng tài quốc tế nào đấy mà dùng ngoại giao song phương, không dùng tư pháp quốc tế hay giải pháp quân sự mà dùng đàm phán dựa trên một số quan điểm và nguyên tắc nhất định của luật pháp quốc tế.
Vấn đề chỉ là cuộc tranh chấp giữa Đan Mạch và Canada về chủ quyền đối với đảo Hans là trường hợp rất đặc biệt bởi tranh chấp về pháp lý nhưng lại gần như không tranh chấp gì trên thực địa và mối quan hệ giữa Canada và Đan Mạch gần như không bị ảnh hưởng gì bởi cuộc tranh chấp này từ xưa đến nay. Cho nên mô hình giải quyết tranh chấp chủ quyền lãnh thổ này dẫu có hay và đáng khích lệ đến mấy thì cũng chỉ có được tính khả thi rất hạn chế ở các cuộc tranh chấp chủ quyền lãnh thổ khác trên thế giới hiện tại.